Đi lên từ một xã nghèo không điện, không nước sạch…, Lý Nhơn giờ là một trong những xã nông thôn mới (NTM) tiêu biểu của TPHCM.
Ngày một khang trang
Đường bộ đến xã Lý Nhơn chỉ duy nhất một tuyến, nhưng đường sá đã khang trang hơn rất nhiều. Từ TPHCM đi khoảng 50km, theo lộ trình qua phà Bình Khánh, đi đường Rừng Sác, đến ngã ba Lý Nhơn chạy đường nhựa bê tông dài khoảng 20km mới đến trung tâm xã. Theo người dân địa phương, còn một hướng khác theo đường thủy, đó là đi qua cầu Hiệp Phước để lên đò qua sông, nhưng chuyến đò này cứ cách 1 tiếng mới hoạt động.
Quay ngược trở lại ngày mới giải phóng, ông Trần Văn Cành, hiện đang làm Chủ tịch UBND xã, kể: “Năm 1987, tôi từ huyện Củ Chi về công tác ở xã Lý Nhơn. Thời điểm bấy giờ, Lý Nhơn không khác gì một hòn đảo, bao quanh đều là kênh, rạch. Muốn đi hay đến xã cũng mất hơn mấy tiếng đồng hồ để lội qua nhiều con nước và đi xuồng. Khổ nhất là các em học sinh cấp 3 đi học trên xã Bình Khánh phải lụy đò, nước lớn mới qua được, nước ròng (nước cạn) phải chờ nên việc đi học trễ là chuyện bình thường. Nhiều năm sau đó, Lý Nhơn luôn là xã vùng sâu, vùng xa cần được hỗ trợ, giảm nghèo...”.
Giờ đây, xã Lý Nhơn đã “thay da, đổi thịt” nhờ những con đường trải nhựa thẳng tắp. Nhà lá thay thế bằng nhà ngói, gạch tường. Từ trường học cho đến cơ sở văn hóa được xây dựng mới khang trang thay thế cho đất hoang. Ruộng hoang hóa được người dân cải tạo làm muối.
Các em học sinh vui chơi trong sân trường
Anh Nguyễn Văn Toàn (ấp Tân Điền) phấn khởi: “Công trình gần đây nhất được bà con đón nhận trong vui mừng không kể xiết, đó là trường học đầu tiên của xã được đầu tư theo chuẩn quốc gia. Đặc biệt là Trường Mầm non Lý Nhơn có khu bán trú, vui chơi, sinh hoạt… đưa vào hoạt động 3 năm nay. Trước kia, trường mầm non rất ẩm thấp, thường xuyên ngập nước, tiềm ẩn bệnh tật cho trẻ nhỏ nên không phụ huynh nào dám gửi con. Còn giờ đây, chúng tôi không phải ôm con nhỏ đi học xa nữa. Đời sống thay đổi nhiều lắm, các trung tâm văn hóa giờ có sân chơi rộng rãi thu hút nhiều người dân đến tập luyện thể dục thể thao vào buổi chiều và cuối tuần”.
Theo UBND xã, Lý Nhơn được công nhận xã NTM đầu tiên của huyện Cần Giờ có sự góp sức rất nhiều của người dân. Giai đoạn đầu thực hiện đã có khoảng 1.000 hộ dân tham gia hiến đất với tổng diện tích khoảng 250.000m2. Đặc biệt là nhiều hộ dân hiến đất để làm công trình giao thông mà không nhận tiền đền bù. Đến nay, hơn 90% dân có nhà cửa khang trang hơn, không bị dột nát như trước.
Dựa vào địa lý để phát triển kinh tế
Sau khi có hạ tầng giao thông, nghề muối đã giúp ổn định cuộc sống người dân suốt nhiều năm. Nhưng vài năm gần đây, nghề muối bấp bênh, diêm dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản sau khi hệ thống kênh đê thủy lợi được xây dựng bài bản. Cụ thể, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã là 2.251ha, trong đó có 2.129ha được cung cấp nước thông qua các kênh thủy lợi, chiếm 94,58%. Trong năm 2016, công trình thủy lợi cống Gốc Tre 2 đã hoàn thành, đồng thời nạo vét các kênh thủy lợi ở khu vực Ba Gậy giúp nông dân an tâm sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Riêng Tổ hợp tác nuôi thủy sản Ba Gậy có 11 thành viên đang hoạt động hiệu quả, còn xây dựng được nguồn quỹ tương trợ 80 triệu đồng.
Lớn lên trên vùng đất anh hùng này, biết được ưu thế của vùng, ông Phạm Duy Khánh (35 tuổi) quyết tâm học thủy sản, để về nuôi tôm. “Từ khi được địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống điện kéo đến tận khu vực sản xuất đã giúp cho người dân giảm chi phí sản xuất. Nếu như chi phí dầu tốn 100% thì điện chỉ tốn 30%. Ngoài ra, nhờ có điện mà có thể áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng giảm gánh nặng chi phí nông dân, tăng thu nhập, giảm giá thành”, ông Khánh vui mừng kể.
Lý Nhơn ngày nay còn hấp dẫn nhiều người từ nơi khác về đầu tư. Điển hình là ông Nguyễn Trọng Thuấn (quận Bình Thạnh) đã nhận chuyển nhượng 3ha đất tại ấp Lý Hòa Hiệp vào khoảng 20 năm trước để nuôi thủy sản. Ông Thuấn cho hay, đất Lý Nhơn hội tụ các yếu tố phù hợp để phát triển thủy sản nước lợ, lại có đường, điện, nước sạch, gần sông Vàm Sát… Hiện nay, người dân vẫn còn nỗi lo là nguồn nước sạch không ổn định từ các trạm cấp nước vệ tinh (trạm này mua nước từ sà lan, rồi đổ vào bồn), nếu như có được mạng lưới cấp nước từ thành phố về ổn định thì không còn gì bằng!
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ, chia sẻ, hiện nay xã Lý Nhơn đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 xây dựng nâng chất xã NTM. Đặc tính người dân Lý Nhơn rất cần cù, chịu khó và thực hiện nhiều mô hình sáng tạo trong sản xuất, không những đảm bảo cuộc sống mà còn phát triển kinh tế. Nghề muối mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng rất bấp bênh. Về lâu dài, theo đặc điểm địa hình, huyện sẽ giảm diện tích muối của xã Lý Nhơn và chuyển đổi, mời gọi các nhà đầu tư. Bố trí di dời các hộ dân sinh sống trong vùng sâu không đảm bảo cuộc sống nhu cầu tối thiểu vào các khu dân cư tập trung. Những khu đất này sẽ quy hoạch thành vùng đất sản xuất kêu gọi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hướng tới VietGAP, theo hình thức người dân và doanh nghiệp cùng làm.
Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2017 của xã Lý Nhơn là 220.093 triệu đồng, đạt 48,26% kế hoạch, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Nông, lâm nghiệp - thủy sản 124.194 triệu đồng, đạt 44,21% so với kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ. Dịch vụ 36.736 triệu đồng, đạt 51,04% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 861,5 triệu đồng, đạt 61,5% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 76,5% (2.290/2.995) đạt kế hoạch 76%. Bên cạnh đó, đã tiến hành khảo sát và đề xuất 30 công trình thủy thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 để phục vụ sản xuất.