Mẹ của em ở trường…

Chị nghỉ hưu, về quê chăm mẹ chồng, đâu có được nghỉ ngơi, bởi chị đang ôm bầy con cả trăm đứa kia mà! Ở quê chồng, theo thứ của anh, dân quê gọi chị là chị Năm. Chị làm giám đốc một ngôi trường nuôi dạy rất nhiều trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, bệnh Down, bại não… 

Vượt qua mọi khó khăn, gần 5 năm qua, chị âm thầm xây dựng trung tâm trở thành trường dạy trẻ khuyết tật với sĩ số 144 học sinh ở năm học 2019-2020.

1. Vẫn cái cổng chào không mấy nổi bật trong sáng khai giảng năm học 2019-2020; vẫn là hàng cau xanh ngát như trong thơ Hàn Mạc Tử, tất cả dường như muốn ôm trọn cái trung tâm nho nhỏ tại huyện Nghĩa Hành, nơi nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật dân lập đầu tiên và hiện cũng là duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Trên thân cau khẳng khiu đầu ngõ, có gắn biển thông báo viết bằng phấn: “Xin mỗi phụ huynh khi đưa con nhập học quyên góp một… bao phân chuồng (đã ủ mục) để tăng gia sản xuất”.

Ở vùng đất đi qua chiến tranh và đầy bão tố này, việc duy trì một trung tâm nuôi trẻ mồ côi - khuyết tật của Nhà nước đã là khó; huống hồ đây chỉ là một cơ sở tư mà còn “bao biện” mọi thứ, từ dạy chữ, dạy nghề, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, công việc tương lai cho trẻ thiếu may mắn. Ấy vậy mà, qua từng năm, từng năm, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đã có sĩ số lên đến 144 học sinh.

Chị cũng gầy như thân cau, tần tật lo toan nhiều thứ, từ tiếp khách, chỉ đạo giáo viên, chăm trẻ múa hát mừng khai giảng, cảm ơn từng người đến hỗ trợ đến khản giọng. Khi gặp lãnh đạo địa phương, chị tâm sự rằng “cũng phải chọn lựa suy tính nhiều”, vì sau chiến tranh Quảng Ngãi có hơn 7.500 trẻ khuyết tật do cha mẹ nhiễm chất độc da cam, hầu hết phải ở nhà vì tỉnh cũng chỉ có một trung tâm chính quy chuyên biệt.

Thêm nữa, ở đây khuyết tật còn là gánh nặng khi gia đình các em còn phải mưu sinh, nên cái “tha thiết” được học, được vươn lên của trẻ càng bức bách; mà sức chị - một phụ nữ ngoài 60 tuổi, thì có hạn.

Mẹ của em ở trường… ảnh 1 Chị Nguyễn Thị Thu Hà cùng lãnh đạo BCH Bộ đội Biên phòng TPHCM xem sản phẩm các em ở trung tâm làm ra
Khi được hỏi vì sao lấy tên của trung tâm là Võ Hồng Sơn mà không là một nhân vật hay địa danh nào khác, chị nói cái tên này là tưởng nhớ một người mà chính nhờ động lực đó, nó giúp chị bươn chải nuôi dạy các cháu nhỏ nơi đây thành nhân.

Cũng có thể chọn nhiều tên để đặt cho trung tâm, nhưng chọn tên người con của đất Nghĩa Hành để làm tên cho trung tâm, lấy tên riêng của một người để đặt cho cái nơi mà gia đình họ đã tận hiến đất cho Nhà nước làm trung tâm, vẫn tốt hơn; và với cái tên ấy, với tình thương các em, dù có lao nhọc đến cỡ nào, chị vẫn cam làm…

Chị nói đến đây, tôi mới nhớ có lần đã lâu, ông xã chị có kể, khi chị còn làm lãnh đạo, có hôm anh điện thoại lúc 19 giờ, hỏi: “Sao em chưa về ăn cơm?”. Đầu dây bên kia trả lời: “Em họp chưa xong, còn xử lý tờ trình…, em đói lắm mà chưa về nhà được, anh ăn trước đi”. Ông xã chị là anh Võ Hồng Sơn, khi ấy là Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nay đã mất. Chúng tôi hiểu khi nhắc đến tên anh, dù khó khăn dường nào, chị vẫn sẽ chu toàn cho các mầm non tội nghiệp ở trung tâm mang tên anh, nhà báo Võ Hồng Sơn!

Một vòng thăm trung tâm, chúng tôi ngạc nhiên vì hầu hết cán bộ chủ chốt của trung tâm đều đến từ ngành LĐ-TB&XH TPHCM. Thì ra là bởi quý kính chị, họ đều rời thành phố, đến Nghĩa Hành cùng chị, trên khoảng sân ngập tràn hương cau này… 

Cô giáo Trương Thị Hồng Duyên nói: “Mỗi năm, chị tất tả vận động nhiều nơi ở TPHCM, Quảng Ngãi, Tây Ninh… để trung tâm nuôi dạy miễn phí trẻ khuyết tật. Ngoài khu học tập, trung tâm còn có khu nhà ăn, khu nhà ở, bể bơi (dùng cho trẻ khuyết tật vận động), vườn rau, nhà để xe, khu xưởng nghề, nên các em có điều kiện sản xuất, có chi phí học tập. Mà không phải “hô là có”, mỗi công trình đều hình thành qua từng năm, tháng theo sự đóng góp của nhiều đơn vị như Saigon Co.op, Bộ đội Biên phòng TPHCM, Ngân hàng MB, Tổng Công ty Điện lực TPHCM…”.

Gặp một nhân viên trung tâm khác, chúng tôi bắt chuyện thì bất ngờ khi em lại ra dấu “thủ ngữ”, kể tên mình là Phạm Thị Cẩm Lệ (29 tuổi). Cha mất sớm, mẹ đau bệnh liên miên nên khi đến trung tâm thì Lệ được các giáo viên nơi đây cho học nghề may công nghiệp. “Tốt nghiệp” xong, Lệ được giữ lại làm nhân viên, có công ăn việc làm ổn định và giờ đang giúp lứa em khuyết tật kế tiếp. Lệ đỏ hoe mắt khi nghe chúng tôi nhắc đến tên chị, người đã cho em cuộc sống ấm êm và tràn đầy ý nghĩa nhân văn của ngày hôm nay. Lệ ra dấu: “Mẹ”!

Chúng tôi hỏi chị vì sao “góp các bao phân chuồng”, thì chị giải thích: Qua công tác vận động phụ huynh, dù chỉ là bao phân nhỏ, cũng chính là việc thực hiện nghị quyết mà chi bộ Đảng nơi đây đề ra: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Luôn yêu thương và tận tâm trong công tác nuôi dạy các em nhằm nâng kết quả học tập của học sinh. Giúp các em từ trong cuộc sống cô đơn, biệt lập trước đây thành những học sinh - tuy khuyết tật - nhưng thật sự hòa nhập với tập thể, từng bước tiếp thu các kiến thức và kỹ năng, có lòng yêu thương con người, biết đóng góp cho tập thể và biết lao động tự giác…”.

Mà thực sự là qua lao động phù hợp, trẻ có sự tiến bộ về kiến thức và kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ; học sinh có ý thức tự phục vụ bản thân, tự giác trong lao động và còn biết chăm bạn yếu hơn.

2. Chúng tôi được quen biết chị từ khi chị còn làm lãnh đạo ở TPHCM, với biết bao sự việc, con người, công trình, địa phương… chỉ chờ chị quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ. Mọi người biết chị với phong cách giản dị, với lòng yêu thương con người, “rất nông dân” với việc nuôi heo, trồng lan, nuôi bò, thả cá sau giờ hành chính. Và hôm nay, chắc cũng không ai quá bất ngờ khi chị ngoài tác phong một lãnh đạo trung tâm, còn xắn tay vào chăn nuôi trồng trọt, với mong muốn tăng thêm chất cho bữa ăn học sinh nghèo.

Rời xa chức vụ xưa sau khi hoàn thành một cách tốt nhất, giờ mở sổ ra, thấy chị lại “chi li” với các báo cáo rất mong manh, như dáng vẻ gầy gò của chị: “Trung tâm vừa cải tạo khu vườn rau sạch, hiện đang nuôi 40 con heo, 95 con gà thịt. Đã trồng rau lang, rau muống, rau dền, mồng tơi, hành, hẹ, mướp, bí, khổ qua… dư cung cấp cho bếp ăn và thỉnh thoảng cũng bán rau để đổi thức ăn khác cho các cháu (300kg rau các loại)”!

Lại nhớ những ngày chị tham gia quyết định chủ trương trị giá hàng trăm tỷ đồng để chăm lo công nhân nghèo TPHCM được dùng điện đúng giá; nhớ những chỉ đạo của chị với chính quyền liên quan cuộc sống của hàng vạn nông dân các huyện ngoại thành; cả những chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, hạn hán, đồng bào gặp khó khăn ở mọi miền đất nước. Thì nay, trông cảnh chị “ky cóp” từng đồng tiền để lo lương, chế độ cho giáo viên; xoay vần với những bữa cơm sạch - ngon - nhưng phải rẻ cho hàng trăm miệng ăn mỗi ngày, mới thấy bản chất yêu thương con người ở chị chính là lẽ sống của chị.

Thực tế đã cho thấy rõ, từ một nữ kỹ sư hóa học, khi đất nước cần, chị đầu quân làm chiến sĩ công an ở một phường nhiều tệ nạn ở quận 11. Gần dân, thương dân, chị được tin tưởng giao dần nhiều nhiệm vụ quan trọng ở quận, trọng trách ở thành phố.

Có những con người vóc dáng nhỏ bé thôi, nhưng ý chí, uy tín của họ đủ xây dựng một nơi có thể gọi là “mái ấm ước mơ” cho trẻ khuyết tật như chị. Đó là điều không dễ làm cho dù có “tiền muôn bạc vạn”.

Báo cáo năm học vừa qua 2018-2019 cho thấy điều đó: “Trung tâm có tổng số 11 lớp, trong đó lớp khiếm thính có 56 em, lớp khó khăn về văn hóa có 57 em, hầu hết đều thuộc diện nghèo và cận nghèo. Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trung tâm gồm 37 người, Chi bộ có 6 đảng viên, 100% cán bộ giáo viên nhân viên luôn học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, cùng chung tay nâng niu, chia sẻ, đùm bọc để các cháu được sống trong tình yêu thương của gia đình và xã hội; bảo đảm quyền trẻ em, quyền được hưởng hạnh phúc của trẻ kém may mắn”.

Sau Đại hội X Đảng bộ TPHCM, có lần chị tâm sự với chúng tôi “lần này ra Trung ương chị xin rút, anh P., anh T. trách chị vì không nghe mấy ảnh ở lại làm tiếp. Nhưng nay chị tuổi đã cao, để các anh em trẻ hơn có cơ hội, chị chỉ muốn nghỉ ngơi về Quảng Ngãi chăm mẹ chồng”.

Vậy là chị về quê thật, chăm mẹ chồng thật, nhưng đâu có được nghỉ ngơi. Bởi chị đang ôm bầy con cả trăm đứa kia mà! Ở quê chồng, chị theo thứ của anh, gọi là chị Năm Hà, người dân TPHCM thì nhớ chị với cái tên Tám Hà, Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Tin cùng chuyên mục