Ngày 16-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Myanmar, quốc gia đang thu hút được nhiều sự quan tâm lớn trên thế giới sau khi có những cải cách mạnh mẽ. Thêm một lần nữa, chuyến đi nhằm củng cố quan hệ với một quốc gia châu Á cho thấy chính sách hướng Đông của Nga ngày càng được thể hiện rõ.
Thị trường giàu tiềm năng
Theo Đài tiếng nói nước Nga, ông Lavrov sẽ có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Myanmar Wanna Maung Lwin và hội kiến Tổng thống Myanmar Thein Sein. Tại các cuộc đàm phán ở Naypyidaw, 2 bên sẽ thảo luận lịch trình các cuộc tiếp xúc song phương trong thời gian tới và một loạt vấn đề trong khu vực và quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga cho biết chiếm vị trí ưu tiên trong các vấn đề bàn thảo là kinh tế, thương mại và hợp tác đầu tư. Ngoài ra, trong chương trình nghị sự, Nga và Myanmar cũng sẽ xem xét việc hợp tác trong ngành công nghiệp năng lượng, khai thác nguyên liệu thô, vận tải, viễn thông và du lịch.
Chuyến thăm của ông Lavrov lần này cho thấy Nga không hề muốn chậm chân trong việc trở thành đối tác với một đất nước giàu tiềm năng như Myanmar. Trước Nga, Mỹ đã thể hiện rõ sự quan tâm của mình với quốc gia Đông Nam Á khi cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác với Myanmar trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến quân sự. Trang tin điện tử Myanmar Times ngày 14-1 dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Inhofe cho biết các công ty dầu khí của Mỹ đã sẵn sàng đổ tiền đầu tư vào Myanmar. Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban công chính và môi trường Thượng viện Mỹ đưa ra tuyên bố trên sau khi có cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein ngày 9-1. Theo ông Inhofe, các công ty của Mỹ rất ấn tượng với tiến trình cải cách tại Myanmar và tin tưởng có thể góp phần phát triển kinh tế Myanmar trong thời gian tới.
Không chỉ có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và rất nhiều các quốc gia khác đang mong chờ những cái bắt tay từ phía Myanmar. Vì vậy, chuyến thăm của ông Lavrov mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chỗ đứng của Nga tại Myanmar.
Hướng phát triển tất yếu
Đến Myanmar lần này, Ngoại trưởng Nga còn cho thấy Mátxcơva đang từng bước hiện thực hóa chính sách hướng Đông của mình. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga vào tháng 12-2012, Tống thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Trong thế kỷ 21, hướng phát triển của Nga là phía Đông”.
Hiện chiếm 1/2 kim ngạch thương mại của Nga là châu Âu, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đang có xu hướng giảm đi theo từng năm, cộng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nga ưu tiên hướng Đông là đương nhiên. Mátxcơva đặt ra nhiệm vụ đa dạng hóa nền kinh tế, ít phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, ít nhất 50% ngoại thương của Nga phải chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Hơn nữa, hướng Đông còn giúp Đông Siberia và Viễn Đông tham gia vào quan hệ kinh tế để phát triển vùng xa xôi này của Nga. Vùng Viễn Đông của Nga có nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác. Làm sao để phát triển được kinh tế của khu vực luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mátxcơva.
Năng lượng là một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế Nga. Đến nay, Mátxcơva chủ yếu thực hiện chính sách năng lượng của mình hướng về các nước châu Âu và thu được hàng chục tỷ USD/năm nhờ xuất khẩu dầu khí. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga và châu Âu nảy sinh khá nhiều mâu thuẫn như hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của Nga. Chính vì vậy, Mátxcơva đã hướng tới việc xuất khẩu năng lượng của mình sang các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, những thay đổi về địa chính trị, rồi chính sách của Mỹ cũng dịch chuyển về châu Á, buộc Nga cũng phải có những thay đổi phù hợp với tình hình thế giới nhiều biến động hiện nay.
ĐỖ CAO (tổng hợp)