Mặt trái SEA Games

Cha đẻ của SEA Games, ông Luang Sukhum Nagapradit, Phó Chủ tịch Olympic Thái Lan, nếu còn sống cũng không thể hình dung 52 năm sau, lớp hậu duệ đã biến ý tưởng của ông - ngày hội lớn của đại gia đình thể thao Đông Nam Á - thành nơi mà thể thao chân chính cùng sống chung với những toan tính đời thường. Nơi mà những ganh đua, tranh chấp không từ bất cứ một mánh khóe, thủ đoạn nào nhằm “giật” cho được tấm huy chương vàng từ tay đối phương bằng mọi giá.

Một đồng nghiệp, anh Zaini Bisri, gửi mail cho người viết: “Tôi không biết các đại hội trước như thế nào, nhưng nghe các bậc tiền bối thuật lại khi ấy thể thao đẹp lắm, thuần túy đua tranh về sức lực, trí tuệ và sự khéo léo, còn bây giờ thì…”. Anh đề cập đến chuyện võ sĩ Dian Kristanto môn Pencak Silat của Indonesia chạy trốn, núp sau lưng trọng tài, rồi cắn đối phương mà vẫn được công nhận thắng, đường hoàng lên bục nhận huy chương vàng. Bản thân cánh phóng viên Indonesia cũng bày tỏ sự tức giận đối với đội tuyển Pencak Silat nước họ và ban tổ chức.

Ăn gian để giành huy chương có nhiều cách và rất tinh vi. Trước đại hội là việc chen các môn thi lạ lẫm để tăng số huy chương vàng của nước chủ nhà, rồi loại được môn thi nếu có thể (như môn bóng đá nữ), bỏ bớt nội dung thi (như môn bắn súng) nhằm giảm tối đa số huy chương của đối thủ. Trong đại hội là thi nhau “cướp” huy chương vàng của đối thủ, bắt đầu từ các môn tính điểm đầy cảm tính, rồi sau đó là với các môn đối kháng có thông đồng với trọng tài.

Chuyện số lượng huy chương vàng của các nước chủ nhà tăng đột biến cũng là điều đáng nói. Tại SEA Games 20-1999, Malaysia chỉ đoạt 57 vàng, nhưng 2 năm sau trên sân nhà SEA Games 21-2001, họ vươn lên đầu bảng tổng sắp với 111 vàng. T

ương tự, Việt Nam tại SEA Games 21-2001 chỉ đoạt 33 vàng, nhưng 2 năm sau trên sân nhà tại SEA Games 22 đã đoạt đến 158 vàng, giành vị trí số 1. Chưa hết, Philippines chỉ có 49 vàng tại Việt Nam, nhưng về sân nhà tại SEA Games 24 – 2005, cũng nghiễm nhiên giành ngôi đầu bảng với 113 vàng.

Hay như đoàn Indonesia tại SEA Games 25 – 2009, đoạt 43 vàng, nhưng tại SEA Games vừa qua đã dễ dàng giành ngôi bá chủ, với số huy chương vàng chóng mặt 182 chiếc. Các nhà quan sát đang lo cho Myanmar, quốc gia đăng cai SEA Games 27 – 2013, hiện chỉ có 16 vàng, không biết họ sẽ làm cách nào để “tăng tốc” đoạt số huy chương vàng kỷ lục để đứng đầu đại hội trong 2 năm nữa.

Ai cũng biết chơi trên sân nhà quen thuộc, trước sự cổ vũ của khán giả nhà là lợi thế rất lớn, dễ thăng tiến thành tích. Thế nhưng, để tạo ra số huy chương vàng áp đảo, sự vượt trội đến không ngờ là điều không thể, nếu không có sự trợ giúp của kiểu ăn gian có hệ thống và kỳ tích chỉ có ở SEA Games. Một đại hội thể thao từ lâu đã bị biến dạng và không còn sự trong sáng, ý nghĩa cao đẹp như người sáng lập ra nó cách đây nửa thế kỷ. 

MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục