Mắm trước, đước sau, tràm theo sát

Nhìn xa, bộ rễ đước như nhịp chân của đoàn lính rầm rập xung trận, hướng thẳng ra biển, trông thật hào hùng. Biết bao thế kỷ rồi, đến tận hôm nay, Cà Mau vẫn bền bỉ sống trong âm hưởng đó. 
Mắm trước, đước sau, tràm theo sát

Nhìn xa, bộ rễ đước như nhịp chân của đoàn lính rầm rập xung trận, hướng thẳng ra biển, trông thật hào hùng. Biết bao thế kỷ rồi, đến tận hôm nay, Cà Mau vẫn bền bỉ sống trong âm hưởng đó. 

Thi công cầu Năm Căn.

Thi công cầu Năm Căn.

Mũi tàu ta đó

Đứng trên vọng đài cao hàng chục mét của Khu du lịch Đất Mũi, hướng nhìn ra biển, đảo Hòn Khoai ẩn hiện xa xa. “Mùa này gió chướng không ra được đâu”, nhà văn Ngọc Tuyết nói trong tiếc rẻ. Huỳnh Nam Tín, cán bộ Khu du lịch Đất Mũi, chỉ vào nơi nhô ra nhất của “Mũi tàu ta đó” cho biết: “Mỗi năm mũi đất này lấn ra biển cả 100m lận. Trung bình mỗi ngày đón 200 - 300 khách; mùa hè cao điểm đông hơn nhiều, họ đi theo đoàn…”.

Chị Bình, một giảng viên đại học ngoài Bắc đưa cả gia đình vô thăm Đất Mũi chụp hình hoài nơi có mốc tọa độ. “Con dân nước Việt, ai không mong có ngày được chạm chân lên chót cùng Tổ quốc. Năm hết tết đến là thời điểm nhớ về cha ông, nguồn cội...”, chị Bình nói vậy.

Vườn quốc gia mũi Cà Mau (thuộc các xã Đất Mũi, Viên An, Đất Mới và Lâm Hải của huyện Ngọc Hiển) vừa được thế giới công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Cà Mau đã quy hoạch, đầu tư phát triển Đất Mũi không chỉ là điểm du lịch số một của tỉnh, mà trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia.

“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai”. Ở đây, dân rành “sáu câu” thứ tự mở đất này. Theo đó tương ứng là độ mặn, lợ, ngọt của nước; độ giẽ, độ thuần của đất. Chỗ nào trồng tràm là đất đã thuần, dân kéo đến ngụ cư, rồi từ đó mới ra hàng dừa nước, vườn xoài, mít, mận… Dọc hai bên những con đường tráng xi măng thoáng đãng trong khu du lịch là những hàng mắm, đước, cao vút, ken dày như những bức tường thành. Rễ phụ (chang đước) rất lớn, như chân nơm, mọc tua tủa quanh gốc, bám sâu vào lòng đất nhão, giúp cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy, không ngại gió bão rung chuyển. Trái đước khi chín cắm thẳng xuống đất bùn rồi mới nở ra, mọc dần thành cây. Năm đầu tiên chỉ cao 40 - 50cm nhưng khi rễ xuống sâu thì phát triển nhanh, mạnh lắm. “Cây đước đồng thanh đồng thủ, đoàn kết lắm. Cây có đứng kề nhau thì thân mới lớn, mới thẳng”, cán bộ Tín nói vậy. Đước trưởng thành, cái gì của đước cũng đều ra tiền cả: làm đũa, làm giá võng, đồ mỹ nghệ, cột nhà, đóng móng, lấy than… Nhưng công đầu của mắm và đước chính là tiên phong lấn biển, tạo nên sự kỳ thú, đặc trưng vùng đất Cà Mau. Chả trách, có lần TS Huỳnh Công Tín khẳng định, “tam vị” (mắm, đước, tràm) được tôn thờ như 3 vị “tam công”, 3 ông “phúc, lộc, thọ” bởi công mở đất. Cần gìn giữ tình cảm thân thiện giữa người và cây vốn có trong quá khứ.

Ngồi tàu hơn 60km từ thị trấn Năm Căn ra Đất Mũi, mới cảm nhận sự kỳ diệu của rừng đước Cà Mau. Càng gần cửa biển, đước càng ken chặt, san sát che khuất tầm mắt, bóng đổ tràn mặt sông. Đến ngay tay tài công người bản địa cũng nhiều khi lóng ngóng, hết thẳng lưng dõi tìm lối ra, lại la hét hỏi đường, tính đi tắt đỡ được mấy cây số nhưng ai ngờ, cầu mới chắn ngang nhiều quá… Mất đứt hơn nửa giờ lạc lối trong rừng đước, giữa ban ngày ban mặt.

