Từ rất lâu rồi, những cuộc đối đấu giữa bóng đá Huế với bóng đá Đà Nẵng bao giờ cũng nóng và quyết liệt. Chỉ cách nhau một ngọn đèo Hải Vân thế mà đã biết bao sự kiện lẫn sự cố xảy ra mỗi khi Huế gặp Đà Nẵng và ngược lại. Bây giờ, cổ động viên lẫn giới chức của hai đội lại hồi hộp chờ đợi trận Derby miền Trung ấy…

Trận đấu đầu tiên giữa Huế và Đà Nẵng ở hạng đội mạnh là vào mùa giải vô địch quốc gia năm 1995. Khi đó, Đà Nẵng là một đội bóng mạnh, có vai vế, còn Huế là tân binh ngỡ ngàng ở giải vô địch quốc gia. Thể thức thời bấy giờ với quy định không hòa và sau 90 phút bất phân thắng bại phải đá luân lưu khiến hai đội đã căng nhau càng căng hơn. Sức nóng hầm hập trên sân và cả trên khán đài. Đúng là một trận chiến một mất, một còn.
Năm ấy, lượt đi trên sân Chi Lăng, Huế thua Đà Nẵng sau loạt luân lưu. Sau trận đấu ấy, nhiều khán giả Huế vừa khóc trước cái thua của đội nhà lại vừa không có đường về bởi sự quá khích của khán giả Đà Nẵng.
Trận lượt về trên sân Tự Do, Huế nung nấu một cuộc rửa hận. Một nhóm cổ động viên quá khích của Huế còn làm cái việc đi lùng sục những chiếc xe mang biển 43 vượt đèo Hải Vân ủng hộ đội đối phương để “rửa hận”. Cao trào trước trận đấu lên cao khiến Công an Huế phải nhận lệnh bằng mọi giá đảm bảo can thiệp những manh động ở trong và ngoài sân giữa hai nhóm cổ động viên đẩy nhiệt trận đấu lên quá sớm.
Đội hình của Đà Nẵng lúc đó có đủ các danh thủ như Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Phan Công Thìn, Nguyễn Phan Hoài Linh, Nguyễn Phương Trung... Còn Huế là một dàn cầu thủ trẻ như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Phan Văn Hòa, Dương Công Quốc, Lê Minh Sỹ Hùng, Hoàng Đình Nghĩa... Đà Nẵng vào thế ông lớn trong khi đội bóng Cố đô lại lạnh lùng với một ông thầy giàu chinh chiến là cố HLV Ninh Văn Bảo.
Trận đấu đã căng như dây đàn ngay từ tiếng còi khai cuộc. Trên sân cầu thủ tranh chấp quyết liệt. Trên khán đài khán giả cũng cổ vũ cuồng say. Lợi thế sân nhà và có thể lực tốt hơn đã giúp các cầu thủ chủ nhà chơi có phần lấn lướt. Pha tranh chấp ấn tượng nhất và làm nóng cầu trường sân lòng chảo Tự Do chính là cú huých vai của trung vệ to cao Lê Minh Sỹ Hùng của chủ nhà Huế làm cho tiền đạo kỳ cựu Lê Văn Sinh bay ra khỏi đường biên.
Trận đấu kết thúc với bàn thắng của Trần Quang Sang (nay là HLV phó) đã mang lại niềm vui ngất ngây cho khán giả Cố đô.
Một trận Derby miền Trung đúng nghĩa cho dù chất lượng chuyên môn của trận đấu không cao. Sau trận đấu ấy, một tờ báo của Đà Nẵng còn giật tít “Thiện ơi, sao ông ác thế!” vì cay cú cho rằng trọng tài này đã nghiêng cán cân cho chủ nhà.
Mùa bóng năm 1999- 2000, Huế đã có trận đấu khai mạc giải trên sân nhà và đối thủ là Đà Nẵng. Một lần nữa các cầu thủ Cố đô đã biết cách vượt qua kỳ phùng địch thủ bằng một lối chơi quả cảm. Hai bàn thắng của Phan Văn Hòa và Nguyễn Đức Dũng đủ để đội bóng Cố đô tự tin khi trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá quốc gia.
Nhưng không khí thực sự của trận Derby miền Trung lại diễn ra ở trận lượt về trên sân Chi Lăng sau khi khán giả Huế vượt đèo vào Đà Nẵng. Một trận cầu quá nóng không chỉ vì thời tiết của mùa hè mà vì quyết tâm của đội bóng Sông Hàn đòi lại món nợ lượt đi. Một phóng viên của báo Huế đặt cái tít thật rùng rợn: Mang núi Ngự Bình lấp sông Hàn, nước sông Hương nuốt Ngũ Hành Sơn…
Trận đấu hôm ấy đã vỡ vụn vì tiếng còi và vì cầu thủ hai đội lo “đấu” nhau. Đà Nẵng đã được công nhận một bàn thắng từ cái tay của Lê Nguyên Hưng. Sau bàn thắng ấy, Lê Đức Anh Tuấn, đã bị đuổi khỏi sân vì phản đối trọng tài. Trần Quang Sang chỉ mặt trọng tài phản ứng gay gắt trong khi Lê Trọng Thành Trung đá bóng lên khán đài để phản ứng ban tổ chức...
Sau trận đấu HLV Nguyễn Đình Thọ đã viết đơn kiện trọng tài lên ban tổ chức còn HLV Trần Văn Phúc của Đà Nẵng thì bức xúc phát biểu: “Giữa chọn việc phải thắng Huế bằng mọi giá và việc trụ hạng thì các anh (chỉ các lãnh đạo bóng đá Đà Nẵng và lãnh đạo địa phương - NV) chọn cái nào?”.
Bây giờ, Huế lại có trận đấu đầu tiên trên sân nhà khi trở lại hạng chuyên nghiệp với Đà Nẵng. Có thể vị thế của hai đội bóng bây giờ đã không còn như xưa khi Đà Nẵng đã là một “đại gia” còn Huế chỉ là tân binh của V- League.
Chưa biết tướng Đoàn Phùng sẽ “binh” kiểu gì khi vòng 1 ông bị lên án là tử thủ để cưa điểm với đương kim vô địch nhưng bất thành, nhưng chắc chắn đấy sẽ là trận đấu nóng cả trên sân lẫn khán đài và sân Tự Do sẽ lại ngập kín người hâm mộ với hàng loạt banderole truyền thống.
Kinh nghiệm trận mạc của HLV Đoàn Phùng sẽ đối đầu với làn gió mới của bộ đôi Phan Thanh Hùng - Lê Huỳnh Đức nhưng chắc chắn sức nóng và tính chất của trận Derby miền Trung sẽ không bao giờ phai.
NGUYỄN NGUYÊN – PHI TÂN
KHÔNG THỂ KHÔNG NÓNG ! Đã 3 mùa giải rồi người hâm mộ Đà Nẵng cũng như Huế không được sống trong không khí của trận derby Hải Vân đầy kịch tính và nóng bỏng hàng đầu trong những trận derby của bóng đá Việt Nam. 3 mùa giải không gặp nhưng điều đó không làm cho người hâm mộ của 2 đội bóng này mất đi “cảm giác” và ngay khi H.Huế giành quyền lên hạng, họ đã nghĩ ngay tới trận đấu này và háo hức chờ đợi hơn cả một trận chung kết bởi đó là trận đấu không thể bỏ qua.
Ở thời điểm này, H.Huế khó sánh với các đàn anh đi trước cũng như thua hẳn đối thủ về mặt lực lượng nhưng tinh thần thì chắc chắn không suy giảm chút nào. Có một điều rất lạ ở các cầu thủ Huế cũng như Đà Nẵng là bao giờ họ cũng bước vào trận derby này với tất cả sức lực, tinh thần mà mình có. Họ “đốt” tất cả cho trận đấu này với mục tiêu duy nhất “không được thất bại” cho dù đá trên sân khách hay sân nhà.
Trước trận đấu, Đà Nẵng là đội được đánh giá cao hơn về nhiều mặt, lại vừa giành trọn 3 điểm trong ngfay ra quân để lấy tinh thần nhưng H.Huế cũng không vừa. Đây sẽ là trận đấu đầu tiên của H.Huế tại V-League 2007 trước khán giả nhà, hơn nữa, ở trận ra quân họ đã trắng tay nên mục tiêu kiếm điểm càng là cơ sở để H.Huế vào cuộc với quyết tâm cao nhất bởi H.Huế cũng không còn con đường nào khác. Chặng đường trước mắt thầy trò HLV Đoàn Phùng quá gian nan, do đó những trận đấu trên sân nhà sẽ là cơ hội để H.Huế vớt vát điểm số nếu không muốn bị chìm quá nhanh khi giải chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.
Đà Nẵng cũng rất cần một trận thắng để khẳng định vị trí số 1 của mình ở dải đất miền Trung, qua đó tiếp thêm sức mạnh cho những trận đấu tiếp theo và thắng để thỏa lòng mong mỏi của cổ động viên Đà Nẵng: có thể không vô địch nhưng không được thua Huế. Và cho dù phần nhiều cầu thủ không sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng khi bước vào trận đấu này, chứng kiến sự nóng lòng của hàng trăm khán giả nhà vượt đèo ra cổ vũ, họ sẽ hiểu trận derby này có ý nghĩa như thế nào đối với người hâm mộ.
Hàng trăm, hàng ngàn người hâm mộ Đà Nẵng đã lên kế hoạch vượt đèo bằng đủ mọi phương tiện để có thể góp mặt trên khán đài sân Tự Do vào chiều 10-3. Người hâm mộ Huế cũng không kém cạnh và họ đã rất sẵn sàng với vai trò đội chủ nhà. 2 ngày trước trận đấu, Hội cổ động viên TT-Huế đã chính thức ra mắt. Điều đó cho thấy không khí ở Huế cũng như Đà Nẵng đã rất nóng bỏng với chỉ một đề tài duy nhất: trận đấu giữa H.Huế với Đà Nẵng.
HOÀNG NGUYÊN