Mang nghệ thuật đến với cộng đồng

Cùng với cộng sự Bùi Thiên Huân, vào tháng 7-2018, TS Đào Lê Na đã thành lập dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo Yume với ý niệm: mang nghệ thuật đến với cộng đồng theo sự phát triển đồng đều, không phân biệt đô thị - nông thôn, người bình thường - người bệnh, người khiếm khuyết. 
TS Đào Lê Na giao lưu trong một chương trình
TS Đào Lê Na giao lưu trong một chương trình

“Khi mọi thứ đều hướng đến cái đẹp, sẽ làm cho những người trong cộng đồng cũng có ý thức về cái đẹp, về sự hướng thiện. Đối với tôi, điều quan trọng nhất của văn hóa và nghệ thuật, là làm cho con người trở nên tốt hơn, đẹp hơn”, TS Đào Lê Na nói.

Giấc mơ đẹp

Mới gặp, có lẽ không mấy người tin được đằng sau cô gái nhỏ nhắn kia lại có nguồn năng lượng dồi dào như vậy. Cùng lúc, TS Đào Lê Na vừa đảm đương công việc giảng dạy tại khoa Văn học (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), vừa duy trì hoạt động của dự án Yume, chưa kể chị còn tham gia viết những công trình nghiên cứu, hay gần đây là tiểu thuyết Tự sự của hạt mưa được nhiều bạn đọc yêu thích. 

Cảnh trong vở Vai diễn đầu đời, thuộc dự án Tiếp bước trăm năm
Yume trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là giấc mơ. Giấc mơ mà TS Đào Lê Na đang ấp ủ là mang nghệ thuật đến với cộng đồng, để ai ai cũng được sống và cảm nhận về nó. Trước khi có Yume, TS Đào Lê Na từng thành lập Câu lạc bộ Sân khấu - Điện ảnh, nơi tiếp cận các lĩnh vực về chiều sâu học thuật, góp phần định hướng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên và phát triển mảng lý luận phê bình; tổ chức Liên hoan phim FY Film dành cho các nhà làm phim trẻ. Nhưng phải đến khi Yume ra đời, giấc mơ đẹp đẽ kia mới thực sự được nối dài và lan tỏa. 


Trong thời gian theo học ngành Quản lý nghệ thuật tại Đài Loan (từ năm 2011-2013), qua việc thực hành các bài tập trên lớp, đã hình thành trong chị những ý tưởng, hoạt động liên quan đến nghệ thuật dành cho cộng đồng sau khi về nước. Ở Đài Loan, cách vài trăm mét lại có một bảo tàng, triển lãm nghệ thuật và các triển lãm này luôn được thay đổi. TS Đào Lê Na cho rằng, đây chính là lý do khiến Đài Loan có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Những hoạt động nghệ thuật cộng đồng sẽ đem đến kiến thức và góp phần định hướng đam mê nghệ thuật cho các thành viên trong cộng đồng. Khi đã có một nền tảng cho mình, cộng thêm quá trình học hỏi, thì lúc đó, như một lẽ tất nhiên, người sáng tạo sẽ tạo ra được những tác phẩm đậm chất nghệ thuật, sâu sắc, không hời hợt. 

TS Đào Lê Na tâm sự: “Tôi hay nói vui với sinh viên, ở Nhật Bản, bất kỳ điều gì họ cũng hướng đến cái đẹp, đến sự tinh tế, chỉn chu, muốn nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm hời hợt cũng khó. Bởi vì khi nghệ sĩ ở trong một cộng đồng yêu nghệ thuật, hiểu được những giá trị nghệ thuật, chính bản thân họ sẽ có lòng tự trọng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chỉn chu, cẩn trọng. Còn nếu bây giờ, nhiều bạn trẻ vẫn còn ủng hộ và yêu thích những tác phẩm hời hợt, thì người làm nghệ thuật chắc chắn sẽ còn tạo ra những tác phẩm dễ dãi”. Đó là lý do TS Đào Lê Na muốn góp phần phát triển nghệ thuật cho cộng đồng, xây dựng những cộng đồng tiếp nhận, thưởng thức và không gian nghệ thuật đồng đều hơn. Từ đó, những nghệ sĩ trong cộng đồng sẽ tự nâng mình lên để đem đến những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. 

Đồng hành cùng TS Đào Lê Na từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, anh Bùi Thiên Huân chia sẻ: “TS Đào Lê Na là một người rất nhạy bén trong mảng tổ chức và quản lý. Điều mà tôi chưa làm được và cảm thấy rất cần học hỏi thêm ở chị, chính là sự khéo léo trong việc tận dụng những mối quan hệ xung quanh, khai thác thế mạnh của họ để hợp tác và cho ra đời những khóa học chất lượng cho cộng đồng. Nhờ vậy mà Yume đã được biết đến với những khóa học rất bổ ích, đáng “đồng tiền bát gạo” đến từ các chuyên gia”.  

Trăn trở với văn hóa truyền thống 

Với quan niệm làm nghệ thuật không thể làm chơi, phải làm sao để thuyết phục được mọi người; vậy nên, bất kỳ hoạt động lớn nhỏ nào cũng được TS Đào Lê Na ấp ủ và lên ý tưởng kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào thực hiện. Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên dự án Tiếp bước trăm năm mà Yume thực hiện trong năm 2019. 