Trên bờ, những hàng đước, cụm đước, rừng đước cứ tụm lại như “hội ý” rồi hướng thẳng ra biển. Nhìn xa, chang (rễ) đước giống nhịp chân của đoàn lính xung trận, trầm tĩnh, cả quyết, kề sát vai nhau, trông thật hào hùng. Biết bao thế kỷ rồi, đến tận hôm nay rồi cả mai sau, Cà Mau vẫn luôn bền bỉ sống trong âm hưởng đó.

Bộ rễ đước như nhịp chân của đoàn lính rầm rập xung trận, hướng thẳng ra biển, trông thật hào hùng

Bộ rễ đước như nhịp chân của đoàn lính rầm rập xung trận, hướng thẳng ra biển, trông thật hào hùng

Đô thị mới hướng biển

Ở cái xứ chằng chịt sông nước này, đổi thay dễ thấy nhất chính là… tàu ghe. Lên đời hết rồi, tàu cây thay bằng vỏ nhựa ráo trọi, chạy bằng máy đuôi tôm, máy ô tô hàng trăm mã lực, nhích nhẹ tay là ghe vọt bốc đầu, xé nước kinh hồn. Ven sông, hầu như nhà nào cũng làm bè nuôi cá bớp, cá mú hoặc xây bọng, đặt lú, dựng đáy... Nước lớn con gì cũng vô, nước rút dân ra gỡ cá, tôm mệt nghỉ. Theo tài công Tư Dương, năm nay giá tôm cua đều thắng, dân nuôi phấn khởi lắm. Hai đầu Trạm y tế xã Viên An (huyện Ngọc Hiển) chạy dài gần cây số san sát cửa hàng vàng bạc đá quý, thủy sản, vật liệu xây dựng, thời trang… Những đàn cò trắng thong thả ngay giữa sông. “Cồn mới nổi đó. Trông vậy mà có chủ hết rồi. Họ sẽ ra đó cắm đước cho vuông vắn hơn. Những vạt đước cao đã cho thu hoạch, lời lắm…”, Tư Dương thông báo. Những năm gần đây, rừng đước tiếp tục phát huy giá trị kinh tế, đem lại doanh thu cho người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, diện tích đất có rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển trên 37.670ha, rừng trồng sau khai thác bảo đảm 100% diện tích; độ che phủ 51,16%. “Lộc biển” vẫn theo những con người kiên tâm bám biển.

Dọc hai bờ, bên cạnh những căn nhà lá “cao cẳng”, chân cột quấn ni lông để tránh hà bám vào cũng xuất hiện nhiều nhà kiên cố, cửa kính sáng choang như trên phố thị. Điện lưới quốc gia theo sát nhà dân, kéo dài trên những mái nhà (Năm Căn có trên 96% hộ dân sử dụng điện lưới). Cũng hợp lẽ thôi, sau 1975, sản lượng điện toàn tỉnh Cà Mau chỉ có 76 triệu kWh/năm nhưng ở cột mốc 2013, con số này đã trên 700 triệu kWh/năm.

Sóng gió lồng lộng. Những trụ cầu vững chãi, vươn dần ra lòng sông Cửa Lớn. Cầu Năm Căn đó. Cây cầu cuối cùng suốt dải thiên lý Bắc - Nam, có chiều dài nhất Việt Nam (3.390m) nối đường Hồ Chí Minh đến Mũi Cà Mau. Năm 2012, sau khi cầu Đầm Cùng được thông xe nối liền quốc lộ 1A đến thị trấn Năm Căn, cầu Năm Căn được khởi công nối với Ngọc Hiển, huyện cuối cùng cực Nam Tổ quốc và cũng là nơi duy nhất cả nước chưa có đường ô tô đến trung tâm huyện. Cầu Năm Căn có vị trí vô cùng quan trọng, không những đối với 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực ĐBSCL. Đồng thời trên bộ, một tuyến đường dài 50km từ huyện Năm Căn đi Đất Mũi cũng đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Hai dự án quyết định, đột phá cho sự phát triển của Đất Mũi, của cư dân cuối dải đất phương Nam. Cái thời hoang vắng “Trong khói sóng mênh mông/Có bóng người vô danh…” (Hương Rừng Cà Mau - Sơn Nam) nhắc nhở lớp cháu con công lao tiền nhân mở đất. Miền đất cực Nam khác xưa nhiều lắm rồi. 

Hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm tái lập và đều vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Đặc biệt, ngay ngày đầu năm 2014, thị trấn Năm Căn, đô thị loại 4 (2012) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn đến năm 2030. Theo đó, Năm Căn sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đầu mối giao thương quốc tế của Cà Mau và vùng ĐBSCL, trở thành 1 trong 15 khu kinh tế ven biển năng động của cả nước.

“Năm nay dân Đất Mũi ăn tết lớn, anh nhớ về”, Tư Dương hồ hởi mời tôi khi chia tay. Cà Mau vẫn luôn bền bỉ, mạnh mẽ hướng ra biển, hướng đến cuộc sống mới.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục