Mạnh tay chống chuyển giá

Trong những năm qua, xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài FDI tại TPHCM báo cáo thua lỗ liên tục qua nhiều năm, thậm chí một số DN có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là một dấu hiệu không bình thường của các nhà đầu tư.

Theo Cục Thuế TPHCM, qua công tác quản lý thuế, nhận thấy dấu hiệu chuyển giá xuất hiện trong các DN có giao dịch liên kết. Cụ thể, đã có phát sinh hiện tượng ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao, ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu đối với hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mục đích chính là ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cao sang nước có thuế suất thuế TNDN thấp.

Một số doanh nghiệp FDI thông qua hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ, các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý như dùng nguồn vốn vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay và chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế, tránh lỗ do chênh lệch tỷ giá về sau hoặc công ty mẹ hỗ trợ chi phí bán hàng cho các công ty con…

Cụ thể, trong năm 2013, Cục Thuế TPHCM đã thực hiện kiểm tra 33 DN có giao dịch liên kết, kết quả điều chỉnh giảm lỗ 511,70 tỷ đồng, giảm khấu trừ 13,28 tỷ đồng, truy thu 81,79 tỷ đồng, truy hoàn 2,64 tỷ đồng.

Hiện nay việc xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chuyển giá còn không ít hạn chế. Để quản lý vấn đề chuyển giá, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Thế nhưng, việc triển khai thực hiện thông tư này trong thời gian qua chưa mang tính tích cực, do cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự tâm huyết, còn né tránh với lý do tính phức tạp của việc chuyển giá, hướng dẫn của các phương pháp điều chỉnh giá giao dịch độc lập và giá giao dịch liên kết, thiếu cơ sở dữ liệu có giá trị pháp lý nên chưa áp dụng được nhiều trong thực tiễn.

Việc kiểm tra, thanh tra so sánh giá chuyển nhượng để có kết quả phải mất nhiều thời gian để đối chiếu phân tích thông tin và phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp thông tin của các bên để đối chiếu, trong khi thời gian thanh tra, kiểm tra theo quy định có giới hạn. Kỹ năng thực hiện các phương pháp chuyển giá của cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền phổ biến cho DN và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện theo Thông tư 66 cũng vậy, chưa triệt để nên các DN hầu như không tự điều chỉnh đối với các trường hợp có quan hệ giao dịch kinh doanh liên kết và cơ quan thuế chưa đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp không chấp hành.

Để công tác chống chuyển giá có hiệu quả, Tổng cục Thuế cần tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương phối hợp tham gia giải quyết hồ sơ cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông báo về các thông tin giá cả thị trường, tỷ suất lợi nhuận ngành nghề… trên phạm vi các vùng miền cả nước để các địa phương có cơ sở pháp lý khi áp dụng các phương pháp điều chỉnh quy định tại Thông tư 66. Đồng thời trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam; tổ chức đào tạo nghiệp vụ về chuyển giá chuyên sâu gắn kết với thực tiễn Việt Nam.

GIANG ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục