Mía đường và lợi ích cục bộ

Như Báo SGGP đưa tin, đường sản xuất trong nước tồn kho khá lớn, các nhà máy đường không đủ tiền để mua mía của dân, dẫn đến tình trạng mía trên đồng bị trổ cờ, giảm chất lượng. Theo dự báo, năm nay lượng đường sản xuất trong nước đạt khoảng 1,4 triệu tấn, cao hơn nhu cầu tiêu dùng và chế biến khoảng vài trăm ngàn tấn. Vậy mà các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm có sử dụng đường vẫn đăng ký với Bộ Công thương để được nhập khẩu 268.000 tấn đường!
Mía đường và lợi ích cục bộ

Như Báo SGGP đưa tin, đường sản xuất trong nước tồn kho khá lớn, các nhà máy đường không đủ tiền để mua mía của dân, dẫn đến tình trạng mía trên đồng bị trổ cờ, giảm chất lượng. Theo dự báo, năm nay lượng đường sản xuất trong nước đạt khoảng 1,4 triệu tấn, cao hơn nhu cầu tiêu dùng và chế biến khoảng vài trăm ngàn tấn. Vậy mà các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm có sử dụng đường vẫn đăng ký với Bộ Công thương để được nhập khẩu 268.000 tấn đường!

Lý giải vấn đề này, một DN chế biến thực phẩm sử dụng đường cho biết, giá đường trong nước luôn bấp bênh, đầu vụ và cuối vụ có thể chênh lệch 4.000 đồng/kg, trong khi đó giá đường các nước lại ổn định nên ít DN tiêu thụ số lượng lớn yên tâm, tin tưởng vào lượng cung cấp trong nước. Một DN khác cho rằng, trong nước có nhiều nhà máy sản xuất đường nhưng lượng đường RE chất lượng cao rất ít nên khó tìm nguồn cung trong nước đạt số lượng và chất lượng ổn định.

Giá đường nhập khẩu thấp hơn giá đường trong nước gần 3.000 đồng/kg so với giá đường các nhà máy bán ra là 17.000 đ/kg. Không những vậy, khi mua đường của các nhà máy phải trả trước 50% giá trị lô hàng trong khi nhập khẩu chỉ phải đưa trước 10% khi mở tín dụng thư (L/C). Hiện cả nước có khoảng 40 DN chế biến đường mà có tới hàng trăm DN tiêu thụ đường lớn nên nhiều DN tiêu thụ đường không đồng tình với những biện pháp bảo hộ ngành đường trong nước. Không thể vì lợi ích cục bộ mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng.

Thu hoạch mía tại huyện Bình Chánh. Ảnh: KIM NGÂN

Thu hoạch mía tại huyện Bình Chánh. Ảnh: KIM NGÂN

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, lượng đường RE sản xuất trong nước mỗi năm khoảng 500.000 – 600.000 tấn, đủ sức đáp ứng nhu cầu các DN sản xuất nước giải khát, bánh kẹo…

Mấu chốt vấn đề là các DN xin nhập khẩu chỉ vì lợi ích riêng, muốn nhập khẩu để hưởng lợi, nhất là khi giá đường nhập khẩu rẻ hơn trong nước. Vấn đề ở đây là xuất phát từ cơ chế. Việt Nam gia nhập AFTA đã chọn những dòng thuế thấp, có những ưu đãi với DN mua từ nước ngoài, giá nhập khẩu cộng với thuế suất ưu đãi trong khi DN Việt Nam phải chịu lãi suất cao hơn 10% so với các DN đường ở nước ngoài nên mất khả năng cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, lượng cung có thể tính được nhưng không tính được lượng đường nhập lậu. Ngược lại, lượng cầu cũng không tính được nhu cầu thực tế. Bộ Công thương chỉ dựa vào những năm trước và đăng ký của các DN, vì vậy cả nhà quản lý và nhà sản xuất cùng lúng túng.

Thời gian qua, một số DN sử dụng số lượng đường lớn ký hợp đồng với nhà cung cấp, điều này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đường trong chế biến thực phẩm. VSSA mong muốn các DN sử dụng đường cung cấp nhu cầu cụ thể hơn để từng bước chấm dứt tình trạng nhà chế biến thực phẩm không mua được đường, nhà sản xuất đường không bán được hàng.

Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để gắn 2 lĩnh vực này lại với nhau tạo thành một chuỗi liên kết ngành hàng mía-đường-thực phẩm. Bởi với ngành mía đường, không chỉ có hơn 40 DN chế biến đường hoạt động mà đằng sau nó là hàng triệu lao động và gia đình của họ sống nhờ vào cây mía. Như hiện nay, mía giảm giá, khó tiêu thụ, chính bà con nông dân là người chịu thiệt.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục