Mạnh tay với các ngân hàng yếu kém

Trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn 2015-2016 là kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất để lành mạnh hóa thị trường tài chính.
Mạnh tay với các ngân hàng yếu kém

Trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn 2015-2016 là kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất để lành mạnh hóa thị trường tài chính.

Vẫn còn ngân hàng yếu

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định: giảm đáng kể nợ xấu, lành mạnh hóa hoạt động tài chính, vực dậy các ngân hàng yếu… Mặc dù vậy, báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho thấy, nợ xấu của 19 TCTD vẫn còn chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Đặc biệt, lãi dự thu (đa phần lãi dự thu có khả năng biến thành nợ xấu) của riêng 9 tổ chức tín dụng đã chiếm 61,7% tổng lãi dự thu  toàn hệ thống. Ngay cả 9 ngân hàng bắt buộc phải tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, thị trường cũng đã xuất hiện các ngân hàng nợ xấu cao, nội bộ lủng củng, quản trị yếu kém nên lợi nhuận liên tục sụt giảm, chỉ đạt 20% - 30% kế hoạch năm. Đến nay, đã gần hết năm nhưng còn 2 ngân hàng vẫn chưa tổ chức được đại hội cổ đông thường niên năm 2016, đó là Sacombank và Eximbank. Trong đó,  Eximbank đã tổ chức bất thành 2 lần do chưa “sắp xếp” ổn thỏa nội bộ.

Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Ngân hàng Xây dựng (VNBC) đã trở lại với thương hiệu mới CBBank. Ảnh: HUY ANH

Đến giai đoạn 2016-2020, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính để cạnh tranh trên thị trường, nếu không sẽ phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại (M&A). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít các ngân hàng có quy mô nhỏ, có vốn điều lệ ở mức 3.000 tỷ đồng đã có kế hoạch tăng vốn từ rất lâu, được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ, nhưng đến nay vẫn chỉ là kế hoạch “trên giấy” hoặc kết quả phát hành không thành công. Cụ thể, NHNN đã chấp thuận phương án tự tái cơ cấu của Ngân hàng SaigonBank từ năm 2013, thế nhưng kế hoạch tăng vốn từ năm 2014 - từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng - của ngân hàng này đến nay vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân không chỉ vì nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp hơn mệnh giá, mà áp lực thoái vốn của các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước cũng đang đè nặng lên các ngân hàng nhỏ.

Quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo

Trong giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, Chính phủ và NHNN đã xác định chưa thực hiện cho phá sản ngân hàng vì quan ngại có thể tạo hiệu ứng dây chuyền bất lợi đối với hệ thống, đặc biệt là với tâm lý người gửi tiền. Cùng với đó, việc cho phá sản ngân hàng được đánh giá là khó khăn, phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị, triển khai, cũng như xử lý các hệ quả, vì thực tế tại Việt Nam, đã từng có một số ngân hàng được cho phá sản, nhưng vài chục năm qua vẫn chưa xử lý hết các hệ quả liên quan. Tuy nhiên, trong giai đoạn tái cơ cấu 2016-2020, Chính phủ sẽ mạnh tay hơn với các ngân hàng yếu kém sau một thời gian dài không thể khắc phục, đó là cho thí điểm phá sản ngân hàng, TCTD yếu kém. Như vậy trong thời gian tới, ngân hàng nhỏ, yếu kém về năng lực tài chính, cũng như nợ xấu tăng, không chỉ không tránh khỏi việc sáp nhập, hợp nhất mà sẽ còn bị cho phá sản, thay vì được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng như trước đây.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, động thái này có nghĩa là đã đến lúc Nhà nước chấm dứt sự bảo hộ để đi vào giai đoạn mang tính chất kinh tế thị trường một cách thực chất, đó là bất cứ thành phần kinh tế yếu kém nào, kể cả ngân hàng, cũng sẽ bị loại khỏi “sân chơi”. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, không thể vì sự nhạy cảm mà không cho phá sản các ngân hàng yếu kém. Việc Nhà nước mua lại những tổ chức tín dụng 0 đồng cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì khi NHNN mua lại 0 đồng thì Nhà nước vẫn phải mất chi phí xử lý.

Mặc dù thông tin cho thí điểm phá sản ngân hàng mới được đề cập trong đề án tái cơ cấu được Chính phủ trình Quốc hội; đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng đã khẳng định việc này được thực hiện dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, không để xảy ra hiệu ứng “domino” an toàn hệ thống, nhưng dư luận, đặc biệt là người dân, vẫn tỏ ra lo lắng liên quan đến an toàn tiền gửi và bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng phá sản. Trao đổi về việc này, luật sư Nguyễn Trọng Hiếu Vũ, Giám đốc pháp lý Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Managemen (SAM), cho biết theo Nghị định 68/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) của người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng. Tức là có gửi bao nhiêu tiền thì khi ngân hàng phá sản, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chỉ trả cho người gửi tiền trên tối đa là 50 triệu đồng. Đó là số tiền chi trả từ phía công ty bảo hiểm. Ngoài ra, người gửi tiền còn được trả tiền từ các hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng khi phá sản. Theo đó, đối tượng được ngân hàng chi trả được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Chủ nợ có các khoản vay đặc biệt, người gửi tiền, các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, người sở hữu trái phiếu ngân hàng, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cổ đông của ngân hàng. “Mặc dù người gửi tiền được ưu tiên trả tiền ở vị trí thứ 2, nhưng để thực hiện hoạt động thanh lý tài sản trong tiến trình phá sản ngân hàng thì phải mất thời gian khá lâu”, ông Vũ cho hay.

Theo ông Vũ, để tránh gây hoang mang và tâm lý tiêu cực cho người gửi tiền, nhất là khi có chủ trương cho phá sản ngân hàng, cơ quan nhà nước nên có chủ trương đứng ra bảo lãnh thanh toán trước cho người gửi tiền nếu như các thỏa thuận thanh lý tài sản với các đối tượng mua đã hoàn tất. Động thái này được coi là cam kết của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo việc gửi tiền và tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Một đề xuất khác từ chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: “Theo tôi, cần nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên ít nhất 200 triệu đồng/tài khoản thay vì 50 triệu đồng/tài khoản như hiện nay là mức quá thấp. Cùng với đó, cần có quy định về quỹ dự phòng bắt buộc các ngân hàng phải đóng góp vào, để khi tài sản của ngân hàng không đủ để trả tiền cho khách hàng thì Chính phủ có thể trích một phần từ quỹ này để xử lý khủng hoảng.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục