(SGGPO).- Khách hàng cho rằng, 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm bị cán bộ ngân hàng chiếm đoạt. Trong khi đó, BIDV khẳng định luôn đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng.
32 tỷ đồng bốc hơi trong vòng một buổi
Theo đơn phản ánh của bà Ngô Phương Anh, phường 2, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, vào tháng 1-2016, bà bán căn nhà diện tích 1.127m² cho cô Bùi Thị Anh Thư với giá 36 tỷ đồng. Để thực hiện thủ tục công chứng và mua bán căn nhà nêu trên, cô Thư có đưa bà Anh sổ tiết kiệm số AAB 0692800 do BIDV chi nhánh Tây Hồ - Phòng giao dịch D2 Giảng Võ phát hành ngày 21-1 (giá trị trong sổ tiết kiệm là 30 tỷ đồng, thời hạn gởi tiền là 03 tháng).
Ngày 23-1, để làm thủ tục công chứng, bà Anh cùng cô Thư ra ngân hàng xác nhận số tiền trong sổ tiết kiệm nêu trên là có thật (giá trị trong sổ tiết kiệm là 30 tỷ đồng); rồi đến văn phòng công chứng làm thủ tục công chứng ủy quyền toàn bộ cho bà Ngô Phương Anh được toàn quyền rút tiền khi đến thời hạn. Sau đó, hai bên làm thủ tục chuyển nhượng Hợp đồng mua bán nhà đất tại phòng công chứng. Đến ngày 2-2, thủ tục sang tên sổ đỏ hoàn tất, đến thời điểm này theo hợp đồng mua bán căn nhà, cô Thư còn thiếu bà Anh 6 tỷ đồng.
Bà Ngô Phương Anh trình bày vụ việc
Đến ngày 20-4, cô Thư đề nghị bà Anh cùng đến BIDV – Chi nhánh Tây Hồ - Phòng giao dịch D2 Giảng Võ để hoàn tất thủ tục sang tên sổ tiết kiệm cho bà Anh. Cô Thư có thỏa thuận là sẽ chuyển thêm 2 tỷ đồng vào sổ tiết kiệm của bà Anh. Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 20-4, hai bên có mặt tại Phòng giao dịch D2 Giảng Võ. Tại đây, bà Anh có gặp anh Chung (mặc áo giống đồng phục ngân hàng) và anh Phạm Thế Long (Giám đốc Phòng giao dịch D2 Giảng Võ). “Anh Long mượn CMND của tôi và của cô Thư để photocopy. Đồng thời anh Long đưa cho tôi 01 (một) tờ giấy trắng và yêu cầu tôi ký vào tờ giấy trắng đó với lý do là để xác nhận chữ ký có giống chữ ký mẫu tôi đã từng đăng ký tại ngân hàng hay không. Anh Long nói với tôi là thủ tục đã hoàn tất và hẹn tôi 8 giờ ngày 22-4 đến để nhận Sổ tiết kiệm”, bà Ngô Phương Anh kể.
Đúng hẹn, 8 giờ ngày 22-4, bà Anh cùng chồng và con gái có mặt tại Phòng giao dịch D2 Giảng Võ nhận sổ tiết kiệm. “Lúc đó, anh Chung chưa tới, anh Long có bảo tôi chờ anh Chung tới rồi sẽ hoàn tất thủ tục cho tôi. Trong lúc ngồi chờ anh Chung tới, vào lúc 8 giờ 50, tôi có làm thủ tục chuyển số tiền 100 triệu đồng cho con gái tôi vào Ngân Hàng HSBC chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Đến 9 giờ, anh Chung tới, anh Long có mời tôi ra quầy giao dịch phía trong cùng của dãy bàn giao dịch (không có giao dịch viên) rồi chính anh Long đề nghị tôi ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục cấp sổ tiết kiệm cho tôi. Anh Long đưa cho tôi 10 tờ giấy có tiêu đề “Giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung. Ngoài ra, có thêm 02 tờ giấy màu hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước thời hạn. Khi đi ra nhận sổ, tôi có đi qua quầy giao dịch đầu tiên và cô giao dịch viên yêu cầu tôi ký thêm 01 giấy nộp tiền nữa với lý do tôi ký thiếu 01 tờ. Tiếp đó, gia đình tôi qua bàn tiếp khách phía bên ngoài nhận sổ tiết kiệm từ anh Long đưa mang tên Ngô Phương Anh là 32 tỷ đồng có kỳ hạn gởi tiền là 03 tháng (bà Thư đóng thêm 2 tỷ đồng)”, bà Phương Anh kể tiếp.
Đến ngày 21-6, bà Anh nhận được tin nhắn của ông Chung với nội dung: “Cô ơi, cô gọi lại con nhé. Stk của cô ở Bidv đến hạn phải trả r ah”, “Stk ở Bidv của Cô ở ngoài này đến hạn phải trả rồi, cháu cho C Thư mượn tiền để làm sổ cho Cô, bjo đã đến hạn tất toán. C ra HN để làm thủ tục jup cháu, nếu tên của Cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống Ngân hàng, sau này không ai dám giao dịch với cô đâu”. Nghĩ rằng ông Chung nhắn nhầm số, nên bà Anh không hồi âm. Ngày 1-7, ông Chung vào Đà Lạt tìm bà Anh nhưng không gặp. Do nghi ngờ Sổ tiết kiệm có vấn đề, bà Anh nhờ người kiểm tra tài khoản trên hệ thống thì được biết sổ tiết kiệm của bà đã được rút toàn bộ vào ngày 22-4, chỉ trong vòng một buổi.
Nội dung tin nhắn của Chung gửi bà Anh
Ngày 9-9, bà Anh cùng luật sư đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ thì được biết ông Long đã chuyển đến công tác tại một chi nhánh khác; đồng thời được ông Thoại (Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ hiện tại) cung cấp toàn bộ chứng từ giao dịch mà bà đã ký vào ngày 22-4. “Tôi rất bất ngờ khi phát hiện tờ giấy trắng mà tôi ký đã biến thành “Giấy báo mất sổ”. Đồng thời, toàn bộ “Giấy nộp tiền” mà tôi ký là giấy nộp tiền vào nhiều tài khoản của nhiều người mà tôi không hề quen biết”, bà Anh bức xúc.
Theo bà Anh, ông Phạm Thế Long, Giám đốc Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, BIDV chi nhánh Tây Hồ chính là người chiếm đoạt số tiền 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà. Vì vậy, đã gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Đảm bảo quyền lợi của khách hàng
Liên quan đến vụ việc, chiều 23-9, BIDV đã đăng tải trên website của đơn vị thông cáo báo chí với nội dung: “Ngày 9-9-2016, khách hàng Ngô Phương Anh đã trực tiếp đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ đề nghị tất toán Sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đề nghị, đối soát với hồ sơ khách hàng hiện có, BIDV Tây Hồ nhận thấy một số dấu hiệu không khớp đúng trong các chứng từ giao dịch và lưu giữ giữa ngân hàng và khách hàng. Xét thấy sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng, BIDV đã thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc, báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.
Bìa sổ tiết kiệm của bà Anh
Ngày 12-9-2016, đại diện cơ quan Công an đã có cuộc họp với BIDV chi nhánh Tây hồ. BIDV chi nhánh Tây Hồ đã nỗ lực, tích cực phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ, nhanh chóng xác minh bản chất sự việc và giải quyết khiếu nại của bà Ngô Phương Anh.
Là một ngân hàng thương mại nhà nước có truyền thống lâu đời, có uy tín, BIDV khẳng định mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của khách hàng nói chung và của bà Ngô Phương Anh nói riêng luôn được đảm bảo. Sau khi có kết luận chính xác bản chất sự việc từ cơ quan chức năng, BIDV sẽ thông báo chính thức công khai, minh bạch theo đúng qui định của pháp luật đối với công ty đại chúng”.
Nam Viên