Trong những ngày giáp tết, khắp nơi trên địa bàn TPHCM xuất hiện không khí khẩn trương. Dường như tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đều dồn sức chăm lo tết cho người nghèo khiến mùa xuân như đến sớm…
Với tinh thần “lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”, cán bộ chính quyền các cấp ở 15 phường, xã nghèo của TPHCM đã hối hả chăm lo tết cho người nghèo để đến trước ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), thì công việc chăm lo tết cho hàng chục ngàn người nghèo và cận nghèo của TP được hoàn tất. Không khí chăm lo tết cho người nghèo khẩn trương, rộn rã, điều đó nói lên trách nhiệm của toàn xã hội đối với người nghèo và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Trong những ngày tết đang đến gần, đi đến đâu nhiều người cũng bắt gặp những nghĩa cử chăm lo tết cho người nghèo, thậm chí có người vì mải lo tết cho người nghèo mà suýt quên cả lo tết cho nhà mình! Với quyết tâm “không để người nghèo nào không có tết”, Ban Vận động Vì người nghèo TP đã dành 5.400 phần quà trị giá 2,7 tỷ đồng để chăm lo tết cho bà con ở 15 phường xã nghèo. Riêng huyện Cần Giờ là nơi nghèo nhất đã được TP tập trung chăm lo tết nhiều nhất. Nhờ vậy, toàn huyện Cần Giờ có hơn 7.000 hộ nghèo và cận nghèo đều được chăm lo chu đáo để ai cũng có tết.
Từ ngày 15 tháng Chạp, nhiều đơn vị tập thể và các nhà hảo tâm đã tấp nập về Cần Giờ mang theo những chuyến hàng chở nặng quà tết đến tặng các hộ dân nghèo. Riêng Ban Vận động Vì người nghèo TP đã dành gần 3.000 phần quà tết (trị giá 500.000 đồng/phần) cho hàng ngàn hộ nghèo ở các xã, thị trấn của huyện Cần Giờ. Ngoài ra, nhiều tổ chức đoàn thể khác như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các quận huyện bạn và các nhà hảo tâm cũng hối hả mang quà tết đến huyện Cần Giờ để trao tặng người nghèo khiến không khí đón xuân ở vùng huyện đảo xa TP thêm tưng bừng phấn khởi. Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Huỳnh Cách Mạng xúc động: “Chính quyền và người dân Cần Giờ rất cảm động và biết ơn những tấm lòng vàng dành cho người nghèo nơi đây…”.
Bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ tại ấp Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ tâm sự: “Gia đình tôi hàng ngày làm nghề mò cua bắt cá ngoài biển, thu nhập rất bấp bênh, phải chạy ăn từng bữa nên ngày thường còn lo bữa ăn chưa xong nói chi đến ngày tết. May mà có đoàn TP đến tặng quà nên tết này gia đình tôi cũng có điều kiện đón tết như bao gia đình khác…”. Gia đình bà Phạm Thị Bê ở ấp 10, thị trấn Cần Thạnh có hoàn cảnh khá ngặt nghèo: chồng làm nghề phụ hồ thu nhập ít ỏi, con trai thất nghiệp, con gái thì đi phơi cá mướn, vì vậy cái nghèo cứ đeo đẳng hoài đến nỗi không dám nghĩ đến chuyện vui xuân đón tết. May nhờ được chính quyền địa phương và TP chăm lo tết chu đáo, gia đình bà vui mừng khôn tả. Bà thổ lộ: “Đối với người khá giả thì phần quà tết này chẳng đáng là bao nhưng đối với người nghèo chúng tôi là cả một cái tết lớn…”. Cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung, nhà ở ấp Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh, ôm khư khư phần quà tết trong tay rồi nhẩm tính: “Những hộp bánh kẹo này tôi sẽ chưng trên bàn thờ; đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn thì để dưới bếp; còn số tiền mặt thì 30 Tết tôi ra chợ mua gạo, thịt, bánh tét về ăn tết. Với gia đình, 3 ngày tết như thế là tốt rồi…”.
Tại xã Long Hòa, bà Lê Thị Bé, 76 tuổi, nhà ở ấp Đồng Tranh đang bệnh cũng ráng đến gặp mọi người, bởi theo bà: “Tuổi già như tôi ăn uống đáng là bao, cái chính là niềm vui tinh thần. Từng này tuổi đầu, chứng kiến những nghĩa cử tốt đẹp như vầy, tôi vui lắm…”. Còn bà Võ Thị Nhan, 70 tuổi, nhà ở ấp Hòa Hiệp hàng ngày đi chặt cây chà thuê kiếm sống, nay được tặng quà tết, bà cứ rưng rưng: “Nếu không có những tấm lòng vàng của xã hội dành cho, chắc gia đình tôi không có tết quá, cảm ơn, cảm ơn nghen…”. Thương nhất là bà con ở xã đảo Thạnh An, nghe tin có đoàn TP vượt sóng mang quà tết ra đảo, bà con rủ nhau ra đón rồi tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ lâu. Ông Nguyễn Văn Hiệp, gần 70 tuổi, một lão ngư dân sống lâu năm trên xã đảo Thạnh An, cứ tấm tắc: “Tấm lòng của người đất liền dành cho người đảo xa thật đáng quý. Cảm ơn mọi người đã mang mùa xuân đến sớm với dân nghèo nơi đảo xa này…”.
Minh Ngọc