Lương, trợ cấp tăng 100.000 đồng từ 1-7-2013

Giảm dần nghĩa vụ đóng thuế, phí, lệ phí

Chiều 10-11, với 90,96% số đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. QH cũng đã thảo luận tại hội trường về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Giảm dần nghĩa vụ đóng thuế, phí, lệ phí

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Cũng theo nghị quyết, từ 1-7-2013, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí theo hướng giảm dần nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm nguồn thu trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và thu nhập của các tầng lớp dân cư, tránh giảm thu lớn do điều chỉnh chính sách thu, nhất là khi chưa có phương án bù đắp.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội...

Thí điểm chế định thừa phát lại thêm 3 năm

Thảo luận về kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, đa số các ĐB đều đồng tình với việc cần tiếp tục thí điểm thêm hoạt động của chế định này đến hết năm 2015 để có thể đánh giá một cách toàn diện hơn. Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), sau 2 năm thực hiện thí điểm, chế định này đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả trong việc tạo cơ chế pháp lý để người dân xác lập chứng cứ bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra; góp phần xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đồng tình với việc tiếp tục thí điểm thêm 3 năm như tờ trình của Chính phủ, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, thực tế hoạt động của chế định thừa phát lại đã hỗ trợ tòa án, cơ quan thi hành án rất nhiều, giảm áp lực cho các cơ quan trên, bảo vệ quyền lợi cho nhiều nguyên đơn. Hiện nay, các văn phòng thừa phát lại đã đầu tư trang thiết bị lớn nên cần tiếp tục thí điểm để có đánh giá toàn diện hơn.

Phân tích thêm về sự cần thiết phải có chế định này và cần tiếp tục thí điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, xu hướng các nước trên thế giới nhất là những nước có điều kiện công nghệ thông tin phát triển đều có xu hướng thu nhỏ Chính phủ, tăng xã hội hóa để giảm gánh nặng cho khu vực công, giảm gánh nặng ngân sách. Việc áp dụng thí điểm tại TPHCM thời gian qua, dù có những hạn chế nhưng cơ bản tốt. ĐB Nghĩa cũng cho rằng, trong thi hành án nếu có sự hợp tác giữa định chế này và cơ quan thi hành án dân sự sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc thi hành án.

Trình bày thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trên cơ sở các đóng góp của các ĐB, cơ quan này sẽ dự thảo nghị quyết để trình ra QH. Bộ Tư pháp cũng sẽ cân nhắc, tham mưu Chính phủ hạn chế những bất cập hiện hành để hoạt động này đi vào hiệu quả hơn.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục