Máy bay quân sự Trung Quốc lại khiêu khích trên biển Đông

Cuối tuần qua Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom và máy bay quân sự khác đến biển Đông, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Máy bay quân sự Trung Quốc lại khiêu khích trên biển Đông

Cuối tuần qua Trung Quốc đã đưa máy bay ném bom và máy bay quân sự khác đến biển Đông, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Tiếp tục diễu võ giương oai

Theo nhật báo The Wall Street Journal, lực lượng không quân Trung Quốc cho một số máy bay bao gồm cả máy bay ném bom H-6K và máy bay chiến đấu Su-30 tuần tra không phận phía trên bãi cạn Scarborough nơi mà Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền.

Người phát ngôn lực lượng không quân Trung Quốc cho biết cuộc tuần tra của lực lượng này là “để tăng cường khả năng chiến đấu đối phó với các mối đe dọa”. Các máy bay tuần tra bao gồm máy bay cảnh báo sớm, trinh sát và tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu Su-30. Các cuộc diễn tập máy bay diễn ra cùng lúc với việc kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm tên lửa phòng không.

Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Đông, tương tự như họ đã làm tại biển Hoa Đông vào năm 2013. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẽ xem việc thiết lập một khu vực như vậy trên biển Đông là hành động “khiêu khích và gây mất ổn định”.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc bay trên biển Đông

Bắc Kinh phật lòng

Trung Quốc đã yêu cầu Singapore tôn trọng quan điểm “phớt lờ” phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc hy vọng Singapore “có thể duy trì một vị trí khách quan và công bằng là điều phối viên trong quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Singapore và quan hệ Trung Quốc - ASEAN phát triển và ổn định”.

Sở dĩ có tuyên bố này là vì trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, Thủ tướng Lý Hiển Long đã được Mỹ đón tiếp trọng thị và Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu làm Bắc Kinh phật lòng. Tờ Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cho rằng Thủ tướng Lý Hiển Long ca ngợi Tổng thống Obama cũng như ca ngợi cả chiến lược “Xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ và công bố tất cả các nước Đông Nam Á chào đón chính sách này. Với phán quyết của PCA, theo tờ báo này, Thủ tướng Singapore hiểu rằng, các nước lớn muốn bảo vệ lợi ích của họ và đó là lý do tại sao “một số quốc gia không nhất thiết muốn giải quyết các tranh chấp thông qua PCA”.

Răn đe Singapore

Tờ Hoàn cầu thời báo cho rằng, Singapore phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ để bảo vệ an ninh, nhưng đồng thời không muốn mất lòng Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. “Nếu Singapore hoàn toàn đứng về phía Mỹ” thì Trung Quốc sẽ không khoan dung vì “lòng khoan dung của chúng tôi cũng cần phải có giới hạn”, tờ báo viết. Và vì thế, theo tờ báo này, Singapore không thể đóng vai trò chủ động giúp Mỹ và các nước Đông Nam Á chống lại Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Tờ Hoàn cầu thời báo không quên phán xét rằng: “Singapore có thể giúp Mỹ tái cân bằng chiến lược ở châu Á nhưng điều đó sẽ hướng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, qua đó cho phép Mỹ khống chế không gian chiến lược của Trung Quốc”. Thời báo Hoàn cầu tự rút ra bài học cho Singapore khi nêu: Hòa bình và ổn định là cực kỳ quan trọng với Singapore. Trong trường hợp này, Singapore nên cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ và không đứng về phía Mỹ để làm tăng thêm sự mất lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ”. Tờ báo còn đưa ra ví dụ của Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-8 đến Singapore, xem đó là hành động làm “tăng căng thẳng” ở biển Đông.

Theo AP, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold của hải quân Mỹ ngày 8-8 đã ghé thăm quân cảng Thanh Đảo, tỉnh Liêu Ninh, nơi hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc đóng quân. Tàu USS Benford đã tổ chức diễn tập phát và nhận tín hiệu với hải quân Trung Quốc. Phát biểu với báo chí, trung tá hải quân Mỹ Just L. Harts cho biết, chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ với hải quân Trung Quốc, đồng thời đề nghị các phóng viên chuyển những câu hỏi liên quan đến căng thẳng ở biển Đông đến Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục