(SGGP).- Ngày 12-4, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu, lương đủ sống. Tại hội thảo, nhiều ý kiến thống nhất nhận định: hiện có khoảng cách quá xa giữa lương và nhu cầu tối thiểu.
“Ít nhất có 9,4 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai” - bà Văn Thu Hà (đại diện Oxfam Việt Nam) bình luận.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Thành (Vụ Tiền lương, Bộ LĐTB-XH) cung cấp thông tin, thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với khối doanh nghiệp. Mặc dù vậy, với mức lương hiện nay, lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu. Ở khu vực sản xuất, khả năng chi trả cao hơn một chút, khoảng 70%. Sở dĩ như vậy là do ngân sách chưa thể cân đối được. Tiền có bao nhiêu thì điều chỉnh bấy nhiêu chứ không dựa vào nhu cầu hay mức sống của người lao động. Tuy nhiên, không có nhiều giải pháp hiệu quả được kiến nghị tại cuộc hội thảo này. Tới đây vấn đề còn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, bởi kinh tế tăng trưởng tốt mới có nguồn để tăng lương.
ANH THƯ