
Tăng nhanh ở người trẻ
Dù mới chỉ 30 tuổi nhưng anh Trần Văn Lâm (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đã phải nong mạch vành vì nhồi máu cơ tim. Qua xét nghiệm, điều trị, các bác sĩ phát hiện anh Lâm có hàm lượng cholesterol (chất béo) trong máu ở ngưỡng trên 16mmol/L (gấp gần 3 lần mức người bình thường), còn hàm lượng triglycerid (chất béo trung tính) là 8,5mmol/l (vượt mức bình thường nhiều lần) do anh thường uống rượu bia và ăn nội tạng động vật.
Anh Nguyễn Tất Đạt (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cũng rơi vào tâm trạng chán nản khi thấy kết quả xét nghiệm mỡ máu tăng gấp 3 lần dù tuổi còn rất trẻ. TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, cảnh báo, thực tế hiện nay, không chỉ người ở độ tuổi trung niên mà rất nhiều người trẻ tuổi bị tăng mỡ máu do ăn uống không hợp lý. Điều đáng lo ngại là dư thừa cholesterol trong máu đa phần không có biểu hiện ra bên ngoài, phải xét nghiệm máu mới biết kết quả nên bệnh thường diễn biến rất chậm; trong khi thừa chất béo lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm, làm gia tăng nguy cơ tử vong.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã phát đi cảnh báo tình trạng rối loạn mỡ máu đang gia tăng nhanh tại Việt Nam, với gần một nửa dân số có mức cholesterol trong máu cao. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát các bệnh tim mạch nguy hiểm như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Theo số liệu từ các cuộc khảo sát, tỷ lệ người dân có cholesterol toàn phần từ 5,0mmol/L trở lên hoặc đang phải dùng thuốc điều trị đã tăng từ 30,2% lên 44,1%. Đây là mức tăng đáng báo động trong thời gian ngắn, cho thấy nguy cơ bệnh lý tim mạch đang âm thầm lan rộng trong cộng đồng.
Cholesterol trong máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch, từ đó dễ dẫn tới đột quỵ, cơn đau tim cấp tính và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người chủ quan và không được phát hiện sớm.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình cứ 10 người trưởng thành có đến 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Đáng lo hơn, tình trạng này đang gia tăng nhanh ở người trẻ, thậm chí có người dưới 30 tuổi. Tỷ lệ thừa cholesterol ở nước ta ở mức cao chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia...
Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống
Theo các chuyên gia y tế, trong cơ thể, cholesterol có 2 loại chính là LDL (cholesterol xấu), HDL (cholesterol tốt). Nếu cơ thể bị tăng cholesterol xấu, nghĩa là có quá nhiều LDL trong máu, phần dư thừa này cùng với một số chất khác tạo thành mảng bám, tích tụ trên thành động mạch gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, lâu dài dẫn tới các bệnh tim mạch. Cholesterol có từ 2 nguồn: trong cơ thể sản xuất ra và từ thức ăn.
Trong cơ thể, cholesterol được sản xuất ở gan chiếm 80%; còn trong thức ăn, cholesterol có nhiều ở thịt, sữa, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật. Cholesterol ở mức nhất định là cần thiết, cơ thể không thể thiếu. Ở người bình thường, hàm lượng cholesterol máu luôn ổn định, chỉ khi tăng quá cao mới gây bệnh và trường hợp này gọi là “tăng mỡ máu”.
Theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM, 5 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol là: ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol (thịt bò, thịt heo, nội tạng động vật); uống nhiều rượu, bia và các đồ uống có gas; lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất; các bệnh lý nền, tiền sử gia đình; tuổi tác. Bên cạnh đó, những người bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường.
Nếu một người được chẩn đoán thừa cholesterol mà không phải do bệnh lý nền và yếu tố tiền sử gia đình thì điều trước tiên cần làm là thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Người bệnh nên hạn chế tất cả các chất béo không có lợi, chứa nhiều cholesterol có nhiều trong các nguồn thực phẩm. Thay vào đó, nên ăn những thực phẩm có chất xơ hòa tan (đậu đỗ, cám gạo, lúa mạch, trái cây) giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần trong máu và bổ sung nguồn chất béo có lợi vào chế độ ăn hàng ngày từ cá hồi, cá thu, cá trích.
BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng khuyến cáo, người dân cần tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục, đi bộ, đạp xe, bơi lội; hạn chế rượu bia; duy trì cân nặng hợp lý; không hút thuốc lá. Những người từ sau 20 tuổi nên kiểm tra mỡ máu toàn phần mỗi năm/lần, từ sau 50 tuổi nên kiểm tra 6 tháng/lần bởi vì lượng cholesterol máu cao thường không biểu hiện triệu chứng. Tuyệt đối không tin vào quảng cáo lọc mỡ máu để phòng bệnh. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện chỉ áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo chỉ số triglycerid tăng cao (trên 11 mmol/L).
Theo Bộ Y tế, cholesterol toàn phần từ 5,2-6,2mmol/l (từ 200-239mg/dl) là ở ngưỡng bình thường; triglycerid bình thường từ 2,26-4,5mmol/l (từ 200-400mg/dl); HDL (cholesterol tốt) mức bình thường là dưới 0,9mmol/l (dưới 35mg/l); LDL (cholesterol xấu) bình thường là dưới 3,4mmol/l (dưới 130mg/dl).