Năm 2018, sân khấu cải lương bước sang một dấu mốc quan trọng - kỷ niệm 100 năm ra đời. Suốt từ Bắc vào Nam, nhiều vở diễn được công bố, nhiều hội thảo tổng kết hành trình của cải lương… Đa phần, những hoạt động đó đều hướng về nguồn cội trong quãng thời gian 100 năm của cải lương. Còn Tiếp bước trăm năm là sự nối dài sau đó. Cải lương sẽ được đi đâu về đâu trong 100 năm tiếp theo? Đó là câu hỏi dành cho cộng đồng và đặc biệt là dành cho khán giả trẻ. Bởi vì chính khán giả trẻ mới là người quyết định cải lương sẽ phát triển như thế nào. 

Từ những trăn trở đó, dự án Tiếp bước trăm năm ra đời, nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ giới chuyên môn và lớp nghệ sĩ đi trước như: NSND Bạch Tuyết, TS Lê Hồng Phước, thầy Huỳnh Khải, đạo diễn Trương Văn Trí… “Tôi và đồng sự Bùi Thiên Huân muốn làm để xem người trẻ bây giờ sẽ tiếp bước cải lương từ thế hệ đi trước như thế nào và họ sẽ phát triển cải lương ra sao. Đó là một dự án thiên về đào tạo nghệ sĩ lẫn khán giả, nên nó phải dài. Các bạn muốn phát triển cải lương thì phải hiểu cải lương, hiểu được những đặc tính căn bản của cải lương”, TS Đào Lê Na bộc bạch.

Không chỉ mang đến một thế hệ khán giả trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống, dự án Tiếp bước trăm năm còn mang đến vở Vai diễn đầu đời, một vở cải lương cách tân được công diễn tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM sau 6 tháng “tầm sư học đạo” từ các chuyên gia. Ở đêm diễn ấy, rất nhiều khán giả đã không kìm được xúc động, những tràng pháo tay không ngớt vang lên khi chứng kiến những người trẻ diễn cải lương. Thời gian tập luyện ngắn nên không tránh khỏi những vụng dại trong nét diễn lẫn đài từ, nhưng điều mà khán giả đêm ấy đồng cảm và khấp khởi hơn cả là tình yêu với cải lương của những người trẻ. Điều đó cũng chắp cánh cho niềm tin rằng, một khi có thế hệ tiếp bước như vậy, bộ môn nghệ thuật của dân tộc sẽ còn được nối dài. 

Sau đêm diễn đầu tiên, Vai diễn đầu đời tiếp tục được lưu diễn tại Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) và sân khấu Soul Live Project. Tác phẩm là vở cải lương mang hơi thở đương đại liên quan đến những cô cậu học trò trong một lớp học trên địa bàn thành phố. Ở đó, khán giả không chỉ hiểu được những tâm tư tình cảm của học trò ngày nay mà còn hiểu thêm về khao khát được theo đuổi nghệ thuật cải lương của họ. Đặc biệt, trong vở còn lồng ghép 2 trích đoạn cũ, từ 2 vở cải lương nổi tiếng: Nửa đời hương phấn và Hoàng hậu của hai vua. Theo TS Đào Lê Na, đây là chủ ý của chị nhằm truyền cảm hứng để các bạn tìm xem những vở cải lương đã từng vang bóng một thời. 

Giữa tháng 11-2019, cùng thời điểm diễn ra Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, TS Đào Lê Na tổ chức “Tuần phim Việt Nam” với chủ đề “Điện ảnh và Văn hóa”. Dù chỉ diễn ra với quy mô nhỏ, nhưng khán giả đã được thưởng thức các bộ phim trong điều kiện tốt nhất. Trước đó, TS Đào Lê Na cùng các cộng sự của mình đã phải liên hệ khắp nơi xin tài trợ phòng chiếu, xin giấy phép phổ biến phim. Vậy nên, khi tham gia tuần phim, khán giả đã có cơ hội được xem những bộ phim có thể gọi là kinh điển của Việt Nam như Thời xa vắng, Mê Thảo thời vang bóng, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng và Long thành cầm giả ca. 

Theo TS Đào Lê Na, sở dĩ chọn 5 bộ phim ra mắt vào những năm 2000, bởi thời điểm này điện ảnh Việt Nam có nhiều tác phẩm nổi bật, được nhiều giải thưởng quốc tế, được quốc tế chú ý về những vấn đề văn hóa - xã hội, cách thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật của các bộ phim rất tốt. “Tôi cho rằng, giai đoạn đó có những bộ phim làm rất tốt về chất liệu văn hóa và họ cũng làm rất tốt khâu cải biên từ văn học. Hy vọng qua tuần phim này, các bạn được bồi dưỡng thêm những hiểu biết về văn hóa Việt Nam”, TS Đào Lê Na bày tỏ. Trong khi đó, hiện tại nhiều bộ phim Việt Nam được chiếu rạp nhưng đa số thiên về tính giải trí, dấu ấn văn hóa của đất nước không có, hoặc rất mờ nhạt. 

Chị trăn trở: “Điều khiến tôi luôn luôn gặp áp lực là nếu bây giờ tôi tạm dừng công việc hay dự án của mình, liệu có những dự án nào kế tục hay không? Điều quan trọng của một dự án cộng đồng thành công là mình dừng nhưng sẽ có người khác tiếp tục làm. Tôi vẫn hy vọng, biết đâu đó sẽ có những bạn trẻ hào hứng, đủ tâm huyết đồng hành với mình”.

Tin cùng chuyên mục