Ngày 24-4, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt sụt giảm do lo ngại khu vực châu Âu khó có khả năng vượt qua khủng hoảng nợ công cũng như thoát khỏi cảnh suy thoái kinh tế trong năm 2012. Mây xám đã bao trùm khu vực châu Âu sau chấn động chính trị tại Hà Lan và những thông tin từ Tây Ban Nha, Anh và Pháp gây thất vọng cho giới đầu tư.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ngày 23-4, đã từ chức sau khi chính quyền Amsterdam - từng ủng hộ chính sách thắt chặt tài chính mạnh mẽ nhất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) - đã thất bại khi không thể đi đến thống nhất cắt giảm ngân sách 14 tỷ EUR. Việc Hà Lan thất bại trong đàm phán ngân sách, đứng trước nguy cơ bầu cử trước thời hạn và có thể bị đánh tụt hạng tín nhiệm “vàng” AAA (như cảnh báo của Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch) sẽ khiến phần còn lại của châu Âu “đứng ngồi không yên”. Đơn giản vì đây là một trong những nước giàu đảm nhận phần đóng góp chính vào quỹ cứu trợ cho các nước nghèo ở châu Âu.
Khi Hà Lan trở thành nỗi lo mới của eurozone, thì tại Pháp, F. Hollande - ứng cử viên cánh tả của Đảng Xã hội Pháp, nhân vật đã từng hứa sẽ chấn chỉnh lại hiệp ước ngân sách của châu Âu, dẫn đầu vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp và có khả năng trở thành tổng thống Pháp trong cuộc đua vòng hai, báo hiệu một chiều hướng thay đổi chính trị tại châu Âu, nơi đang bị chia rẽ do cuộc khủng hoảng nợ.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở eurozone lại bắt đầu leo thang. Cách đây vài ngày giới chuyên gia nhận định, Tây Ban Nha đang trở thành một Hy Lạp thứ hai khi nước này xác nhận các khoản chi phí vay mượn ngắn hạn hiện đã cao gần gấp đôi so với tháng trước. Nếu chi phí vay mượn tiếp tục tăng, lúc đó Tây Ban Nha sẽ không trả được nợ - một khó khăn từng buộc Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp phải tìm kiếm các khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU).
Nhà kinh tế Mark Zandi của Tập đoàn Moody nhận định nếu Tây Ban Nha sụp đổ, lúc đó toàn bộ khu vực đồng EUR sẽ tan vỡ, mặc dù đến nay Tây Ban Nha dường như ở vị thế mạnh hơn Hy Lạp do có nền kinh tế cạnh tranh và chuẩn bị bán 86 tỷ EUR nợ năm nay.
Không còn lạc quan, nước Anh cũng đang đối mặt với một cuộc chiến ngay trong nội bộ khi mà kế hoạch cắt giảm 10 tỷ bảng Anh chi tiêu phúc lợi của chính phủ đang bị Ủy ban Lao động và Hưu trí phản đối kịch liệt. Hôm nay, 25-4, người dân Anh sẽ biết đất nước của họ đã rơi vào suy thoái hay chưa sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố số liệu tăng trưởng GDP của quý 1 năm 2012.
Sự suy yếu kinh tế của khu vực châu Âu dường như đang đẩy nhanh tốc độ. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các khoản nợ quốc gia vẫn đang tăng bất chấp các biện pháp thắt lưng buộc bụng của các nước thành viên. Mặc dù 17 nước đã giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP trong năm 2010, xuống còn 4,1% trong năm 2011, tổng nợ trong khu vực vẫn tăng 1,9 điểm phần trăm, lên đến 87,2% GDP.
Có thể thấy đây là thời điểm châu Âu gặp phải quá nhiều điều bất ổn và châu lục này tiếp tục là tâm điểm chú ý trên thị trường. Với diễn biến này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dường như châu Âu còn lâu mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.
Xuân Hạnh