Do nắng nóng, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đã yêu cầu các đơn vị không được cắt điện để sửa chữa khi nhiệt độ ngoài trời từ 360C trở lên. Tuy nhiên, những ngày qua, do thời tiết nóng bức, lượng điện tiêu thụ tăng đột biến nên tại một số khu dân cư đã xảy ra sự cố quá tải lưới điện, cúp điện cục bộ. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội, cho biết, trong những ngày nắng nóng, EVN Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc không được để xảy ra các sự cố về điện do nguyên nhân chủ quan, liên tục theo dõi tình trạng vận hành của các thiết bị qua hệ thống đo xa. EVN Hà Nội cũng khuyến cáo người sử dụng điện trên địa bàn Hà Nội cần phải sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả bằng những việc làm cụ thể.
Cùng với đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở Hà Nội tăng đột biến, từ 1,2 triệu m³ lên 1,4 triệu m³/ngày đêm. Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, để bảo đảm cấp nước sạch ổn định cho người dân, sở đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch phải rà soát và xây dựng các kịch bản, gắn với giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các sự cố nhanh nhất, đặc biệt là tình huống vỡ tuyến ống. Trường hợp tuyến đường ống này gặp sự cố thì thời gian sửa chữa, khắc phục không được kéo dài quá 10 giờ và trong 1 ngày phải cấp nước ổn định trở lại cho người dân.
Thời tiết nắng nóng cũng khiến số người phải nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều khoa phòng điều trị trở nên đông đúc, ngột ngạt. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận trên 2.000 trẻ, trong đó chủ yếu bị ho, sốt, viêm phổi, viêm phế quản và viêm não... do thời tiết nắng nóng gây ra. Trong khi đó, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân cao tuổi phải cấp cứu cũng tăng khoảng 50% so với bình thường với nhiều trường hợp bị đột quỵ, tai biến não, sốt nhiệt, viêm phổi, cảm cúm. Còn tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến da tăng khoảng 20%, thậm chí có nhiều trường hợp bị cháy da, bỏng nắng do ảnh hưởng của tia cực tím (UV).
Để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật trong những ngày cao điểm nắng nóng, Bộ Y tế và các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (12 - 16 giờ hàng ngày) nếu không có việc cần thiết. Khi phải ra ngoài trời nắng nóng, cần có phương tiện, dụng cụ để tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Nếu phải làm việc ngoài trời, mỗi người cần phải tự tạo điều kiện bảo hộ tốt, có yêu cầu kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, chủ động sắp xếp công việc cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Cùng với đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời. Nếu mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh… Người dân nên tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng cường vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều và tối 10-6, không chỉ tại Hà Nội và một số tỉnh thành ở miền Bắc mà nhiều nơi tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ cũng xuất hiện mưa dông, giúp giảm nhiệt do nắng nóng kéo dài. Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (hạn ngắn) của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đợt mưa dông ở miền núi phía Bắc vẫn còn tiếp diễn trong ngày 11-6 nhưng nắng nóng lại nhanh chóng quay trở lại ở đồng bằng Bắc bộ và miền Trung, kéo dài tới ngày 13-6 thì chấm dứt hoàn toàn ở miền Bắc và đến ngày 15 hoặc 16-6 thì kết thúc ở miền Trung. |