Lý Sơn - Thiên đường sắp mất

Thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi nhiều thắng cảnh đẹp, bãi tắm hoang sơ, những trầm tích núi lửa hàng triệu năm. Đây được ví như một hòn ngọc giữa biển Đông. Cũng vì những lợi thế đó nên Lý Sơn đã thu hút lượng lớn du khách trong thời gian qua. Thế nhưng, với sự phát triển tự phát đã và đang đẩy Lý Sơn đến nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái về môi trường.
Lý Sơn - Thiên đường sắp mất

Thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi nhiều thắng cảnh đẹp, bãi tắm hoang sơ, những trầm tích núi lửa hàng triệu năm. Đây được ví như một hòn ngọc giữa biển Đông. Cũng vì những lợi thế đó nên Lý Sơn đã thu hút lượng lớn du khách trong thời gian qua. Thế nhưng, với sự phát triển tự phát đã và đang đẩy Lý Sơn đến nguy cơ bị ô nhiễm, suy thoái về môi trường.

Lý Sơn - Thiên đường sắp mất ảnh 1

Một thắng cảnh đẹp ở đảo Lý Sơn


Sau khi huyện đảo này có lưới điện quốc gia, Lý Sơn như nàng công chúa được đánh thức, du khách kéo đến đây ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, các nhà nghỉ, khách sạn mọc lên ngày càng dày đặc, bất chấp lệnh cấm.

Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, nếu như năm 2014 chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ với 95 phòng; sang đến năm 2016 đã có 4 khách sạn và 31 nhà nghỉ với tổng cộng 440 phòng nhưng đều là sự phát triển tự phát, chẳng theo quy hoạch nào. Để hạn chế việc này, UBND huyện Lý Sơn đã quy hoạch 150ha khu vực trung tâm đô thị. Tuy nhiên, người dân không tuân thủ mà thích đâu xây đó. Ngoài xây nhà nghỉ, khách sạn không phép, người dân trên huyện đảo này còn tự ý san lấp mặt bằng để kinh doanh nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách.

Lý Sơn sở hữu số lượng lớn các di tích, thắng cảnh đẹp. Thế nhưng, sự phát triển về kinh tế - xã hội của Lý Sơn đã khiến các di tích, thắng cảnh bị xâm hại, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất. Nhiều người cho rằng, việc xây dựng đường cơ động quanh đảo đã làm mất nhiều thắng cảnh đẹp như bãi Kiều Kiều, hang Cò... Bãi biển đẹp từ hòn Mù Cu đến hang Câu bị san lấp, cá biệt cổng Tò Vò có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng đang làm thay đổi hướng sóng. Thắng cảnh hang Câu bị sạt lở thường xuyên do chấn động từ các công trình xây dựng. Ngoài ra, việc người dân thường xuyên hút cát quanh đảo để trồng tỏi, hành, lấy đá san hô cũng làm nước biển xâm thực ngày càng mạnh hơn.

Theo ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn không phải là nơi phù hợp để phát triển thành đô thị biển. Bởi diện tích đất trên đảo quá nhỏ hẹp, cấu tạo địa chất khác hẳn nhiều vùng biển đảo khác, nên nơi đây cần phải có kế hoạch bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan để thành đảo du lịch chứ không phải đô thị biển. Ông Vũ lo lắng: “Hiện trên đảo như một đại công trường, mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch cụ thể nào. Nhiều khách sạn, nhà dân xây cao quá tầm đã phá vỡ nhiều cảnh quan thiên nhiên khác. Không biết với kiểu phát triển như thế này, liệu Lý Sơn có còn là chính mình nữa hay không?”.  

Nguyễn Thành

Tin cùng chuyên mục