
(SGGPO). - Trước vụ việc gói thầu số 4 do Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế 6 bệnh viện tuyến huyện gồm: Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai trang bị máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 xuất xứ Đức nhưng trong ruột có nhiều linh kiện Trung Quốc không đảm bảo chất lượng dẫn tới một số máy phải “đắp chiếu” sau ít năm sử dụng, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với cơ quan CSĐT điều tra Công an thành phố Hà Nội quyết định vào cuộc để làm rõ vụ việc này.
Bước đầu cơ quan chức năng làm rõ, Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản (địa chỉ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu cung cấp 6 máy phân tích sinh hóa tự động Greiner GA 240 xuất xứ Đức, có giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy theo gói thầu số 4 cho 6 bệnh viện huyện trên. Tuy nhiên, Công ty CP Xuất nhập khẩu khoáng sản lại không phải là đơn vị nhập khẩu trực tiếp máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 từ Đức mà là do Công ty TNHH Bình Mai (ở quận Đống Đa, Hà Nội) mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội vào ngày 1-6- 2010 để nhập khẩu. Không chỉ có vậy, cơ quan điều tra xác định máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 đã được mua bán lòng vòng, khiến giá đội lên đến 648 triệu đồng/chiếc, gần gấp đôi giá nhập khẩu trên giấy tờ.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện, trong hồ sơ liên quan đến lô máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 có 2 giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp cùng một số 5087 nhưng lại khác ngày cấp, cho thấy có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước.
Theo đó, vào ngày 2-8-2010, bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế lúc đó) đã ký giấy phép 5087 cho phép nhập khẩu các thiết bị mới 100%. Thế nhưng, trước đó 2 tháng vào ngày 1-6-2010, Công ty TNHH Bình Mai đã mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, nhập khẩu lô hàng gồm 6 chiếc máy trên với giá nhập khẩu tổng cộng 2,147 tỷ đồng. Như vậy, Công ty TNHH Bình Mai đã nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế khi chưa được cấp giấy phép. Do đó, hiện cơ quan chức năng đang điều tra xem có mối liên hệ nào từ vụ nhập khẩu máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240 với những vụ nhập khẩu trái phép các thiết bị y tế cũ trong thời gian qua không. Về phía Bộ Y tế cho biết sẽ có công văn gửi Công an Hà Nội đề nghị làm rõ vụ việc có hay không việc giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước để nhập thiết bị y tế.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức cho thấy, cả 2 bệnh viện đều được trang bị máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240, hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH, xuất xứ Đức. Qua kiểm tra giấy tờ, hồ sơ pháp lý về máy xét nghiệm là đầy đủ, hợp lệ. Quá trình sử dụng máy, cả 2 bệnh viện đều có phân công cán bộ quản lý, vận hành máy.
Tuy nhiên từ cuối năm 2013, cả 2 máy cùng bị hỏng bóng đèn halogen, chưa xử lý được nên phải đắp chiếu. Đặc biệt, khi tiến hành mở máy để kiểm tra một số bộ phận nhất định trong máy xét nghiệm sinh hóa ở 2 bệnh viện trên đã phát hiện trong máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ đều ghi nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc, 1 quạt gió ghi nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện khi các máy này bị hỏng, đáng lẽ bệnh viện phải gọi đơn vị cung cấp máy đến sửa chữa, bảo dưỡng vì đơn vị cung cấp máy khi đấu thầu có quy định thay thế linh kiện, sửa máy trong vòng 10 năm nhưng cả 2 bệnh viện này đều không liên hệ được với đơn vị cung cấp máy mà lại đi liên hệ với đơn vị cung cấp hóa chất xét nghiệm đến sửa máy. Điều này dẫn tới quá trình bảo trì, bảo dưỡng máy móc của 2 bệnh viện như vậy đều không đúng quy định và nghi ngờ trong vụ việc này có hành vi mang lợi ích cá nhân !?.
Tiếp đó trong các ngày từ ngày 28 đến 31-7, đoàn liên ngành tiếp tục kiểm tra tại 4 bệnh viện còn lại là Thanh Oai, Phú Xuyên, Vân Đình và Quốc Oai. Qua kiểm tra cho thấy, về giấy tờ, hồ sơ của 4 máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 đầy đủ, xuất xứ Đức.
Về quản lý, sử dụng máy cho thấy có lý lịch máy, nhật ký sử dụng máy; quá trình bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng ghi chép chưa đầy đủ, đơn vị bảo dưỡng không phải là đơn vị cung cấp máy. Cả 4 chiếc máy cũng có một số linh kiện bên trong có xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam như 2 chiếc máy ở bệnh viện Thường Tín và Hoài Đức. Trong số 4 chiếc máy này đang có 2 máy không hoạt động là máy của bệnh viện Vân Đình đang trong qua trình bảo trì-bảo dưỡng và máy của bệnh viện đa khoa Quốc Oai bị đứt cáp.
Trước sự việc này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, chấn chỉnh ngay những tồn tại. Tăng cường quản lý và thực hiện đúng các quy định về sử dụng trang thiết bị y tế để sử dụng có hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Giám đốc các bệnh viện được thụ hưởng các trang thiết bị y tế trong gói thầu 4 tiến hành tổng rà soát các trang thiết bị y tế, kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế theo đúng quy định.
Gói thầu số 4 này sử nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án.
| |
MINH KHANG
>>Máy xét nghiệm vỏ Đức, ruột Trung Quốc