Chưa đầy 1 tháng sau khi Luxembourg Leaks - vụ bê bối về thuế liên quan đến 340 công ty đa quốc gia - được phanh phui, Báo Le Soir của Bỉ tiết lộ thêm 35 công ty đa quốc gia liên quan đến vụ bê bối này. Những tình tiết mới nhất khiến châu Âu ngán ngẩm, cho dù Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (ECOFIN) vừa thông qua 2 văn bản quan trọng trong tháng 12 nhằm tăng cường tính pháp lý cho cuộc chiến chống gian lận và thất thu thuế.
“Bão thuế” ở Luxembourg
Trong số các công ty mới bị phanh phui có tham gia thỏa thuận “Lux Leaks” lần này có các đại gia như Walt Disney, Bombardier, Telecom Italia, Koch Industries, Microsoft… Các tập đoàn này đã chuyển hàng trăm tỷ USD từ nơi phải đóng thuế cao sang Luxembourg, nơi có mức thuế thấp hơn hẳn các quốc gia khác, hay thậm chí gần như bằng 0. Thủ thuật này đã giúp các công ty đa quốc gia trên được khấu trừ những khoản thuế đáng kể.
Ví dụ như Skype thuộc Tập đoàn Microsoft có tới 95% thu nhập không bị tính thuế mà chỉ phải trả thuế trên 5% còn lại, hay tỷ lệ thuế vô cùng thấp (0,28%) được áp dụng cho chi nhánh của tập đoàn giải trí khổng lồ Walt Disney ở Luxembourg. Các công ty đa quốc gia này đã dùng các công ty vỏ bọc có trụ sở ở Luxembourg để che giấu lợi nhuận của họ. Trung tâm tài chính của quốc gia nhỏ bé Luxembourg đã trở thành “nhà” của ít nhất 340 công ty và các quỹ đầu tư.
Báo chí châu Âu đưa tin về vụ bê bối Lux Leaks.
Trong danh sách thứ hai này, Le Soir cho biết các công ty như Skype và Koch Industry đã bị “dụ” đến Luxembourg với cam kết sẽ chỉ chịu mức thuế không đáng kể. Các tập đoàn kiểm toán và quỹ đầu tư như Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte từ chối trả lời những câu hỏi chi tiết liên quan đến các thỏa thuận thuế.
Trong suốt 15 năm qua, Luxembourg đã trở thành trung tâm của những thương hiệu lớn nhất thế giới. Song trên thực tế, Luxembourg chỉ là một mắt xích trong cuộc chơi trốn thuế toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia và đã đến lúc nỗ lực kiểm soát việc trốn thuế được đẩy nhanh hơn.
EC đang tích cực điều tra tính pháp lý của các quyết định thu thuế của Amazon và Fiat ở Luxembourg, của Apple và Starbucks ở Ireland và Hà Lan. Cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc các công ty được các thỏa thuận thuế cho phép thiết lập chỗ đứng vững chắc khác ở Luxembourg, Ireland, Hà Lan có được hưởng sự hỗ trợ chính phủ mà lẽ ra bị cấm theo luật EU hay không.
Chính phủ Bỉ cũng đang nỗ lực đạt được thỏa thuận thuế với Luxembourg liên quan đến các công ty Bỉ tại quốc gia này. Nước Mỹ được cho là sẽ rất quyết liệt trong cuộc chiến này bởi theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hiện có gần 2.000 tỷ USD lợi nhuận của các công ty Mỹ đang nằm ở các thiên đường thuế (theo Bloomberg).
Nỗ lực của châu Âu
Tình tiết mới nhất của vụ bê bối trốn thuế nêu trên được phanh phui cùng ngày ECOFIN thông qua 2 văn bản quan trọng nhằm tăng cường tính pháp lý cho cuộc chiến chống gian lận và thất thu thuế. Văn bản thứ nhất mở rộng phạm vi áp dụng trao đổi thông tin tự động và bắt buộc giữa các cơ quan hành chính về thuế liên quan tới cá nhân bao gồm các khoản thu nhập và trợ cấp hưu trí, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và thu nhập từ bất động sản; mở rộng tới các nguồn lợi khác như cổ tức, số dư tài khoản, tiền thu được từ việc bán các tài sản tài chính và các nguồn thu nhập khác. Dự kiến, cuối năm tới, văn bản này sẽ được các quốc gia thành viên đưa vào thành luật để ngăn chặn các hành vi gian lận hoặc trốn thuế.
Văn bản thứ hai liên quan tới việc “chống lạm dụng” trong các công ty mẹ-con, đảm bảo cho các công ty hoạt động dưới hình thức công ty mẹ-con tại nhiều quốc gia sẽ không bị đánh thuế 2 lần. Điều này buộc các nước thành viên miễn thuế lợi nhuận mà công ty mẹ nhận được từ các công ty con của họ tại các quốc gia thành viên khác.
Ủy viên châu Âu phụ trách về thuế, ông Pierre Moscovici, nhấn mạnh các văn bản sẽ mở ra một mặt trận mới cho cuộc chiến chống thất thu thuế doanh nghiệp. Ông cũng cho biết ngay từ đầu năm 2015, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề nghị các quốc gia thành viên thiết lập hệ thống trao đổi thông tin tự động về các văn bản quản lý thuế hoặc những phán quyết về thuế. Hình thức này cho phép một doanh nghiệp được hỏi trước về tình hình của mình sẽ được cơ quan quản lý thuế của một quốc gia xử lý thế nào, yêu cầu làm tối ưu hóa thuế hoặc phân chia một cách có lợi nhất chi phí và lợi nhuận giữa các chi nhánh của công ty tại các quốc gia khác nhau.
Jim Clarken, Giám đốc điều hành Tổ chức Oxfam Ireland, nói rằng: “Châu Âu không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Các kế hoạch cải thiện tính minh bạch của hệ thống thuế cần phải được đẩy mạnh nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân nghèo đói ở châu Âu và khắp hành tinh”.
|
HẠNH CHI (Tổng hợp)