(SGGPO).- Cơ quan động vật hoang dã Malaysia cho biết, đã bắt được một con tê giác Borneo Sumatra cái để cho giao phối với một con tê giác đực khác, trong chương trình nhân giống nhằm cứu loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Theo AP, các quan chức Bảo vệ động vật hoang dã Malaysia đã mất hơn 3 năm mới tìm được “người bạn đời thích hợp” cho chú tê giác có tên “Tam”. Tam được cứu sống ở bang Sabah vào năm 2008, khi đang lang thang trong một đồn điền dầu cọ với đôi chân tập tễnh có thể do trúng bẫy của thợ săn.
Cá thể tê giác đầu tiên được phát hiện trước Tam đã không thể “làm bố” do quá “lớn tuổi”.
“Nàng” tê giác vừa bị bắt giữ có tên gọi “Puntung”, được Cơ quan Bảo vệ động vật hoang dã Sabah theo dõi trong nhiều năm qua.
"Đó là món quà tuyệt vời cho trận chiến khó khăn của chúng tôi trong việc bảo đảm sự sống còn của loài động vật rất độc đáo này”- Người đứng đầu dự án nhân giống tê giác Sumatra nói và cho biết, đây là cơ hội cuối cùng để cứu loài này, một trong các hình thức cổ xưa nhất của loài động vật có vú. Chương trình nhân giống được tiến hành trong khu bảo tồn rừng Sabah.
Suốt quá trình theo dõi, các nhà động vật học không thấy bất cứ một con tê giác nào khác đến gần Puntung, vì thế có thể khẳng định có rất ít cơ hội để thấy loài tê giác này sinh sản trong tự nhiên.
Tuyên bố không tiết lộ chính xác Puntung hiện bao nhiêu năm tuổi, nhưng Tam đã sống hơn 20 năm.
Tê giác Borneo Sumatra là một phân loài của tê giác Sumatra, là loài tê giác nhỏ nhất thế giới với chiều cao đến vai chỉ khoảng 120cm.
Các nhà Bảo vệ động vật Malaysia khẳng định, hiện chỉ còn dưới 40 cá thể tê giác Sumatra (có tên khoa học là Dicerorhinus sumatrensis) sống hoang dã trong các cánh rừng trên đảo Borneo.
Đăng Hưng