Lượng mưa tại Trà My (Quảng Nam) là 116mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 139mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 96mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 78mm, Nha Trang (Khánh Hòa) 83mm…
Tại Bình Định, Phú Yên, từ đêm 28 đến ngày 29-12, tại 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên đang tiếp tục có mưa lớn diện rộng. Mưa lớn kéo dài khiến các hồ chứa nhỏ và vừa đã vượt sức chứa, một số hồ buộc phải xả tràn gây ra “lũ kép”, cô lập vùng dân cư thấp, trũng; hàng ngàn hécta lúa, rau màu,… của người dân vừa mới xuống giống cũng đang đứng trước nguy cơ hư hại hết, buộc phải gieo sạ lại lần 3.
Tại Phú Yên, từ chiều 28-12, hồ Đồng Tròn (xã An Nghiệp) đã vượt sức chứa nên buộc phải xả tràn để điều tiết, lưu lượng xả gần 9,6m3/giây. Mưa lớn, kết hợp với các hồ xả tràn khiến vùng hạ du lũ lên nhanh. Nước sông lên nhanh, kết hợp với các hồ, đập đang xả tràn tạo “lũ kép” nhanh chóng nhấn chìm nhiều vùng dân cư, đường giao thông, đồng ruộng phía hạ du các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân…
Tại xã An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), đến chiều 29-12, trời vẫn mưa như trút. Nhiều đồng lúa, rau màu, dâu tằm,… của người dân vừa mới gieo sạ lại đang đứng trước nguy cơ bị hư hại, cuốn trôi. Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, thở dài: “Cơn lụt trước, tại ruộng dâu tằm An Hòa, lũ đã cuốn phăng 10 tấn dâu giống, 7ha dâu đang trong giai đoạn thu hoạch lá. Trong khi bà con đang đốn dâu cây để chuẩn bị trồng lại thì bị lũ cuốn trôi hết, mất giống. Những gốc cây cũ đang tiếp tục nảy mầm, đang chờ lớn để lấy giống, cũng đang thoi thóp dưới mưa. Năm nay lũ đến quá muộn. Gần tết rồi vẫn còn lũ…”.
Ngày 30-12, thời tiết miền Trung rất xấu, mưa to tiếp diễn, mở rộng ra tận Nghệ An, Hà Tĩnh; riêng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50 - 120mm/24giờ, có nơi trên 200mm/24giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến ngày 3 và 4-1-2019. Từ nay đến 4-1-2019, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Do mưa lớn trong những ngày vừa qua, tại khu vực QL 27C, thuộc đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã xảy ra nhiều điểm sạt lở. Đến khoảng 14 giờ 30 ngày 29-12, một lượng lớn đất đá từ trên núi bất ngờ sạt lở, tràn xuống tuyến QL 27C (đoạn Km57+850), gây chia cắt giao thông hoàn toàn. Ngay sau khi phát hiện sạt lở, các nhà thầu đang túc trực trên đèo Khánh Lê đã nhanh chóng huy động lực lượng, thiết bị đến dọn nhưng đến 22 giờ cùng ngày vẫn chưa thông tuyến hoàn toàn. QL 27C dài hơn 120km, nối TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đoạn qua đèo Khánh Lê cao 1.700m, dài 33km. Tuyến đèo uốn lượn qua nhiều vách núi, khúc cua gấp, vách đá cao và vực sâu đến 300m.
Do tình hình thời tiết tại khu vực còn diễn biến phức tạp, hiện lực lượng quản lý, thi công, bảo trì đường bộ được yêu cầu túc trực tuyến đường đèo 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu khi có sự cố sạt lở. Ngoài ra, Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cũng cảnh báo các phương tiện di chuyển trên đường cần chú ý quan sát, thực hiện đúng các biển báo, chỉ dẫn để đảm bảo an toàn.
Còn ở Bắc bộ, trong ngày 29-12, nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, rét hại trên diện rộng. Tại Hà Nội, nhiệt độ cao nhất chỉ còn 10 - 120C và sẽ giảm còn 7-80C vào ngày 30 và 31-12. Chiều 29-12, không khí lạnh cũng đã tràn vào tới Trung Trung bộ. Từ đêm 29 và trong ngày 30-12, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Nam Trung bộ.
Về vùng áp thấp hoạt động ngoài khơi, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, chiều 29-12, tâm áp thấp nhiệt đới đã di chuyển vào khu vực miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo ngày 30-12, tâm áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, đến chiều 30-12 sẽ nằm cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 430km về phía Đông Đông Nam; cách đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) khoảng 760km về phía Đông Đông Bắc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng, di chuyển theo Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.