Mỗi năm, cả nước có trên 5 vạn nạn nhân bị tai nạn cần phải cấp cứu, nhưng chưa đầy 10% nạn nhân được sơ, cấp cứu ban đầu đúng cách. Phần lớn sau tai nạn, nạn nhân chỉ được xử lý qua loa rồi chuyển tới bệnh viện bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có. Đây là thực trạng đáng buồn và thực sự lo ngại của mạng lưới sơ cứu, cấp cứu trong cả nước.
Chết oan, bệnh nặng vì cấp cứu sai
Khuya. Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức vẫn đông nghịt người. Tiếng còi xe cấp cứu rú liên hồi, tiếng chân người chạy rập rập lo thuốc men, bông băng cho nạn nhân bị tai nạn cấp cứu, phá vỡ không gian yên tĩnh của bệnh viện.
Nằm li bì trên chiếc băng ca, trên người vẫn còn bê bết máu, anh T.T.Hùng ở Ninh Bình bị tai nạn xe máy ở quốc lộ 1 từ chiều tối nhưng đến hơn 23 giờ mới được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương, sốc do mất máu nặng. Các bác sĩ điều trị cho biết, với trường hợp tai nạn của anh Hùng, nếu được sơ, cấp cứu, cầm máu và chống sốc kịp thời sau tai nạn sẽ hạn chế được tối đa nguy hiểm tới tính mạng.
Vào cấp cứu sau anh Hùng ít phút là một nạn nhân nữ, chị Hương ở Kim Bôi, Hòa Bình bị ngã trong khi đi rừng dẫn đến gãy xương ống chân, xây xát toàn thân. Dù được người dân đưa vào trạm y tế xã gần nơi xảy ra tai nạn, nhưng do trạm y tế thiếu thiết bị sơ cứu ban đầu nên chị Hương khi được gia đình thuê xe chuyển lên tuyến trên thì đã bị sốc vì mất máu.
BS Cao Độc Lập, Trưởng phòng khám cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 100 ca cấp cứu các loại, nhưng nhiều nhất vẫn là tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, trong số các nạn nhân TNGT được đưa vào đây, có nhiều trường hợp do không được xử lý cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng cách nên khi được chuyển tới bệnh viện đã trong tình trạng rất nặng, nguy kịch tính mạng. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã được bệnh viện cứu sống nhưng vẫn phải mang thương tật cả đời.
Không được phép chậm trễ hơn
Điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế về thực trạng sơ, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu tại Việt Nam cho thấy, phần lớn các nạn nhân thường được những người xung quanh đưa vào viện bằng bất cứ phương tiện gì sẵn có và rất ít người được sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật. Chỉ có 4% các ca tai nạn thương tích được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, 52% nạn nhân không được cấp cứu ban đầu tại hiện trường. Có tới 55,36% nạn nhân tai nạn thương tích chưa được sơ cứu trước khi đưa tới bệnh viện và chỉ có khoảng 5% - 10% nạn nhân được sơ cứu tại chỗ, nhưng trong đó một nửa sơ cứu sai kỹ thuật và vận chuyển bằng phương tiện không an toàn như xe máy, xe lôi… thậm chí cả xe đạp, xe tải.
Báo cáo bước đầu của Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam cho thấy, chỉ có 65,2% các ca tai nạn giao thông được xử trí cấp cứu ban đầu tại hiện trường, nhưng có đến 50% các ca xử trí không đạt yêu cầu chuyên môn và phần lớn do cộng đồng thực hiện.
Theo TS Trần Thị Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống vận chuyển cấp cứu trong cả nước còn khá nghèo nàn, phần lớn các địa phương không có trung tâm điều hành đáp ứng cấp cứu và tai nạn. Ngay tại Hà Nội, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng số yêu cầu. Trong khi đó, năng lực cấp cứu của các cơ sở y tế còn rất hạn chế. Hầu hết trạm y tế xã không có phương tiện vận chuyển bệnh nhân cũng như các phương tiện chẩn đoán tối thiểu như máy X-quang, xe cấp cứu… Đội ngũ cán bộ làm công tác cấp cứu tại tuyến cơ sở còn mỏng, chưa được đào tạo đầy đủ, cập nhật thường xuyên kiến thức về cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu chấn thương.
Thống kê của cơ quan y tế, mỗi năm cả nước có trên 5 vạn trường hợp bị tai nạn cần phải sơ, cấp cứu. Rõ ràng, thực trạng này đòi hỏi Bộ Y tế và các cơ quan có chức năng cần khẩn trương quy hoạch, xây dựng một mạng lưới sơ, cấp cứu đồng bộ, rộng khắp, đảm bảo đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế cấp cứu chuyên dụng, đội ngũ nhân lực có chuyên môn vững vàng. Nếu không sẽ tiếp tục có thêm không ít nạn nhân phải chịu thêm gánh nặng bệnh tật, thậm chí là mất mạng oan uổng.
GS Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định: Hệ thống sơ, cấp cứu trong nước đang rất đáng lo ngại. Hệ thống cấp cứu trước bệnh viện hiện nay chủ yếu vẫn do Trung tâm cấp cứu 115 đảm nhận, chưa có sự tham gia của các lực lượng khác như cứu hỏa, cảnh sát. Ngoài ra, hệ thống cấp cứu ngoài công lập cũng đã xuất hiện một số công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu vận chuyển bệnh nhân nặng về nhà, trang thiết bị, trình độ cấp cứu còn nhiều bất cập.
Th.S Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Mỗi tháng, bệnh viện phải tiếp nhận tới hơn 2.000 bệnh nhi cấp cứu, trong đó 0,3% số trẻ cấp cứu bị tử vong do cách xử trí ban đầu sai của y tế tuyến cơ sở và cả người dân trong quá trình cấp cứu, vận chuyển lên tuyến trên. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ tử vong trong 24 giờ đầu có chiều hướng tăng do chất lượng khâu cấp cứu, vận chuyển sai quy cách. Vẫn còn tình trạng trẻ bị suy hô hấp thì lại được chở đến bệnh viện bằng xe máy hoặc trẻ bị bỏng, chấn thương nặng vận chuyển bằng xe không chuyên dụng, không có hệ thống hồi sức cấp cứu. |
Quốc Lập