Mạch chảy mới mẻ, hồn nhiên

Vùng đất giàu tiềm năng văn học
Mạch chảy mới mẻ, hồn nhiên

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL năm 2015

LTS: Sáng nay (29-11), tại Trường THPT chuyên Bến Tre (TP Bến Tre) diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” khu vực ĐBSCL năm 2015. Trước đó, các tỉnh, thành thuộc khu vực này đã tổ chức thi và trao giải vòng thi cấp tỉnh, thành đồng thời cử đội tuyển tham dự vòng chung kết cấp khu vực. Qua những bài viết của thí sinh đoạt giải cấp tỉnh, thành chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những mạch chảy mới mẻ, hồn nhiên, chân chất trong văn phong của các em nhỏ còn đang trong độ tuổi mang khăn quàng này.

Vùng đất giàu tiềm năng văn học

ĐBSCL là vùng đất có những nét đặc thù về lịch sử, địa hình, khí hậu, dân cư rất độc đáo của Nam bộ. Văn là người. Người miền Tây Nam bộ vốn chất phác, bộc trực, thẳng thắn..., như nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: “Từ khi có chữ quốc ngữ, Nam bộ lại là vùng “mở cõi” văn xuôi đầu tiên của cả nước. Từ Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Bình Nguyên Lộc, Trần Thanh Giao, Lương Hiệu Vui... đến Lê Vĩnh Hòa, Lê Văn Thảo, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Tín, Dạ Ngân, Trầm Hương,... cho đến gần đây nhất là Nguyễn Ngọc Tư... thì văn xuôi ĐBSCL đã đóng góp rất lớn nền văn học nước nhà trước cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và sau này là thời kỳ đổi mới”. Nói như thế để thấy rằng, tiềm năng văn học, khả năng sáng tạo văn chương trong người miền Tây Nam bộ là rất dồi dào.

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức hàng năm chính là kỳ vọng của những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng về một đội ngũ những cây bút trẻ tương lai của miền Tây Nam bộ, trưởng thành từ nhà trường, khởi đầu bằng việc khơi gợi yêu thích môn văn học từ cuộc thi mang ý nghĩa xã hội lớn này. Thừa hưởng tố chất truyền thống này, nhiều thí sinh tham dự cuộc thi năm nay đã thể hiện cách cảm, cách nghĩ trong bài viết của mình hết sức mộc mạc, chân chất, hồn nhiên. Điều này đã tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc và cho chúng ta niềm lạc quan về những cây bút trẻ tương lai ươm mầm từ cuộc thi đầy tính nhân văn này!

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bến Tre trao giải “Văn hay chữ tốt” cho học sinh tỉnh Bến Tre vào chiều 28-11. Ảnh: ĐĂNG KHOA.

Thừa hưởng chất văn người đồng bằng

Từ các bài viết của những thí sinh đoạt giải cấp tỉnh vừa được vinh danh, chúng ta có thêm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá về tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ của “tuổi mới lớn”. Mỗi tác phẩm là một mảnh đời riêng, chứa đựng biết bao niềm vui, nỗi buồn, khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc; về những tiếc nuối qua bao kỷ niềm đầu đời… Tất cả đã làm sáng lên chân giá trị về cuộc sống con người: vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu, hiếu thảo; biết chắt chiu, gìn giữ những điều tốt đẹp nhất được xây đắp từ cội nguồn cha ông…

Hãy nghe em Nguyễn Trần Xuân Hòa, học sinh lớp 9 Trường THCS Thốt Nốt (TP Cần Thơ) - giải nhất cấp TP trải lòng: “Đời người vô thường và lòng người khó đoán. Cuộc đời có lúc sẽ xô ngã bạn và người đời sẽ cười chê bạn… Khi bạn té ngã, không ai đỡ bạn dậy, cũng không ai dạy bạn cách đứng lên, chỉ có bạn phải tự mình đứng dậy”. Chân chất, mộc mạc trong cách thể hiện suy nghĩ của mình, những học sinh đã bày tỏ được điều mình trăn trở, ước vọng về một lý tưởng sống có ích cho đời. Em Nguyễn Thị Mỹ Hằng, lớp 7 Trường THCS Lê Lợi (huyện Ô Môn, TP Cần Thơ) - giải nhì cấp TP, đã làm xao động lòng người khi nhắc về một kỷ niệm với người bà thân thương: “Tôi yêu lắm cái dáng hình thấp thấp gầy gầy, lom khom lê từng bước chân đi chợ vào mỗi sáng. Yêu mái tóc dài đã có lắm sợi bạc gian nan của đời người”. Tình yêu thương của cô trò nhỏ này cũng lắm hồn nhiên mà cụ thể. Yêu người bà gắn bó nhiều với quãng đời thơ ấu không là quà, là bánh bà cho, mà là nỗi nhọc nhằn, khổ cực, gian nan của một đời người. Tình cảm ấy cũng thể hiện rõ tính cách, lối sống của người miền Tây Nam bộ.

Em Lê Tường Thụy, học sinh lớp 9 Trường THCS Lưu Văn Lang (Sa Đéc, Đồng Tháp) - giải nhất cấp tỉnh, chia sẻ về lòng yêu quê hương của mình: “Nơi này không đông đúc như TPHCM, không lặng lẽ như Hội An, không lãng mạn, nên thơ như một Đà Lạt xanh tươi với khí trời se lạnh, nhưng tôi sẽ giữ mãi quê hương Đồng Tháp với tình yêu cháy bỏng, thiết tha trong tim… Đồng Tháp được mệnh danh là “quê hương của loài sen” với những vùng ao hồ trũng nước, nơi sen hồng trỗi dậy từ đất bùn”. Từ cách nói xa đến nói gần, em đi đến khẳng định một cách dứt khoát: “Không nơi nào bằng quê hương mình!”. 

Đồng cảm trong cách nghĩ của bạn bè trang lứa, em Nguyễn Thị Quế Chi, học sinh lớp 9 Trường THCS Châu Văn Liêm (TP Vị Thanh, Hậu Giang) - giải nhất cấp tỉnh, chia sẻ: “Chỉ cần bạn biết làm những việc đơn giản như giúp đỡ người già nhặt chiếc gậy, an ủi một cô bé khóc, ngăn cản khi thấy hai đứa trẻ đánh nhau, nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho người già, phụ nữ, trẻ em… thì bạn đã góp phần tạo nên những mảnh ghép tươi đẹp cho cuộc sống này!”.

Còn rất nhiều, nhiều nữa những lời tự bạch, tâm sự của hàng ngàn thí sinh tham dự cuộc thi này mà trong đó, từng lời, từng câu chất chứa biết bao ý tưởng đẹp, mang đậm tính nhân văn truyền thống của cha ông để lại. Cuộc thi vừa tổ chức ở khu vực ĐBSCL đã gieo những mầm xanh - ước mơ và hy vọng, vừa là lời nhắc nhở mỗi người hãy nhận ra những giá trị tươi đẹp từ cuộc sống đáng yêu này.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục