"Ma trận" sách giả, sách lậu - Bài 2: Trông chờ vào công nghệ và bạn đọc

Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn sách giả, sách lậu như tem thông minh của NXB Trẻ, hay Social books của Anbooks, nhưng dường như chưa hiệu quả. Bởi vậy, ngoài ứng dụng công nghệ thì ý thức của bạn đọc hiện vẫn đang là “chiếc phao cứu sinh” đối với những người làm công tác xuất bản.
"Ma trận" sách giả, sách lậu - Bài 2: Trông chờ vào công nghệ và bạn đọc

Dùng công nghệ để ngăn chặn

Ngoài sách giấy, Công ty Sách Thái Hà (Thaihabooks) còn kết hợp Ứng dụng Fonos để thực hiện sách nói (audiobook). Theo bà Vũ Thủy, Giám đốc bản quyền của Thaihabooks, hiện có đến 70% audiobook của Thaihabooks phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu. “Mỗi tháng chúng tôi nhận một báo cáo từ Fonos về việc vi phạm bản quyền audiobook của Thaihabooks rất chi tiết.

Trong báo cáo, dễ dàng thấy trung bình có hơn 40 link phát hành audiobook không có bản quyền với các hình thức khác nhau: đọc từng chương, sau đó đăng tải lần lượt lên kênh để “lách” kiểm duyệt. Một số chủ kênh sẽ dùng hình thức là giới thiệu sách, nhưng đọc và trích quá 20% nội dung sách (vượt quy định của Luật Sở hữu trí tuệ - PV), thậm chí gần trọn vẹn nội dung”, bà Vũ Thủy cho biết.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có 3 hình thức phổ biến: bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

“Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Tác giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng do tính đồng bộ chưa cao, kết quả thu được rất hạn chế. Cùng với đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen nói không trong việc sử dụng sản phẩm sách vi phạm bản quyền. Từ đó, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc, văn hóa tiêu dùng của người dân”, ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.

Một trong những giải pháp mà các đơn vị xuất bản có thể làm trong bối cảnh hiện nay chính là ứng dụng công nghệ. Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc vận hành Công ty CP Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V, cho rằng, ứng dụng các giải pháp công nghệ để ngăn chặn sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tạo. Công ty V&V đang triển khai một số giải pháp kỹ thuật như: DRM (Digital Rights Management), Watermarking, công nghệ Blockchain.

“Tất cả giải pháp này đang được dùng trên thế giới, có độ thực thi cao. Tuy nhiên, để làm được điều này phụ thuộc vào việc các đơn vị có chịu chi ngân sách hay không. Bởi vì những giải pháp càng bảo mật thì chi phí càng cao”, bà Phương Thảo cho biết.

Đặc biệt, theo bà Lê Thị Phương Thảo, một phần quan trọng của việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng là theo dõi và giám sát hoạt động trực tuyến. Các nhà xuất bản và tác giả có thể sử dụng các công cụ và dịch vụ để theo dõi việc phân phối không phép hoặc sao chép sách của họ. Các công cụ này có thể tìm kiếm trang web và diễn đàn nơi sách bị vi phạm bản quyền được chia sẻ hoặc bán.

Ý thức của bạn đọc

Hiện nay, nhiều bạn đọc vẫn cho rằng việc chia sẻ miễn phí sách điện tử trên mạng là đang giúp nhau, thậm chí là góp phần nâng cao văn hóa đọc. Tuy nhiên, trên trang cá nhân của không ít người lại hồn nhiên chia sẻ công khai nhiều ấn phẩm không bản quyền để bạn bè tải về.

Điều đáng nói là nhiều ấn phẩm trong số đó đang được các đơn vị xuất bản kinh doanh có bản quyền như: Nhân chứng cuối cùng (NXB Phụ nữ Việt Nam); Suối nguồn, Cô đơn trên mạng (NXB Trẻ); bộ Lãng du trong văn hóa Việt Nam (NXB Kim Đồng); Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt (Phương Nam Book); Trốn chạy, Vô tri, Triệu phú khu ổ chuột (Nhã Nam)…

“Khi đặt sách trên mạng xã hội và các kênh thương mại điện tử, bạn đọc nên yêu cầu được kiểm tra khi nhận sách, nếu có dấu hiệu sách giả, in lậu thì có thể không nhận. Một số điểm nhận biết sách giả, sách lậu là giá bìa tăng hơn so với giá bìa chính thức của nhà xuất bản, rồi chiết khấu rất cao. Bìa sách giả thường scan lại từ sách thật nên không sắc nét, ruột sách in xô lệch, mờ nhòe, căn lề không cân đối”, chị Hoài An, đại diện truyền thông của Công ty sách Đông A, chia sẻ.

Trong chiến lược phòng chống sách lậu, điều được nhắc đến nhiều nhất chính là việc xây dựng ý thức ở chính bạn đọc. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, nguyên Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng, đời sống và thu nhập của người dân Việt Nam chưa cao để có thể “xênh xang” đối với câu chuyện tinh thần, nhất là sách vở.

Nhưng nếu chấp nhận mua những cuốn sách giả với giá rẻ sẽ làm ngành xuất bản không phát triển được. “Bạn đọc có ý thức mua sách thật là đang góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên thị trường xuất bản thế giới, giúp chúng ta được bạn bè thế giới tôn trọng”.

Còn đối với quan điểm “sách nào cũng là sách”, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, vấn đề không đơn giản như vậy, bởi dù cùng nội dung nhưng khác chất xám. Trong khi sách thật được tạo nên từ công sức, sáng tạo, thời gian, tiền bạc của rất nhiều người thì giới làm sách lậu chỉ cần mang đi in hoặc scan là nghiễm nhiên thu được tiền.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị xuất bản, tác giả mà còn ảnh hưởng đến cả ngành xuất bản đối với đối tác nước ngoài. Việc mua, sử dụng chính là hành vi tiếp tay cho sách giả, sách lậu. Phía người làm sách cũng phải nỗ lực để đưa đến bạn đọc những cuốn sách với mức giá phù hợp, nhẹ nhàng chứ không phải “làm giá” trên sách.

“Khi bạn đọc đã có kiến thức nhất định về sách giả, sách lậu, sẽ tiến tới chỉ lựa chọn sách hay, sách thật. Hành trình này có lẽ còn dài, nhưng mong bạn đọc hiểu rằng, chi phí để làm ra một cuốn sách rất lớn, nếu bạn đọc tiếp tay cho sách giả, sách lậu sẽ gây ra thiệt hại rất lớn”, bà Thanh Thủy nhắn nhủ.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, cho rằng, nguyên nhân đa số hành vi vi phạm xuất phát từ ý thức của những độc giả Việt. Nhiều người cho rằng, việc họ đọc sách là đang muốn thưởng thức nội dung cuốn sách, hơn là vấn đề về bản quyền.

“So sánh giữa việc mua một cuốn sách giấy giá thành cao với việc tải và đọc sách miễn phí ở trên mạng, thì nhiều người đương nhiên sẽ chọn vế sau. Do đó, biện pháp tốt nhất để chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số, phải xuất phát từ ý thức của công chúng trong việc không sử dụng, đăng tải, chia sẻ các sách đang xâm phạm bản quyền”, Luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.

Thực tế, có nhiều bạn đọc mua phải sách giả, sách lậu vì không biết, bị sa bẫy bởi những lời quảng cáo hấp dẫn. Theo chị Hoài An, đại diện truyền thông của Công ty sách Đông A, để phòng tránh mua sách lậu, sách giả, bạn đọc cần lưu ý mua ở địa chỉ uy tín.

Nếu mua trên mạng, hoặc các trang thương mại điện tử, bạn đọc nên lưu ý mua ở các kênh chính danh của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành; không nên mua ở các trang với các tên gọi như Tổng kho sách sỉ, Sách giảm giá đặc biệt, Tổng kho sách Hà Nội… Bởi đây là những fanpage bán sách giả, chạy quảng cáo thường xuyên để đánh lừa người đọc.

Hội Xuất bản Việt Nam bắt tay với TikTok ngăn chặn sách giả, sách lậu

Ngày 20-11, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam và đại diện TikTok tại Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025 nhằm ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng TikTok. Theo thỏa thuận ký kết giữa hai bên, TikTok cùng Hội Xuất bản xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng TikTok, hướng tới mục tiêu các cửa hàng bán sách giả, sách lậu sẽ bị xóa trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục