Mai Quốc Liên - đóa sen nhỏ trên cánh đồng sen học thuật

GS-TS Mai Quốc Liên sinh ngày 8-6-1940 tại Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông học trong vùng kháng chiến; đến năm 1955, tập kết ra Bắc. Tốt nghiệp đại học năm 1964, ông về công tác tại Viện Văn học do GS Đặng Thai Mai làm viện trưởng và nhà phê bình Hoài Thanh làm phó viện trưởng. Ông được cử đi học tiếp đại học và cao học Hán học (1965-1975). Sau năm 1975, ông vào Nam công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và sau đó là Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

GS-TS Mai Quốc Liên trong một lần gặp gỡ trao đổi với nhạc sĩ Văn Cao tại TPHCM năm 1993. Ảnh: GĐCC
GS-TS Mai Quốc Liên trong một lần gặp gỡ trao đổi với nhạc sĩ Văn Cao tại TPHCM năm 1993. Ảnh: GĐCC

Mai Quốc Liên là nhà lý luận, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà giáo, nhà văn và nhà báo. Phụ trách công tác đào tạo sau đại học của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ông góp phần đào tạo nhiều thạc sĩ, tiến sĩ cho khu vực phía Nam. Sự nghiệp chính của ông là khảo cứu, phê bình văn chương. Sau này, ông đảm nhận vai trò điều hành Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và trong khoảng 30 năm (1993-2023), GS-TS Mai Quốc Liên đã tổ chức in 213 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình do chính ông phiên âm, dịch nghĩa.

Trong nước, có các toàn tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm...; ngoài nước có Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Hiệp, Bakhtin, Rabelais... Kế thừa những người đi trước, ông tổ chức chú giải Truyện Kiều, dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Ông được giao Tổng chủ biên công trình Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng TPHCM 1900-2000, là tổng tập văn học nghệ thuật lớn nhất của TPHCM đến nay, gồm 25 quyển, trên 1.560 tác phẩm của 400 tác giả, với gần 20.000 trang in.

Hàng chục năm tung hoành ngang dọc trong cõi văn chương, triết học, GS-TS Mai Quốc Liên để lại hàng trăm bài tiểu luận, phê bình, tạp bút. Ông viết về hầu hết các nhà tư tưởng, các nhà thơ lớn của dân tộc, về những tượng đài của văn học Trung Quốc và các nước phương Tây, nhất là văn học Pháp và văn học Nga. Ông say mê những đỉnh cao của văn hóa dân tộc và thế giới. Ông viết về người xưa với thái độ thành kính, tôn vinh; viết về người nay với thái độ liên tài, mến phục.

Với bất cứ nhân vật lịch sử hay văn chương nào, ông cũng có những phát hiện độc đáo, mới lạ, sâu sắc, tri âm. Tinh túy của văn hóa dân tộc, hồn thiêng của ngàn xưa sông núi như hiện lên trong chân dung, sự nghiệp, tư tưởng hay văn chương của các bậc Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Huyền Quang, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát…

Mai Quốc Liên còn viết về hầu hết những tên tuổi lớn của nền văn chương hiện đại như: Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Khải... Ông viết về những chính khách, người thầy như Phạm Văn Đồng, Cao Xuân Huy, Nam Trân, Lê Đình Kỵ… với tấm lòng biết ơn và cảm phục. Luôn như có một tổng tập, một bảo tàng chân dung văn học Việt Nam sắc nét trong các bài viết của Mai Quốc Liên.

GS-TS Mai Quốc Liên có một tính cách thẳng thắn. Ông là một nhà giáo tâm huyết, một học giả tài năng, tiếp bước xứng đáng những cây đại thụ như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ... Ông yêu quý tiếng Việt, yêu quý văn hóa dân tộc, đào bới di sản quá khứ để làm rạng tỏ tư tưởng và tài năng của cha ông, động viên những tài năng trẻ, chăm lo bồi dưỡng thế hệ sau.

Ông nhiệt thành bảo vệ những giá trị cuộc cách mạng của dân tộc trong thế kỷ XX. Ông là sự kết nối giữa xưa và nay, giữa Việt Nam và thế giới, như một đại sứ văn hóa, thủy chung với xưa mà cầu thị với nay. Trong văn chương, ông là một nghệ sĩ. Ngôn ngữ phê bình của ông mượt mà, diễm lệ, giàu hình ảnh, sáng tạo. Ông cũng viết thơ, có bài xứng đáng có mặt trong tuyển thơ hay của thời hiện đại.

Khi nhận xét về Mai Quốc Liên, có nhà văn đã đánh giá: “Những bài viết của anh về các giá trị văn hóa dân tộc, về vẻ đẹp của văn chương kim cổ thì dù sau này vẫn sẽ luôn có người đọc”. Có thể đó là một lời động viên, nhưng những gì ông viết sẽ giúp cho thế hệ nghiên cứu về sau rất nhiều. Mai Quốc Liên xứng đáng là một nhà văn hóa, vì những đóng góp bền bỉ từng chút, từng chút cho nền Quốc học hơn 30 năm qua. Tên ông là Quốc Liên - một đóa sen nhỏ trên cánh đồng sen học thuật nước nhà. Ông ra đi, thêm một khoảng trống không gì bù đắp được đối với bầu trời Quốc học.

GS-TS Mai Quốc Liên từ trần vào lúc 1 giờ 5 phút ngày 10-3 (nhằm ngày 1 tháng 2 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 85 tuổi. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1981, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Văn học, Ủy viên Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh (ngành Văn - Ngữ - Sử) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006.

GS-TS Mai Quốc Liên còn là Giáo sư Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Tổng Biên tập Tạp chí Hồn Việt (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam). Ông được vinh danh với những giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ (2010), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2012), Giải thưởng Balaban của Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation - Hoa Kỳ 2013).

Linh cữu GS-TS Mai Quốc Liên được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 11-3, lễ động quan bắt đầu lúc 14 giờ 30 ngày 12-3. Sau đó, linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.

HỒ SƠN

Tin cùng chuyên mục