Với lợi thế từ nông dân, lao động đến các bậc trí thức thượng lưu cũng đều thích thú đến say mê loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, do vậy, đờn ca tài tử bây giờ không chỉ dành riêng cho những mặc khách tao nhân, cùng đem lời ca tiếng nhạc trỗi lên khúc tơ lòng… Đờn ca tài tử đã đi vào các tụ điểm ca nhạc, hát với nhau, khu du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn.
Đờn ca tài tử vào du lịch
Chiếc ca nô đưa chúng tôi tham quan cù lao An Bình, một khu du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn của huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long. Cù lao An Bình khá rộng lớn, có đến 4 xã, nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, quanh năm màu nước sông đỏ hoạch phù sa màu mỡ, vun bồi cho những vườn cây trái xanh bạt ngàn thêm trĩu cành tươi tốt.
Chiếc ca nô len lỏi qua những con rạch chằng chịt như mê cung, mọi người như hòa mình vào hương thơm thoang thoảng, tinh khiết mà nồng nàn của hoa nhãn, hoa xoài giữa thiên nhiên trong lành. Chợt đâu đây trong gió văng vẳng tiếng đàn réo rắt len qua từng khe lá, lan tỏa mênh mang trên mặt nước rồi đọng lại trên từng dề rau trôi bồng bềnh, mang đến cho người nghe cái cảm giác mơ hồ đầy quyến rũ. Ai nấy cũng tâm đắc lắng nghe. Người hướng dẫn du lịch cho biết, đó là tiếng đờn ca tài tử phát ra từ một điểm du lịch phục vụ du khách tham quan.
Cù lao An Bình có 2 khu du lịch là Vinh San, Trường An và 18 điểm du lịch, nơi đâu cũng không “bỏ quên” bộ môn đờn ca tài tử, một sinh hoạt độc đáo mang đậm nét văn hóa miệt vườn. Tiếng đàn lời ca réo rắt mượt mà như lời mời gọi chân chất níu chân khách phương xa nán lại, khó đành lòng bước đi.
Hát để còn được hát
Chúng tôi ghé vào điểm du lịch Cai Cường tại ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước. Dàn nhạc ở đây rất phong phú, có đủ các tay đàn ghi ta phím lõm, cò, nhị, độc huyền và đàn tranh. Trong số du khách có nhiều người nước ngoài, ngồi từng nhóm quanh chiếc chiếu hoa, vừa nhâm nhi những món đặc sản miệt vườn vừa thưởng thức văn nghệ. Mở đầu chương trình đờn ca tài tử là giọng hát của một cô gái mặc áo bà ba duyên dáng, xinh đẹp, giọng hát dịu dàng, quyến rũ, say đắm người nghe, với một lớp Đoản khúc lam giang. Tiếp theo là những bản vọng cổ hấp dẫn, thu hút người nghe đến ngẩn ngơ. Cuối cùng là một trích đoạn trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng.
Sau khi chương trình đờn ca tài tử chấm dứt, tôi lân la làm quen với anh Thành Điềm, một thành viên trong ban nhạc, anh tâm sự: “Nhóm đờn ca tài tử chúng tôi có 7 người, vừa bưng bê, phục vụ nhưng khi khách có yêu cầu thưởng thức đờn ca tài tử chúng tôi phục vụ ngay. Theo quy định của chủ, thời gian văn nghệ khoảng nửa giờ, du khách muốn thưởng thức thêm, chúng tôi sẵn sàng, khách “bo” bao nhiêu tùy hỷ, chúng tôi không yêu cầu thêm bớt. Khoản thù lao này là nguồn thu nhập chính của chúng tôi, vì lương tháng mỗi người chỉ có 1,5 triệu đồng”. “Với những tiết mục quen thuộc, suốt ngày cứ hát đi hát lại, liệu anh chị có chán, làm mất đi sự hứng thú trong biểu diễn?”, nghe tôi hỏi, anh Thành Điềm ngẫm nghĩ giây lát, ngập ngừng trả lời: “Ngày xưa, khi chúng tôi còn sinh hoạt đờn ca tài tử ở xóm ấp, làng xã, mỗi lần họp mặt hát với nhau là hát say sưa bằng cả trái tim và tiếc nuối khi cuộc vui qua mau, đêm đã tàn, sương xuống lạnh.
