Trong nỗ lực này, Chính phủ Anh vừa ra quy định yêu cầu các công ty lớn, chương trình hưu trí, sản phẩm đầu tư, nhà quản lý và chủ sở hữu tài sản tại Anh phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về báo cáo tác động môi trường, nhằm ngăn chặn “quảng cáo xanh” - vốn làm suy yếu thị trường tài chính bền vững và đe dọa làm chậm quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0.
“Quảng cáo xanh” (greenwashing) là một thuật ngữ chỉ những hành vi truyền đạt sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch nhằm đánh bóng thương hiệu, đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường. Thuật ngữ “greenwashing” có thể được hiểu là những hành vi nhuộm xanh hay tẩy xanh. Một hành động được xem là “greenwashing” khi công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là doanh nghiệp xanh cho quảng cáo, tiếp thị hơn là thực sự tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.
Theo tờ Independent, không ít công ty dầu mỏ đã tìm cách làm nổi bật chứng chỉ xanh của họ, trong khi vẫn cam kết khai thác nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn nữa. Các công ty sản xuất xe hơi cam kết xây dựng thương hiệu xe của họ là thân thiện với môi trường, nhưng lại gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Hay như Coca-Cola, bị tố “làm sạch” trá hình khi đưa ra tuyên bố bền vững và thân thiện với môi trường, nhưng đồng thời là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất trên thế giới. Các ngân hàng thì chào mời “cơ hội đầu tư xanh” nhưng sẵn sàng cung cấp những khoản vay khổng lồ cho một số công ty gây ô nhiễm nặng.
Trước thực trạng đáng báo động về xu hướng “greenwwashing”, Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo của Anh (ASA) đã cam kết với chính phủ sẽ tiến hành một cuộc rà soát theo quy định đối với các quảng cáo đưa ra tuyên bố sai lệch về môi trường vào đầu năm tới, và sẵn sàng có hành động đối với các công ty vi phạm. Theo ASA, quy định về quảng cáo cần cung cấp cho người tiêu dùng và nhà đầu tư tính minh bạch cao hơn về thông tin môi trường của các dự án đầu tư, không gây hiểu lầm và có trách nhiệm xã hội khi xem xét các vấn đề môi trường. Trước tiên, ASA sẽ xem xét các lĩnh vực ưu tiên cụ thể do Ủy ban Biến đổi khí hậu yêu cầu giảm CO2 như hàng không, ô tô, chất thải, thực phẩm làm từ động vật và hệ thống sưởi.
Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) do Anh đăng cai sắp diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới, mặc dù các tổ chức môi trường đang nỗ lực điều chỉnh nhưng vẫn còn sự nhầm lẫn trong một số lĩnh vực, bao gồm cả những thuật ngữ như “không phát thải ròng”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”…
Với những động thái quyết liệt gần đây, Chính phủ Anh hy vọng sẽ là quốc gia giúp xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu mới về tính bền vững, nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bảo vệ hành tinh và hỗ trợ các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng coi đầu tư xanh là “chìa khóa” để thúc đẩy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).