Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Hối hả về đích

Những ngày cuối năm, trên công trình tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), công nhân vẫn hối hả làm việc bù lại thời gian thi công chậm hoặc tạm dừng do dịch. 
Công nhân tất bật làm việc trên công trường
Công nhân tất bật làm việc trên công trường

Tại công trường nhà ga Trung tâm Bến Thành (trước chợ Bến Thành và một phần Công viên 23-9, quận 1, TPHCM) sáng 31-12, trước khi bắt tay vào việc, từng tốp kỹ sư, công nhân và người lao động xếp vòng tròn để chỉ huy trưởng công trường phổ biến quy tắc an toàn lao động.

Kỹ sư trưởng Vũ Hoàng Hải, phụ trách giám sát thi công nhà ga Bến Thành, cho hay, để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, hàng trăm công nhân, kỹ sư làm việc 3 ca. Tổng thể nhà ga đã hoàn thành cơ bản, hiện đang hoàn thiện các lối vào. Về phần kiến trúc và cơ điện, cố gắng hoàn thiện bàn giao cho chủ đầu tư nhà ga Bến Thành giữa năm nay. Hiện tại gói thầu 1a đang thi công 2 hạng mục chính là kiến trúc và cơ điện, phấn đấu 2 hạng mục này hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư vào giữa năm.

Trên tuyến Metro số 1, từ nhà ga trung tâm Bến Thành kết nối ngầm qua ga Nhà hát Thành phố rồi đến nhà ga Ba Son nằm sát bờ sông Sài Gòn, dài 2,6km. Đường hầm đã hoàn thành và những thanh ray cho tàu chạy đã lắp đặt hoàn chỉnh. Theo thiết kế, tàu có vận tốc trong đường ống ngầm là 80km/giờ và trên cao là 120km/giờ. Một hệ thống điều độ hiện đại ở trung tâm sẽ giám sát, điều độ, cảnh báo việc di chuyển của tàu trên toàn tuyến.

Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng, tầng B1 là nơi đặt các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, nhà vệ sinh), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Từ tầng B1 hành khách sẽ di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng B3 được thiết kế là tầng kỹ thuật. Việc đi lại giữa các tầng khi đi tàu được thiết kế thuận tiện cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi bật dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, còn có thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng. 

Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Bùi Xuân Cường chia sẻ, tất cả các gói thầu xây lắp đang ngày đêm tất bật thi công. Để thích ứng với tình hình mới, công trường đã không còn tiếng nói chuyện rôm rả của công nhân. Thay vào đó, mọi người đều tuân thủ giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện và bảo đảm nguyên tắc 5K phòng chống dịch Covid-19. Sắp tới, nhà thầu sẽ tiếp tục huy động thêm nhân lực để đáp ứng tiến độ công việc. Với tiến độ này, MAUR hy vọng các gói thầu xây dựng sẽ cơ bản hoàn tất vào giữa năm 2022. 

Ngoài ra, đối với gói thầu lắp đặt trang thiết bị sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tăng tốc thi công lắp đặt hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 95% khối lượng dự án trong năm nay, hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành và tiến tới vận hành khai thác cuối năm 2023.

Đưa vào sử dụng 10 dự án giao thông phục vụ tết

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Lương Minh Phúc cho biết: Từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2022, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án giao thông phục vụ người dân tham gia lưu thông.

Cụ thể, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương, quận Bình Tân); dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội; dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức; công viên Thanh Đa đoạn 1.4; cầu Cây Da; mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười (đoạn quốc lộ 22 - Phan Văn Hớn); cầu Hang Ngoài; kè chống sạt lở sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn; nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước đường HL11 (đoạn từ Đinh Đức Thiện đến hết ranh xã Hưng Long, huyện Bình Chánh).

Tin cùng chuyên mục