Còn bây giờ cũng sinh hoạt đờn ca tài tử nhưng nó đậm chất cơm áo gạo tiền, hát vì cuộc sống, hát để mình còn được hát. Cho nên, theo tôi những người phục vụ đờn ca tài tử tại các điểm du lịch họ hát chủ yếu là khoe chất giọng, cách luyến láy cao xuống thấp để… khẳng định vị thế của mình. Còn thả hồn vào từng lời ca, tiếng đờn cũng đôi khi, nhưng hiếm lắm. Vì chúng tôi bây giờ như một công chức được giao đờn ca. Sáng 9 giờ có mặt, chiều 3 giờ về. Hôm nào có đoàn khách ngủ đêm, yêu cầu phục vụ đờn ca tài tử thì chúng tôi có mặt”. Có một đoàn khách ra về, trước khi đến phụ với đồng nghiệp dọn dẹp bàn ghế, anh hát vui một câu gọi là tạm biệt: “Họ nghệ sĩ ta cũng là nghệ sĩ, nhưng ta là nghệ sĩ miệt vườn”.
Tài sản văn hóa phi vật thể
Tiếp tục cuộc hành trình đến với đờn ca tài tử Tây Nam bộ, chúng tôi tìm đến Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nơi đang phát triển du lịch sinh thái miệt vườn rất mạnh, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử theo đó cũng nở rộ khắp nơi, trở thành món hấp dẫn nhất trong “thực đơn” không thể thiếu vì có khả năng gọi mời du khách rất hiệu quả.
Anh bạn đồng nghiệp hướng dẫn chúng tôi đến điểm du lịch vườn Vàm Xáng, có khuôn viên hơn 3 mẫu vườn cây trái đủ các loại, mùa nào trái nấy gây thích thú với người đến chơi. Nơi phục vụ ăn uống và văn nghệ đờn ca tài tử ngay giữa vườn cây bóng mát, dọc hai bên là con mương nước xăm xắp, nuôi nhiều cá tôm lội lúc nhúc, ai thấy cũng trầm trồ thích thú.
Cạnh bàn chúng tôi đã có một tốp nhậu lừng khừng, mọi người đang hối thúc chủ quán tiếp tục bày ra món mới: đờn ca tài tử. Chủ quán xởi lởi: “Quý khách chờ cho 10 phút là có ngay”. Mọi người nháo nhào tỏ ý không hài lòng, chủ quán phân bua: “Do nơi này có nhiều điểm du lịch vườn mà các CLB đờn ca tài tử còn mỏng nên phải phân chia ra, ai cần thì gọi là họ tới liền. Hơn nữa, thời buổi kinh tế thị trường, mình mà bao thầu nguyên một ê kíp đờn ca tài tử coi chừng không đủ tiền trả, vì có những ngày quán vắng khách mà lương của họ vẫn tính đủ. Cho nên, không quán nào dám độc quyền một đội nhóm đờn ca tài tử”.
Đúng 10 phút sau, có một nam chở đàn cùng với âm thanh cồng kềnh phía sau xe và một nữ cùng đi hai xe Honda tới. Cô gái khá xinh xắn, dáng thon thả, tóc dài chấm ngang lưng, cười lúm đồng tiền duyên dáng. Cô vội lên tiếng giới thiệu ngay: “Em tên là Xuân Tiên, còn anh đờn là Ngọc Báo. Hôm nay, xin các anh thông cảm, chỉ có hai chúng em đến phục vụ vì CLB của chúng em đang “chạy sô” cho nhiều quán, lực lượng phải chia mỏng mới đáp ứng yêu cầu của nhiều khách”.
Một người trong bàn nhậu hưng phấn đứng lên, đến quàng vai cô gái thân mật như quen lâu lắm rồi: “Vậy thì anh với em song ca bài vọng cổ Chợ mới. Tiếng đàn rộn rã trỗi lên, hai người đứng cạnh bàn nhậu hát liền, tha hồ khách mộ điệu vỗ tay reo hò. Vô tình cả bàn nhậu đều trở thành nghệ sĩ, ai cũng tranh hát chung với cô gái. Tội nghiệp cô đào chính phải thủ vai độc diễn suốt mấy giờ liền và phải thuộc nhiều bài hát, ai yêu cầu bài nào là hát bài đó liền, cho đến lúc tiệc tàn, mệt bơ phờ.
Ông Năm Liền, chủ quán văn nghệ đờn ca tài từ Vàm Xáng, nét mặt đầy tâm đắc: “Dù trình diễn trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn được sự yêu mến, thích thú của mọi người, đặc biệt là du khách nước ngoài. Họ cho rằng đờn ca tài tử vừa lạ vừa độc đáo. Họ khẳng định đờn ca tài tử là tài sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý báu, không chỉ của miền Tây Nam bộ mà của Việt Nam”.
Bài 3: Tiếng hát thương hồ
NGUYỄN TƯỜNG LỘC - THƯ NAM
- Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Tiếng ca vùng Miệt Thứ