Miền Trung tất bật vụ hoa tết

Bão lũ dồn dập đã tàn phá nặng nề hạ tầng sản xuất ở các làng hoa, cây cảnh dọc dải miền Trung. Trước vô vàn khó khăn do thiên tai để lại, người trồng hoa, cây cảnh ở miền Trung nỗ lực vượt khó khôi phục lại làng nghề và đặt quyết tâm cao trong vụ hoa tết năm nay, kỳ vọng có nguồn thu nhập lo cho cái tết đầy đủ, ấm cúng. 
Người dân ở làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định trồng nhiều loài hoa mới phục vụ thị trường tết. Ảnh: NGỌC OAI
Người dân ở làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định trồng nhiều loài hoa mới phục vụ thị trường tết. Ảnh: NGỌC OAI

Nỗ lực vượt khó 

Những ngày này, người trồng hoa ở khu vực Hòa Cường (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang hối hả làm đất bước vào vụ hoa tết. Người dân tranh thủ tận dụng những rẻo đất bên các trục đường, thửa ruộng cao ráo để lên luống trồng hoa.

Nhớ lại những ngày bão lũ vừa qua, ông Phạm Văn Châu (48 tuổi, người dân trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường), chia sẻ: “Năm nay quá nhiều biến động nên người trồng hoa tâm trạng cũng lo lắng. Tuy nhiên, làng hoa Hòa Cường vốn có truyền thống lâu đời, dù khó khăn cách mấy, bà con vẫn cố gắng vượt qua để duy trì sản xuất vụ tết, đủ cung ứng hoa cho thị trường TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận”. 

Những trận bão, lũ hồi tháng 10, khiến cho nhiều gốc quất khổng lồ của ông Cao Minh Thanh (thôn Bầu Ốc, xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) bị hư hại. Cả tháng qua, ông Thanh vật vã để khôi phục lại vườn quất, chăm sóc những cây quất không bị ảnh hưởng do mưa bão để cho ra những chậu quất đạt chất lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu. Làng quất Cẩm Hà được đánh giá là vựa quất cảnh lớn nhất của miền Trung, mỗi khi tết đến, cả làng cung ứng hàng trăm ngàn chậu quất cho nhiều thị trường cả nước.

“Vườn quất tôi có 800 gốc, nhưng bão lũ làm hư hại khoảng 300 chậu, còn 500 chậu có thể khắc phục được để bán trong dịp tết sắp tới. Hy vọng từ nay đến tết thời tiết thuận lợi để bà con tập trung chăm bón quất, bán vớt vát lo cho cái tết được đầy đủ, ấm cúng”, ông Thanh hy vọng.

Ngược vào thủ phủ mai vàng thị xã An Nhơn (Bình Định), những nhà vườn ở đây cũng đang bận rộn đưa chậu hoa mai dưới các ruộng lên cao để chăm bón, tải cành, tạo dáng... Anh Nguyễn Hữu Bằng (29 tuổi, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn) trồng 2.500 chậu mai bên sông Thanh Giang kể, trận lũ sau cơn bão số 10 khiến cho hàng chục chậu mai gần 3 năm tuổi bị ảnh hưởng. Lũ đổ về, anh Bằng chỉ kịp thuê người khiêng hơn 500 chậu mai chạy lên cao để tránh lũ, còn lại ngập hết. Rất may, lũ đến sớm rồi rút nhanh nên vựa mai của anh Bằng vẫn còn cứu vãn được.

“Hiện tôi đã tuyển chọn được 1.500 chậu mai để vào vụ tết; nếu thị trường thuận lợi, bình quân mỗi chậu bán với giá 300 ngàn đến 1 triệu đồng. Bây giờ thì mai vừa bắt đầu ra nụ, thắng hay bại là ở thời điểm này. Rất may, thời tiết cuối năm đang thuận lợi nên công tác chăm sóc, dẫn dụ mai nở đúng dịp tết có vẻ khả quan”, anh Bằng hy vọng.

