“Luyện thi cấp tốc” một kiểu kinh doanh béo bở

“Luyện thi cấp tốc” một kiểu kinh doanh béo bở

“Luyện thi cấp tốc” một kiểu kinh doanh béo bở ảnh 1

Một trời luyện thi

“Củng cố lý thuyết dễ nhớ, giải các dạng đề thi thường gặp. Giáo viên giúp bí quyết xử lý các dạng đề thi, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo. Giải đề thi với thời gian quy định từng môn của trường thi…”. Những lời quảng cáo ngọt ngào, hấp dẫn này như chiếc phao “cứu hộ” cho những thí sinh đang chết chìm trong đống kiến thức mà ngày thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) lại gần kề…

 

Hàng loạt “trung tâm” luyện thi theo kiểu… cấp tốc đã mọc nhan nhản khắp nơi, không chỉ trên các băng rôn treo đầy đường mà còn tràn ngập trên trang quảng cáo các báo. Họ quan tâm đến vận mệnh của lớp trẻ? Dạo qua nhiều trung tâm, tìm hiểu cách tổ chức, mới rõ một cung cách kinh doanh giáo dục

 

·        Học phí: Có thể trả giá!

 

Mặc dù quảng cáo luyện thi cấp tốc rầm rộ nhưng hầu hết các trung tâm đều rề rà thời gian khai giảng đến giữa tháng 6 để “hốt đủ” số học sinh ghi danh. Để lôi kéo học viên, người ta đã áp dụng nhiều chiêu thức, như một trung tâm BDVH trên đường Võ Thị Sáu sẵn sàng giảm 20.000 đồng khi ghi danh cho mỗi học viên có cầm theo mẩu quảng cáo của trung tâm. Tại trung tâm BDVH chất lượng cao (!?) trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), chị nhân viên ghi danh khuyên: “Nè, đừng nghe mấy trung tâm khác quảng cáo. Ở đây uy tín hơn, đều rước thầy của các trường có tiếng như: ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm…”.

 

Thế nhưng, tên các thầy dạy khối A trong thời khóa biểu chị đưa cho chúng tôi không giống với quảng cáo trên báo và bảng

“Luyện thi cấp tốc” một kiểu kinh doanh béo bở ảnh 2

Đông đảo thí sinh đi ghi danh luyện thi

 giới thiệu để ở cuối góc phòng. Một thoáng ngập ngừng, chị chữa thẹn: “… Quảng cáo đó dành cho các lớp học dài hạn. Còn học cấp tốc thì phải chọn thầy có phương pháp phù hợp...!”. Chị bồi thêm theo kiểu “dạy đời”: “Luyện thi cấp tốc dù có mời thầy giỏi như Lê Bá Khánh Trình về dạy chưa chắc tụi em đã hiểu đâu”.

 

Ngay tại đây, chúng tôi đã mắt thấy tai nghe một trường hợp cụ thể: T.H, một học viên cũ của trung tâm đến ghi danh khóa mới. “Lúc trước cô nói sẽ miễn học phí khóa sau cho em nên khóa này em không phải đóng tiền, phải không?”. T.H nói. Chị nhân viên ghi danh giãy nảy: “Em học nửa chừng rồi bỏ, đâu được. Bây giờ bớt cho em học phí môn toán từ 250.000 đồng còn 200.000 đồng. Môn lý, hóa mỗi môn cũng bớt 30.000 đồng còn 150.000 đồng!”. Quay sang chúng tôi, chị xuống giọng: “Đưa người nhà của em đến học đi, chị bớt học phí cho…”.

 

Chỉ một đoạn khoảng 200m trên đường Lê Văn Sỹ có tới 3-4 trung tâm luyện thi. Ngạc nhiên hơn, cùng một địa chỉ nhưng có tới 3 tấm băng rôn quảng cáo khác nhau về luyện thi đại học cấp tốc. Tại phòng đăng ký ghi danh của trung tâm T.D, 2 cha con thí sinh Nguyễn Thị Hương quê ở Long An hỏi nhân viên phòng ghi danh về giá và thời gian học. Chị nhân viên báo giá 350 ngàn đồng đối với 3 môn khối A.

 

Khi học viên nói chỉ đăng ký học môn toán thì chị nhân viên đổi giọng ngay: “Học riêng môn toán thì giá 150 ngàn đồng”. Kỳ kèo mãi, rốt cục chị nhân viên đồng ý lấy giá 100 ngàn đồng và địa chỉ học là trên đường Lý Chính Thắng! Tìm đến cơ sở luyện thi của trung tâm này trên đường Lý Chính Thắng, thử hỏi học phí 3 môn khối A thì giá lại khác: 400 ngàn đồng. Nếu chỉ học một môn toán thì phải đóng 200 ngàn đồng nhưng vào học cùng với lớp đã khai giảng từ tháng 6.

 

Tại trung tâm T.S (đường Nguyễn Thị Minh Khai) lại thu hút học viên bằng cách học trước, trả chi phí sau để biết “chất lượng như vàng” của “một trung tâm có tỉ lệ đậu đại học đứng thứ 2 toàn thành phố” (?!). Thời điểm khai giảng chia thành 2 đợt, đợt 1 vào ngày 7-6 và đợt 2 sau đó một tuần. Đợt đầu, chỉ có khoảng 20 học viên ghi danh. Nhiều học viên muốn ghi danh học đợt sau để không bị mất bài thì bị nhân viên trung tâm từ chối. Theo tìm hiểu, ban đầu trung tâm tính chuyển số học viên này về cơ sở ở cư xá Bắc Hải để gộp chung với một lớp đang học ở đó. Nhưng do các học viên lớp này phản ứng đòi lấy lại học phí nên trung tâm đành phải duy trì lớp học tại đường N.T.M.K.

 

Do số thí sinh các tỉnh đổ về thành phố luyện thi ngày càng nhiều nên ngoài việc quảng cáo “chất lượng cao”, giới kinh doanh luyện thi còn tranh thủ “hốt trọn ổ” bằng việc lo luôn nơi ăn ở cho thí sinh. Như ở trung tâm luyện thi khối A chất lượng cao đường Hoàng Văn Thụ, bên cạnh học phí trọn gói 3 môn là 2,5 triệu đồng, trung tâm còn kiêm luôn phần ăn (300 ngàn đồng/tháng), phần ở (300 ngàn đồng/tháng). Còn tại trung tâm trên đường Lý Chính Thắng, cô nhân viên trung tâm không ngại ngần khi thẳng thắn tiếp thị: “Nếu muốn nội trú, giá 250 ngàn đồng, còn có giặt ủi thì giá 300 ngàn đồng. Bây giờ chỗ nào cũng kín chỗ, gần đến ngày thi rồi, không đăng ký thì không kịp đâu”.

 

·        Ai học cấp tốc?

 

Theo ghi nhận tại các lớp luyện thi cấp tốc, phần lớn học sinh từ các tỉnh đến ôn luyện. D.T, một cựu học sinh Trường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Học tại các lớp luyện thi cấp tốc là giải pháp cuối cùng với những người không xác định được cho mình khối thi ngay từ đầu.” Còn em N.T.L, từ Thanh Hóa vào đang luyện thi tại một trung tâm ở Tân Bình giải thích: “Ở quê, chúng em không có điều kiện luyện thi. Đăng ký ôn thi cấp tốc để đỡ lo khi đi thi”.

 

“Luyện thi cấp tốc” một kiểu kinh doanh béo bở ảnh 3

Trong lò luyện thi cấp tốc

Tại trung tâm luyện thi FCM (đường Nguyễn Xí, Bình Thạnh) nhân viên ghi danh nói thật rằng: “Luyện thi chủ yếu chỉ lướt qua những kiến thức cơ bản, chỉ tập trung giải các dạng bài tập khó và thường gặp trong các kỳ thi”. Như vậy, với cách dạy này, những thí sinh kiến thức không vững sẽ không thể theo kịp. Đó là chưa kể cách quản lý lớp của các trung tâm hiện nay đang theo kiểu “tiền thầy bỏ túi”.

 

B.V một học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, sau kỳ thi tốt nghiệp em đã chọn học thử môn Anh văn tại một trung tâm cấp tốc trên đường Võ Thị Sáu. Trong 2 buổi học thử, hầu như em chẳng thu thập được kiến thức gì. Lớp học có đến hàng trăm học viên ngồi ken kín, còn thầy thì cứ thao thao bất tuyệt, không quan tâm xem học trò có tiếp thu được kiến thức hay không. Nhiều bài giải, thầy chỉ nói qua rồi bôi ngay, học trò không thể chép kịp.

 

Rảo qua một số lớp cho thấy, trong giờ học nhiều học viên cứ ngang nhiên nói chuyện, thậm chí hút thuốc, ăn quà vặt khiến nhiều học sinh quen với nề nếp nghiêm túc tại trường phổ thông khó có thể chú tâm theo dõi bài giảng. Giới kinh doanh giáo dục làm ăn kiểu… cấp tốc, còn học viên thì thiếu thông tin về các lớp luyện thi nên hậu quả là… ngậm bồ hòn làm ngọt. Em Lan, quê ở Long An đang theo học lớp luyện thi ở một trung tâm, than thở: “Em học ở đây được 5 ngày rồi. Nhiều hôm học môn toán không có chỗ để ngồi… Em biết trung tâm này qua quảng cáo trên báo rồi đến đăng ký học…”.

 

Thầy H., nhân vật “lão làng” của một lò luyện thi có tiếng ở TPHCM đã có lần tâm sự: “Trong số các trung tâm luyện thi hiện nay, có không ít “cai đầu dài”. Sự thật là gì? Một người chỉ cần bỏ chút vốn ra mướn mặt bằng chiêu sinh, thuê giáo viên về dạy, học viên chủ yếu là các tỉnh… rồi cứ thế mà… hốt bạc. Chưa có thống kê hay nghiên cứu nào cho thấy kiểu “luyện thi cấp tốc” đã đáp ứng hoàn toàn mong mỏi của các học viên. Chỉ có một thực tế: Kinh doanh luyện thi quả là béo bở nên có không ít người là chủ của một loạt chi nhánh hay trung tâm…!

  • Nhóm PVKG

Tin cùng chuyên mục