Mang sách về chợ quê

Sáng sớm ngày 2-2 (28 tháng Chạp), trời còn tối, trên đường làng vẫn chưa có ai, anh Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh tiến sĩ) cùng cậu con trai chở nhau về chợ Hòa Bình, cách nhà khoảng 1km. Đây là phiên chợ đông nhất năm nhưng mục tiêu mà anh Vương đặt ra là bán được 1 cuốn sách. 

Ngay khi anh chia sẻ câu chuyện bán sách ở chợ quê trên trang cá nhân, rất nhiều người đã bị cuốn hút bởi ý tưởng độc đáo này. Hầu hết mọi người đều có chung tâm lý tò mò không biết người dân sẽ phản ứng ra sao với việc có gian hàng sách ở chợ quê, và liệu có bao nhiêu cuốn sách được mua?

Anh Vương kể lại: “Hai bố con dậy từ 5 giờ sáng mang sách ra chợ bán. Kết quả bán được 12 cuốn cho 5 người. Điều thú vị là cả 5 người này đều không phải là người sinh ra, lớn lên ở đây. Họ hoặc là con dâu, rể hoặc là người từ nơi khác đến bán hàng”.
Mang sách về chợ quê ảnh 1 Quầy sách của anh Nguyễn Quốc Hòa Bình ngày 28 tháng Chạp 
Sau chợ Hòa Bình, buổi chiều cùng ngày anh Vương tiếp tục bán sách ở làng Hậu, là làng đông dân nhất trong xã. Hành trình của anh vẫn tiếp tục cho đến ngày 30 tết, với một tâm niệm: “Là người sống ở nông thôn chịu nghèo đói từ nhỏ đến lúc hết đại học, tôi không cho rằng lý do kinh tế là nguyên nhân chủ yếu hiện nay làm cho người Việt không đọc sách và quan tâm đến văn hóa đọc. Lý do chính yếu vì thiếu nền tảng tinh thần, trong đó có trải nghiệm gia đình và giáo dục. Ở họ (những người không đọc và không quan tâm đến việc đọc của con), đã chưa hoặc không thể giác ngộ về vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng đối với sự khai sáng bản thân để sống cuộc đời con người hạnh phúc, phong phú và làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn”. 
Có rất nhiều khó khăn mà những người tiên phong như nhà văn, dịch giả Nguyễn Quốc Vương phải đối mặt. Nhất là việc đưa sách về nông thôn còn khó khăn hơn khi mà nhiều nơi và nhiều người vẫn còn phải đau đáu với chuyện ăn, chuyện mặc. Nhưng anh Vương không đơn độc.
Bởi, từ quầy sách của anh Vương, dù chưa thực sự mạnh mẽ nhưng ít nhiều đã cho những người bạn hay cộng đồng quan tâm thấy được một ý tưởng mới lạ và mang ý nghĩa lớn. Câu chuyện của anh Vương đã có sự lan tỏa và tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
Anh Hà Đình Lực, một người bạn của anh Vương, đã “bắt chước” lập quầy bán sách thiếu nhi ở chợ quê Mê Linh với mục tiêu bán được 5 cuốn sách. Sau 3 giờ mở cửa, anh Lực bán được hơn 50 cuốn và tặng 10 cuốn cho con các bác lao công ở chợ.  
Trước đó nữa, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng mang trong mình nỗi đau đáu làm sao để giúp trẻ con tìm thấy niềm vui trong sách vở, tận dụng tốt nhất tri thức có được từ sách.
Nhưng khác với nhà văn, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nhà báo Trương Anh Ngọc không đi bán sách mà anh cùng cả nhà đi các hiệu sách chỉ để làm một việc duy nhất: Mua sách thiếu nhi để mừng tuổi các em nhỏ. Anh Ngọc kể trên trang cá nhân của mình: “Nhà mình từ nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa. Đừng nghĩ là mình tiếc tiền. Không phải đâu (tiền mua sách còn tốn hơn nhiều số tiền đáng lẽ ra sẽ cho vào phong bao). Nhà mình làm điều ấy chính là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé”.
Thực tế cho thấy, sách thực sự có khả năng làm thay đổi cuộc đời của một con người, vậy nên việc cho trẻ tiếp xúc và đọc sách từ nhỏ là một việc làm quan trọng và cần thiết. Việc làm của anh Nguyễn Quốc Vương và nhà báo Trương Anh Ngọc, dù theo những cách thức khác nhau nhưng cả hai có chung mục đích. Đó chính là mang sách đến gần với trẻ nhỏ, qua đó hình thành thói quen đọc sách cho các em.
Nhà báo Trương Anh Ngọc tâm sự: “Năm ngoái, đã từng thấy có bậc cha mẹ tỏ ra không hài lòng lắm khi mình mừng tuổi con họ bằng sách. Điều đó khiến mình hơi buồn, khi nghĩ rằng món quà của mình không được họ trân trọng. Nhưng mình vẫn sẽ làm điều mà mình cần làm, mang tri thức đến cho trẻ, theo một cách nào đó, chẳng hạn qua việc tặng sách. Và chỉ mong bố mẹ của bọn trẻ hiểu được ý nghĩa của việc này…” 

Tin cùng chuyên mục