“Ma trận” sách giả, sách lậu - Bài 1: Mua càng nhiều, càng rẻ

“Chúng tôi đuối lắm rồi, thậm chí chúng tôi mất lòng tin vào việc đấu tranh phòng chống sách lậu, sách giả, không biết làm sao để cứu được mình?”. Đây không còn là tâm trạng riêng của ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, mà là tâm trạng chung của những người làm xuất bản.

LTS: Trong khi vấn nạn sách giả, sách lậu vẫn chưa diệt được tận gốc, thì những năm gần đây, giới xuất bản trong nước càng thêm đau đầu khi vấn nạn này có xu hướng “phình to”, nhất là trên mạng xã hội và các kênh thương mại điện tử. Chưa bao giờ sách giả, sách lậu lại được rao bán một cách công khai như thế. Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Ma trận” sách giả, sách lậu, nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này.

“Chúng tôi đuối lắm rồi, thậm chí chúng tôi mất lòng tin vào việc đấu tranh phòng chống sách lậu, sách giả, không biết làm sao để cứu được mình?”. Đây không còn là tâm trạng riêng của ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, mà là tâm trạng chung của những người làm xuất bản. Những năm qua, sách lậu, sách giả đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành xuất bản.

“Treo” sách thật, bán sách giả

Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, vừa lên tiếng về bộ sách Dạy con trong hoang mang, được làm công phu bằng phương pháp khảo sát xã hội học, với nhiều nỗ lực và tâm huyết từ TS Lê Nguyên Phương lẫn Anbooks (NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản) đang bị in lậu trắng trợn. Điều đáng nói, bộ sách này được bảo vệ bởi Chống giả và tương tác với độc giả (Social books), một giải pháp do Anbooks sáng tạo, xây dựng và thử nghiệm từ năm 2016.

Độc giả chọn mua sách tại một điểm bán sách ở TPHCM
Độc giả chọn mua sách tại một điểm bán sách ở TPHCM

Trong vai người mua hàng, nhân viên của Anbooks đã trực tiếp giao dịch với một số nơi như: Trạm Đọc Store (trên Shopee Mall), Salabook (tại website salabookz.com, có địa chỉ tại số 8 đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Từ Liêm, Hà Nội). Những nơi trên khi được hỏi đều trả lời, có sách với số lượng lớn (500-1.000 cuốn), sẵn sàng giao, ký hợp đồng, có xuất hóa đơn, giảm giá từ 30%-35%, thậm chí là 40% trên giá bìa.

Trước đó, khi đang chuẩn bị tái bản ấn phẩm Kể chuyện Cụm Tình báo H.63 anh hùng (NXB Tổng hợp TPHCM), tác giả Nguyễn Quang Chánh vô tình phát hiện sách của mình bị in lậu, được rao bán trên một số trang như Sách tổng hợp, Sách cổ tri thức trường tồn… Trong khi sách thật được làm bìa cứng, có áo bìa, giá là 220.000 đồng thì trên trang Sách cổ tri thức trường tồn, sách được rao với giá 199.000 đồng/cuốn. “Tôi thử hỏi mua 10 cuốn cho thư viện, bên đó trả lời có, mỗi cuốn là 150.000 đồng và đảm bảo là sách thật. Hỏi mua thêm thì họ cam kết, mua càng nhiều giá càng rẻ, thậm chí mua từ 200-300 cuốn có thể bán với giá 100.000 đồng/ cuốn, được giao hàng miễn phí”, tác giả Nguyễn Quang Chánh kể.

Ngày ông Nguyễn Quang Chánh nhận sách, không khó khăn để phát hiện ra đó là sách giả. Bởi sách được in sơ sài với phiên bản bìa mềm, không có bìa áo lẫn tay gấp, chất lượng in thấp, thậm chí có trang còn không in. “Nếu sách scan kiểu này, giá thành chỉ 20.000 đồng/cuốn, nhưng ở đây người ta bán tới 100.000 đồng, với số lượng lớn thì họ lãi đến mức nào?”, ông Chánh đặt câu hỏi.

Thời gian gần đây, không ít trang bán sách giả còn ngang nhiên lấy hình ảnh của chính đơn vị xuất bản rồi chạy quảng cáo, khiến không ít độc giả nhầm tưởng là sách thật. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết, chị thấy trên một trang mạng liên tục xuất hiện bài quảng cáo của một nhà sách về ấn phẩm Tâm lý dân tộc An Nam (Omega Plus và NXB Hội Nhà văn). “Họ viết nội dung quảng cáo hay đến nỗi mình không thể cưỡng nổi ý định mua cuốn sách này”, chị Quỳnh kể. Không những thế, trang này cũng “chơi chiêu” là trong khi sách thật có giá bìa 109.000 đồng, thì sách giả được rao bán với giá 325.000 đồng rồi giảm xuống còn 199.000 đồng kèm miễn phí giao hàng để khách hàng tưởng giá rẻ thật.

Theo anh Trần Lâm, quản lý trang bán sách trực tuyến Bookcity. vn, nâng giá khống rồi giảm giá là cách làm quen thuộc của những nơi bán sách giả và đó cũng là một cách để nhận diện, bởi người làm sách thật không ai lại kinh doanh kiểu đó. “Cuốn sách gốc có giá bìa 100.000 đồng, giới làm sách giả sẽ dùng chiêu nâng lên thành 400.000 đồng, sau đó chạy bài quảng cáo giảm 50% còn 200.000 đồng. Giá này vẫn gấp đôi giá sách thật”, anh Trần Lâm cho biết.

“Hiện nay, việc áp dụng các chế tài xử phạt hành vi xâm phạm bản quyền đối với sách vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các chế tài xử phạt chủ yếu vẫn là biện pháp hành chính và dân sự, nhưng chưa đủ sức trừng phạt và răn đe. Các chế tài về hình sự cũng khiến các nhà xuất bản gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chứng cứ và mức lợi nhuận thu được từ hành vi của chủ thể vi phạm trên không gian mạng. Do đó, các cơ quan nhà nước cần phải nâng cao công tác thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó đẩy mạnh việc áp dụng các chế tài xử phạt hành vi xâm phạm bản quyền đối với sách một cách đúng đắn, phù hợp và đủ sức răn đe”, luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam

Hệ lụy đủ đường

Đa phần những cuốn sách giả in ấn cẩu thả, nét chữ bị lem, in mờ, lỗi chính tả, phông chữ… Người làm sách giả vì tiết kiệm chi phí nên thường chọn giấy in chất lượng kém, không biên tập, không kiểm tra cẩn thận. Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, điều này không chỉ gây ức chế cho người đọc khi có trải nghiệm đọc không thoải mái, mà nghiêm trọng hơn, sách giả còn làm mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng.

“Người quen đọc sách giả cũng dần thích nghi với sự kém chất lượng, vô tình hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân. Bên cạnh đó, tâm lý ham rẻ của một số người mua sách đã dần tạo ra thói quen coi thường chất xám, công sức của người viết sách, người làm ra sách, nghiêm trọng hơn là làm thui chột đi sự sáng tạo của họ”, ông Lê Hoàng nói thêm.

Rất nhiều sách giả được Công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt đặt mua từ các fanpage
Rất nhiều sách giả được Công ty Văn hóa Sáng tạo First News - Trí Việt đặt mua từ các fanpage

Một hệ lụy vô cùng nghiêm trọng từ việc tiêu thụ sách giả, sách lậu mà theo bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chính là uy tín của Việt Nam với thế giới. Bà Thanh Thủy chia sẻ: “Trong Hội sách Frankfurt tháng 10-2023, qua một số cuộc tiếp xúc và trao đổi, tôi có thể thấy rõ, đối với các nhà làm sách quốc tế, Việt Nam chưa phải là quốc gia ổn về vấn đề bản quyền”.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy cũng cho rằng, khi uy tín về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một đất nước bị giảm sút sẽ dẫn đến việc mất đi rất nhiều cơ hội của các đơn vị xuất bản khi giao dịch bản quyền để có những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc. Ví dụ như đối với các quốc gia có uy tín bản quyền cao, đối tác có thể bán bản quyền theo hình thức chia sẻ lợi nhuận, sách bán được nhiều thì họ thu nhiều, ít thu ít. Tuy nhiên, với quốc gia uy tín bản quyền thấp, đối tác sẽ bán theo hình thức trọn gói với giá cao, bởi họ không thể giám sát số sách thực tế được bán ra. Gánh nặng lúc đó sẽ dồn lên người làm sách và sau đó là bạn đọc trong nước.

Cũng theo bà Thanh Thủy, để một cuốn sách ra đời, nó phải cõng trên vai rất nhiều chi phí: bản quyền, dịch thuật, hiệu đính (sách chuyển ngữ), nhuận bút tác giả (sách tiếng Việt), biên tập, thiết kế, giấy, công in, phí phát hành…

Chính vì vậy, ngoài thương hiệu, uy tín thì chính tác giả và NXB cũng phải chịu tốn kém không nhỏ về kinh tế. “Trong khi đó, người làm sách lậu, sách giả chỉ scan rồi mang đi in, hưởng trọn lợi nhuận. Rõ ràng, tiền vô túi người làm ăn bất chính, trong khi những người làm ăn chân chính bị “cướp” một cách thản nhiên”, bà Thanh Thủy bày tỏ.

Còn theo anh Trần Lâm, nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tiếp tục như hiện nay, các công ty làm sách sẽ chết. “Sẽ phải giảm lượng xuất bản, nhiệt huyết của người làm sách sẽ nguội lạnh. Lúc đó, những công ty vốn làm ăn chân chính sẽ chỉ có 2 con đường: không làm sách nữa, chuyển qua làm cái khác; tìm cách luồn lách để tồn tại”, anh Trần Lâm cảnh báo.

Theo số liệu của đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương (Bộ TT-TT): Năm 2022, đoàn liên ngành và các đội liên ngành, thanh tra sở TT-TT địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy (tăng 154% so với năm 2021 với 722 cuộc), và ban hành 76 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,207 tỷ đồng (tăng 53%), thu hồi, tiêu hủy trên 130.000 ấn phẩm và bán thành phẩm không rõ nguồn gốc. Theo đó, một số địa phương có số lượng cuộc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm cao như: Hà Nội với 493 cuộc (tăng 470%), xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 341.500.000 đồng, buộc tiêu hủy 1.425 xuất bản phẩm, 7.270kg bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; TPHCM tiến hành 12 cuộc, xử phạt 46.500.000 đồng; An Giang 52 cuộc; Cần Thơ 55 cuộc; Hưng Yên 78 cuộc; Hòa Bình 54 cuộc; Long An 59 cuộc; Ninh Bình 56 cuộc.

Tin cùng chuyên mục