Mặt trái của TTIP

Trong khi giới chức hai bờ Đại Tây Dương quyết tâm thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thì cuối tuần rồi, số người châu Âu phản đối hiệp định này vừa bước qua cột mốc quan trọng mới khi đạt được hơn 1 triệu chữ ký để kiến nghị Ủy ban châu Âu (EC) từ bỏ hiệp định vốn gây nhiều tranh cãi.

Trong khi giới chức hai bờ Đại Tây Dương quyết tâm thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thì cuối tuần rồi, số người châu Âu phản đối hiệp định này vừa bước qua cột mốc quan trọng mới khi đạt được hơn 1 triệu chữ ký để kiến nghị Ủy ban châu Âu (EC) từ bỏ hiệp định vốn gây nhiều tranh cãi.

Khu vực thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hiệp ước kinh tế đầy tham vọng nhằm tạo ra một thị trường phi thuế quan cho khoảng 1 tỷ người tiêu dùng trên khắp một nửa địa cầu, từ Alaska (Mỹ) đến vùng Baltic. Các nghiên cứu dự báo TTIP sẽ chiếm gần 1/2 khối lượng thương mại toàn cầu và có thể mang lại 100 tỷ USD/năm cho các bên tham gia. Tuy nhiên, hơn một năm kể từ ngày khởi động vòng đàm phán đầu tiên và mặc dù đã đạt được nhiều tiến triển sau 7 vòng đàm phán, nhiều cuộc tranh luận phản đối TTIP vẫn tiếp tục cản trở đường đi đến một thỏa thuận (dự kiến vào năm sau) vì cho rằng nó chỉ mang lại lợi ích của các tập đoàn khổng lồ đa quốc gia và hủy hoại các tiêu chuẩn xã hội.

Báo Sputnik ngày 6-12 dẫn lời các chuyên gia nhận định, thỏa thuận sẽ giúp các tập đoàn nâng cao lợi nhuận mặc dù có tạo thêm nhiều việc làm, gây tổn hại cho môi trường, nới lỏng quy định an toàn thực phẩm, luật bảo mật kỹ thuật số và các biện pháp bảo vệ ngân hàng. Theo Scheherazade Rehman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU tại ĐH George Washington, TTIP còn tạo điều kiện cho các tập đoàn khởi kiện chính phủ khi họ được trao quá nhiều quyền lực. Thời gian qua, việc các nhà đầu tư nước ngoài đã kiếm hơn 30 tỷ EUR tiền bồi thường từ 20 chính phủ. EU đã làm gia tăng nỗi lo ngại vì các tập đoàn sẽ có quyền kiện chính phủ nhằm thay đổi chính sách công theo ý họ.

Vì vậy, các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ đã thành lập Liên minh Stop TTIP. “Một triệu chữ ký” là một phần của cái gọi là Sáng kiến của Công dân châu Âu (EIC) - gồm hơn 300 tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động đến từ 24 quốc gia - đề nghị EU hủy bỏ TTIP cùng với một thỏa thuận tương tự với Canada. Theo John Hilary, một thành viên của liên minh, việc Stop TTIP thu thập được hơn 1 triệu chữ ký trong một thời gian kỷ lục đã gây “không ít bối rối cho EC, bởi vì họ đã rất nhiều lần nỗ lực ngăn chặn bất kỳ sự tham gia nào của công dân trong khi hiệp định đang được thảo luận”. Mặc dù hồi tháng 9 vừa qua, EC đã phủ đầu bằng cách từ chối kiến nghị, cáo buộc mục đích nhằm ngăn cản cuộc đàm phán đang diễn ra là không hợp pháp, nhưng theo quy định của EU, khi một kiến nghị thu thập được hơn 1 triệu chữ ký, EC buộc phải xem xét lại chính sách và tiến hành một phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu.

Nhằm làm “sống lại” những cuộc đàm phán đang bị sa lầy vào một số vấn đề như sử dụng kháng sinh vào trong thực phẩm và thực phẩm biến đổi gien… Ủy viên Thương mại châu Âu CeciliaMalmstroem sẽ đến Washington trong tuần này để gặp đại diện thương mại Mỹ Michael Froman. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Michael Shank, trưởng nhóm chuyên gia về các vấn đề pháp lý thuộc Ủy ban Pháp luật Mỹ, sẽ có khó khăn bởi hiệp ước thương mại phi thuế quan toàn diện đầu tiên này lại không có sự tham gia của các nền kinh tế lớn thuộc nhóm nước đang phát triển.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục