“Khi biết mình nhiễm HIV, suốt 3 năm tôi không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với ai, đêm nào nằm ngủ cũng nghĩ rằng sáng mai mình sẽ chết… Nhưng khi tham gia mạng lưới, tôi đã tập sống chung với HIV, được chăm sóc, làm việc và sống có ý nghĩa” - một thành viên của mạng lưới các nhóm tự lực phía Nam đã tâm sự như thế về mái nhà chung của mình.
- Nơi gặp gỡ những mảnh đời không may
Nơi ấy chúng tôi đã gặp nhiều anh chị, mỗi người có một số phận khác nhau, họ gọi nhau bằng cái tên rất ngộ: “Đại gia đình S”. Sáng chủ nhật hôm ấy, các anh chị đều có mặt đông đủ để chuẩn bị chương trình cho một dự án sắp tới, chúng tôi là những vị khách không báo trước. Căn phòng nồng nặc mùi khói thuốc. “Các em thông cảm nhé, bọn anh quen rồi nên không bỏ thuốc được”, anh N.T.T., một thành viên của mạng lưới nói như nhận lỗi.
Năm nay 34 tuổi, anh N.T.T. tham gia mạng lưới hơn một năm sau thời gian thử thách 6 tháng. Với anh, những ngày đầu biết mình bị nhiễm HIV là những chuỗi ngày tăm tối, bế tắc. Chính vì thế, tham gia vào mạng lưới là một bước ngoặt lớn với anh, được làm việc với những người cùng cảnh ngộ anh thấy cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Ánh mắt anh ánh lên niềm tin: “Tôi nghĩ mình còn sống tốt hơn người bình thường, không phải vô dụng như nhiều người nghĩ, tôi vẫn có thể làm nhiều việc có ích cho cuộc sống”. Anh luôn tâm niệm: “Có H không phải kết thúc mà là sự mở đầu”, để tự động viên bản thân.
| ||
Còn chị H.V.N., lúc phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ, chị cảm thấy cánh cửa tương lai phía trước đóng sập xuống. Khi đó (năm 1994) chị là sinh viên năm 4 của một trường đại học danh tiếng tại TPHCM, đang ôm ấp dự định ra trường sẽ đi du học, thế nhưng đùng một cái, chị như muốn gục ngã, tất cả dự định xem như chấm hết.
Vì không muốn gia đình thất vọng, chị cố gắng hoàn thành xong chương trình đại học rồi đi làm nhưng chưa bao lâu phải nghỉ vì không chịu nổi sự kỳ thị. Tình cờ chị gặp được những người trong Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, cánh cửa cuộc đời lại mở ra, chị cảm thấy mình tự tin hơn, tích cực tham gia vào mạng lưới…
Là thành viên lớn tuổi nhất của mạng lưới, chú N.A.T. (55 tuổi) tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập. Cuộc sống buông thả thời trai trẻ đã khiến chú phải trả giá. Năm 1999 khi biết mình nhiễm “H”, chú lang thang, buồn chán không muốn tiếp xúc với ai và cũng không muốn ai biết nỗi đau của mình, thậm chí chú còn tự kỳ thị chính bản thân mình.
“Sự tự kỳ thị còn đau gấp ngàn lần bị kỳ thị…”, giọng chú T. chùn xuống. Những tưởng cuộc đời đã khép lại, thế nhưng khi gặp gỡ với những người cùng hoàn cảnh rồi hình thành CLB “Bạn giúp bạn”, cuộc sống chú đã thoải mái hơn nhờ có công việc làm phù hợp và thấy yêu đời hơn. Quãng đời còn lại, chú muốn tiếp tục cống hiến cho công tác truyền thông của mạng lưới để giúp giảm tác hại cho những người như mình và sẽ không ai bị vướng vào căn bệnh thế kỷ này.
- Trăn trở từ mái nhà chung
Tháng 11-2003, mạng lưới các nhóm tự lực phía Nam (Southern Self - support groups Network of people living with HIV - SPN+) chính thức hình thành với sự tham gia của các nhóm tự lực là những người có “H”. Mục tiêu của nhóm là nâng cao chất lượng sống toàn diện cho người có HIV, giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV, liên kết các nhóm tự lực thúc đẩy sự tham gia tích cực của người có HIV vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Hiện tại, mái nhà chung SPN+ đã có 16 nhóm thành viên tại TPHCM, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa và Bình Dương. Tên các nhóm đều rất tươi sáng, đầy niềm tin và hy vọng: Hy vọng, Vươn lên, Niềm tin, Nụ cười, Cuộc sống mới, Nắng mai… Trong đó, phần lớn thành viên là người nhiễm HIV tham gia với vai trò nòng cốt trong mạng lưới, với độ tuổi 17 đến 55 và phần còn lại là sinh viên, mạnh thường quân, gia đình người có H, các bác sĩ tình nguyện…
Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực, phần lớn năng lực của các nhóm thành viên được cải thiện một cách đồng bộ, cũng như được cung cấp những kiến thức về điều trị HIV, ARV, các thông tin liên quan đến dự phòng lây nhiễm… Số lượng thành viên ngày càng tăng lên. Hiện tại, tổng số thành viên của mạng lưới hơn 2.000 người, trong đó TPHCM chiếm số lượng 670 thành viên. Nhiều thành viên đã có những thay đổi tích cực nhờ tiếp cận được những chương trình điều trị, chăm sóc sức khỏe, sống tự tin hơn. Từ những người rất thiếu thông tin, bây giờ họ có thể thuận lợi hơn khi tiếp cận việc làm để tạo thu nhập…
VIỆT ÂU