Vụ lọt lưới 600 bánh heroin (nặng tổng cộng 230kg) qua “luồng xanh” cửa khẩu hải quan gần đây khiến dư luận vô cùng hoang mang với quy định phân luồng, hậu kiểm và trách nhiệm của các ngành hải quan, an ninh. Lô hàng được phía Việt Nam xác định là loại “sạch” (luồng xanh) lại bị phía Đài Loan phát hiện là hàng cấm, với quy mô “đây là vụ buôn lậu lớn nhất qua đường hàng không trong vòng 20 năm nay”. Thế nhưng, thật khó chấp nhận cách trả lời của lãnh đạo Hải quan TPHCM: “Cán bộ hải quan không có lỗi gì trong việc để lọt lô hàng có chứa 600 bánh heroin. Lô hàng được lọt vào hàng xanh (miễn kiểm) là do… hệ thống máy tính”.
Trước tình hình buôn lậu tăng theo cấp số nhân mà công tác kiểm tra, hậu kiểm để “nhiều con voi lọt qua lỗ kim” như thế, đã đến lúc cần phải xem lại các quy định. Theo số liệu thống kê của Hải quan TPHCM, năm 2010 phát hiện hơn 3.500 vụ luôn lậu; năm 2011 con số tăng gần gấp đôi. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2013, đã có 5.580 vụ buôn lậu bị phát hiện. Thế nhưng, với quy định phân loại doanh nghiệp để phân luồng thông quan như hiện nay lại trở thành con đường buôn lậu an toàn. Nếu quy định doanh nghiệp chỉ cần qua cửa khẩu vài lần không vi phạm, không nợ thuế… sẽ được xác định là doanh nghiệp “sạch”, được đưa vào “luồng xanh”, được miễn kiểm tra hàng hóa thì những tên buôn lậu chỉ cần ráng “giữ mình” vài lần, sau đó để buôn lậu, chỉ cần khai gian chủng loại, tên hàng cho hàng lậu là trót lọt (!?). Nhớ trước đây, vào năm 2007 tại cảng Cát Lái (TPHCM) cũng từng có vụ doanh nghiệp khai xơ dừa nhưng lại xuất khẩu gỗ quý trị giá hàng trăm tỷ đồng cũng chui nhiều lần qua… “luồng xanh”! Đó là chưa kể bất hợp lý là mỗi container được khai là xơ dừa khi xuất cảng luôn thừa trên 10 tấn so với trọng lượng khai báo tại hải quan, nhưng vẫn qua cảng trót lọt. Gần đây, năm 2012 có 3 container được khai là đũa tre xuất đi Trung Quốc, được đưa vào “luồng xanh”, nhưng sau tin tố giác, hải quan kiểm tra mới phát hiện đó là gỗ trắc, trị giá gần 10 tỷ đồng. Nhiều vụ khác, doanh nghiệp cũng lợi dụng khai báo những mặt hàng được nhà nước khuyến khích xuất khẩu để được xét qua “luồng xanh” như: hàng may mặc, thạch dừa… nhưng thực tế kiểm tra mới phát hiện là buôn gỗ lậu.
Với những bất cập trong việc xét phân “luồng xanh” - vàng - đỏ để thông quan một cách lỏng lẻo như hiện nay, doanh nghiệp nào cũng muốn tìm mọi cách để được vào “luồng xanh”, để được miễn kiểm tra hàng hóa. Số liệu của Hải quan TPHCM cho thấy tỷ lệ “luồng xanh” ở hàng nhập khẩu gần đây chiếm gần 40%. Nếu so với thời điểm chưa áp dụng hải quan điện tử thì con số này tăng gấp 4 - 5 lần. Trong khi đó, ở TPHCM nhân sự ngành hải quan chỉ bằng 1/5 nhưng khối lượng công việc chiếm 1/2 toàn ngành, vì vậy, rất cần áp dụng hải quan điện tử. Thế nhưng, hải quan điện tử cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, sơ hở để cá nhân, tổ chức xấu lợi dụng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc hiểu và vận dụng hải quan điện tử của chúng ta đang bị lạm dụng. Áp dụng hải quan điện tử, là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” chứ không phải bỏ cửa trống cho doanh nghiệp tự do đưa hàng qua cảng như thế. Các nước thực hiện thông quan điện tử là không kiểm tra hàng hóa thực tế (bung hàng, kiểm đếm bằng tay) nhưng đều phải qua máy soi và nếu phát hiện xử lý cũng rất nghiêm minh. Còn ở Việt Nam, công tác tiền kiểm, hậu kiểm yếu (ngay cả “luồng đỏ” cũng chỉ kiểm tra xác suất khoảng 5% - 10%), quy định của chúng ta lại lỏng, khiến hàng lậu lọt qua cửa khẩu một cách dễ dàng đến… nghi ngờ!
Quay trở lại với trách nhiệm của người “canh cửa”, không thể không đặt câu hỏi: Trước quy định hải quan điện tử bất cập như lâu nay, có nhiều vụ hàng lậu đình đám lọt qua “luồng xanh”, sao ngành hải quan không lên tiếng kiến nghị sửa đổi? Ở cửa an ninh hàng không, hành khách phải tháo cả dây nịt đưa qua máy soi, vậy mà hơn 230kg heroin được lọt qua cổng an ninh một cách nhẹ nhàng, không thể không đặt dấu hỏi ở đây. Dư luận đang chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng và cũng chờ xem cách xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan qua vụ việc này.
HÀN NI