Kỳ vọng 

Những ngày trung tuần tháng 12-2020, hàng trăm hộ dân ở làng hoa cảnh Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) đổ xô ra đồng, khẩn trương xuống giống, chăm bón cho những loại hoa có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng cho giá trị kinh tế cao. Ông Võ Văn Dư (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà) những ngày qua ăn ở luôn ngoài đồng để chăm bón cho ruộng hoa của mình. Năm nay, ông Dư trồng 50.000 cây cúc đất phục vụ tết, sử dụng rơm ủ ấm những luống hoa tạo độ ẩm cho đất, giúp hoa sinh trưởng tốt hơn.

“Rất may đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 này thời tiết thuận lợi, độ ẩm trong đất đủ để cây phát triển tốt, hy vọng vụ hoa tết năm nay buôn may, bán đắt, cả nhà được ăn cái tết no đủ”, ông Dư nói. 

Đến thăm mô hình trồng hoa khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tùng (61 tuổi, làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định), được xem là lớn bậc nhất của cả huyện Tuy Phước, với hàng chục loài hoa khác nhau. Vài năm trở lại đây, để giảm thiểu thiệt hại trong bão lũ, ông Tùng đã dựng giàn kiên cố, hạ thấp các chậu hoa và trồng thêm những hàng tre bao kín vườn để che chắn gió bão cho hoa. Ông Tùng chia sẻ, để chủ động thị trường, ông tìm đến các làng hoa ở Đà Lạt, Sa Đéc để học hỏi kinh nghiệm, mua thêm nhiều giống hoa cảnh mới, như: hương thảo, nhật lê, cát tường, dạ yến thảo, mai địa thảo, đồng tiền, phú quý, cúc như ý, dâu tây… về trồng. “Qua trồng thử nghiệm trên vùng đất thường xuyên bị lũ lụt nhưng các loài mới này đều cho hoa rất nhiều, màu sắc tươi đẹp hơn nơi khác nên khách hàng rất chuộng”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) thông tin, mỗi năm nhờ trồng quất mang lại cho người dân nơi đây khoảng từ 90 tỷ đến 100 tỷ đồng, nhưng năm nay thiên tai diễn biến phức tạp nên sợ khó đạt. Tuy nhiên, địa phương sẽ theo dõi, thống kê các thiệt hại để sớm can thiệp và có hướng hỗ trợ bà con vào vụ tết thuận lợi, vớt vát những tổn thất của thiên tai.

Còn “thủ phủ” mai vàng thị xã An Nhơn (Bình Định), mỗi năm người trồng mai vàng ở đây cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu chậu mai cảnh; doanh thu bình quân từ 80 tỷ đến 110 tỷ đồng/năm. “Năm nay, dù tình hình mưa lũ dịch bệnh nhưng người dân vẫn bảo vệ tốt các vườn mai, nên không có thiệt hại gì lớn. Bà con hy vọng từ đây đến Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi, để hoa, cây cảnh phát triển tốt. Đồng thời, mong dịch Covid-19 được kiểm soát để cả nước ăn tết vui tươi, duy trì sức mua hoa cảnh cho bà con nhà vườn được nhờ”, ông Đào Tuấn Sỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, hy vọng.

Đồng bào A Lưới trồng 5 vạn hoa lily và tulip cho vụ tết

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết, 20 hộ đồng bào tại địa phương vừa trồng xong 50.000 củ giống hoa lily và tulip phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Thay vì hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm sóc hoa từ phía đơn vị, năm nay, lần đầu đồng bào tự đầu tư kinh phí từ 20 đến 100 triệu đồng/hộ để mua giống hoa về trồng. Hiện hoa giống phát triển tốt và hứa hẹn cho vụ tết bội thu. Cùng với đó, chính quyền địa phương còn liên hệ và ký biên bản ghi nhớ với nhiều siêu thị tại miền Trung để phân phối hoa A Lưới đến với mọi nhà. 

Hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới đang thử nghiệm trồng thêm nhiều giống hoa mới làm đa dạng các giống hoa ở địa phương. Đồng thời, mở rộng diện tích và hướng đến trồng hoa thâm canh, không những đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, mà còn cung cấp hoa cho thị trường các tỉnh lân cận, tạo thành nét đặc trưng của huyện biên giới A Lưới thu hút khách du lịch.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục