Mía đường và bài toán cung cầu

Việc Chính phủ cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường và chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành nhập khẩu đường sao cho phù hợp một lần nữa gây ra sự phản ứng từ những nhà sản xuất đường trong nước.
Mía đường và bài toán cung cầu

Việc Chính phủ cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường và chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành nhập khẩu đường sao cho phù hợp một lần nữa gây ra sự phản ứng từ những nhà sản xuất đường trong nước.

Người dân mua đường cát tại cửa hàng bình ổn thị trường ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đã tính đến lượng đường nhập lậu?

Trước tình trạng các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm (sữa, nước giải khát, bánh kẹo…) và kể cả nhà máy đường tinh luyện có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu gặp khó khăn trong việc mua đường, không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Bộ Công thương đã đề xuất nhập khẩu 200.000 tấn đường. Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng với lượng đường tồn kho hiện nay là 416.000 tấn, nếu nhập khẩu 100.000 tấn như chủ trương, cộng thêm lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai (30.000 tấn), chưa kể 85.000 tấn đường phải nhập hàng năm theo cam kết với WTO chưa thực hiện, khả năng thời gian tới có thể dư thừa 200.000 tấn đường. Ông Phạm Quang Minh, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho rằng việc cân đối cung cầu hiện nay chưa tính đến lượng đường nhập lậu. Mặc dù một số trùm buôn đường lậu ở đồng bằng sông Cửu Long đã bị sa lưới, lượng đường nhập lậu có suy giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt vấn nạn trên, năm nay con số này cũng không thể dưới 200.000 tấn (thời kỳ còn các trùm buôn đường lậu là khoảng 500.000 tấn). Nếu lượng đường nhập lậu này không tính vào nguồn cung trong cân đối nhu cầu tiêu dùng cả năm dễ dẫn đến đánh giá không chính xác lượng đường thiếu hụt, khi đã cho nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung trong nước bị dư thừa. Lúc đó, giá đường giảm xuống, ảnh hưởng lớn đến đời sống người trồng mía. Bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường cồn Vạn Phát (Hậu Giang), đặt câu hỏi: “Tại sao không tạo điều kiện cho ngành đường phát triển mà phải nhập đường, khi mà lượng đường tồn kho hiện nay trên 400.000 tấn và niên vụ mía đường 2016-2017 ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu trong thời gian tới?”. Bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường 1, nêu thắc mắc rằng đến nay vẫn chưa thực hiện 85.000 tấn đường theo cam kết với WTO. Nếu lượng đường này được nhập khẩu thì không xảy ra tình trạng như hiện nay để Bộ Công thương kiến nghị cho nhập thêm đường bổ sung. Vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị, cần cân đối rõ giữa nguồn cung và cầu để quyết định, cũng như cân nhắc thời điểm phù hợp trước khi Nhà nước cho nhập khẩu 100.000 tấn đường, để không ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến mía đường trong nước.

Con dao 2 lưỡi

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, với vai trò quản lý và điều hành, việc cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường là nhằm đảm bảo cho thị trường trong nước được ổn định. Được biết, Bộ Công thương vẫn chưa cấp phép nhập khẩu số đường mà Chính phủ đồng ý. Ngành mía đường, nhất là các DN, cần xem lại khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận có chuyện DN mía đường và cả DN kinh doanh găm hàng trong kho khi thấy giá đường trên thị trường tăng lên, làm cho giá đường bị sốt ảo mới chịu bán ra để kiếm lời nhiều hơn. Đây chính là điều khiến các DN chế biến thực phẩm có lý do để đề nghị nhập khẩu đường từ nước ngoài, vì không thể mua đủ số lượng cần thiết cho sản xuất. Có thể nói, tình trạng này là con dao 2 lưỡi với cả ngành mía đường, không thể vì lợi nhuận trước mắt để dẫn đến tình trạng hiện nay và đây không phải lần đầu xảy ra chuyện này, gây tác động ngược lại với sản xuất mía đường trong nước.

Để trụ vững và phát triển căn cơ trước xu thế hội nhập, bản thân ngành mía đường phải tái cơ cấu lại toàn ngành, cả về quy hoạch vùng nguyên liệu, giống, thủy lợi và cơ giới hóa, trong đó, lấy chi phí và giá thành là tiêu chí để đánh giá khả năng cạnh tranh. Nếu thu nhập mía dưới 30 triệu đồng/ha/vụ sẽ khó có thể cạnh tranh với cây trồng khác, chưa nói đến cạnh tranh các nước khi hội nhập. Cái khó của toàn ngành là các chỉ tiêu về năng suất, chữ đường chưa như kế hoạch đề ra. Mía là cây trồng có sự gắn kết chặt chẽ nhất giữa người sản xuất nguyên liệu với DN chế biến thông qua hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Nhưng hạn chế của các vùng nguyên liệu này là mamh mún, nhỏ lẻ hay có độ dốc khá cao nên khó có thể cơ giới hóa khi lao động nông thôn ngày càng khan hiếm.

Trong khi đó, vùng mía nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long (nơi có năng suất mía cao nhất nhờ có nước tưới, khoảng 80 tấn/ha) lại chưa có sự gắn kết giữa hai bên. Vì vậy, khu vực này cần phối hợp để phân chia vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh giành lẫn nhau. Việc xác định chữ đường cũng là vấn đề quan trọng, chưa có tổ chức độc lập trực tiếp thực hiện hoặc giám sát; người bán mía chưa yên tâm về sự minh bạch, vì những số liệu kiểm chữ đường do phía nhà máy đường thẩm định và cung cấp. Vấn đề thất thoát sau thu hoạch vẫn còn khá cao. Năng suất mía bình quân khi thu hoạch trên đồng ruộng hơn 64 tấn/ha, khi về nhà máy chỉ còn 56 tấn. Sự chênh lệch do thu hoạch mía khi đã quá chín, hoặc thu hoạch xong chưa được đưa vào chế biến ngay, hay chặt không sát gốc… làm tiêu hao nguyên liệu chế biến. Chữ đường bình quân cũng thấp so thực tế 9,54ccs. Vì vậy, nhà máy đường cần chủ động tổ chức với người trồng mía bố trí cơ cấu  giống chín, rải vụ hợp lý để thu hoạch kịp thời khi mía chín, thay vì thu hoạch đồng loạt rồi để chờ thu hoạch hay chờ vận chuyển vào nhà máy, làm cho chất lượng mía bị giảm xuống.

Trong niên vụ 2016-2017, tổng diện tích mía được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 239.100ha, tăng so vụ trước 1.630ha. Cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 163.200 tấn mía/ngày. Theo kế hoạch, sản lượng mía ép là 13,7 triệu tấn, sản lượng đường 1,52 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 800.000 tấn. Nhưng theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, con số này mới là kỳ vọng. Chưa có cơ sở cho rằng sản lượng hay chữ đường niên vụ tới sẽ tăng, trong khi diện tích mía ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ cao hơn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, năng suất và chất lượng mía phải tăng ít nhất 10% so với vụ trước. Vì vậy, theo nhận định của Bộ NN-PTNT, vấn đề cung - cầu và giá đường niên vụ tới nhiều khả năng cũng sẽ căng thẳng nếu không kịp thời khắc phục những hạn chế vừa qua.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục