Miền Trung: Vật vã với nắng nóng, khô hạn

Khắp nơi ở miền Trung nắng nóng đang xảy ra gay gắt, khô hạn và ngày càng trở nên khốc liệt. Ruộng đồng nứt nẻ, bỏ hoang; nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt khiến người dân miền Trung vật vã để chống chọi. 
Ruộng lúa hè thu ở xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị khô nứt nẻ. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Ruộng lúa hè thu ở xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị khô nứt nẻ. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Ruộng đồng khô khốc

Hơn 1 tháng qua, địa bàn xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) nắng nóng như đổ lửa. Khắp nơi, ruộng đồng, vườn tược, cây cỏ đều khô cháy; nhiều rẫy sắn rũ ngọn, chết khô. Khung cảnh hạn hán căng thẳng nhất tại các thôn Thuận Hiệp, Thuận Hạnh (xã Bình Thuận), bà con vật vã từng ngày tìm nguồn nước để cứu hoa màu và để sinh hoạt.

Anh Vương Quốc Sinh, Trưởng thôn Thuận Hiệp, đưa chúng tôi rảo quanh những cánh đồng cả trăm hécta đất đang bỏ hoang, nói: “Căng thẳng lắm. Hiện 100ha đất canh tác của thôn đành bỏ hoang vụ mùa vì không có nguồn nước tưới. Một số giếng nước của người dân đã cạn trơ đáy. Bà con phải chật vật tìm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày”.

Ngược vào các xã phía Đông huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), tình trạng khô hạn nghiêm trọng hơn, hàng loạt cánh đồng phải bỏ canh tác, mặt ruộng nứt toác.

Ông Bùi Văn Chín (thôn Tân An, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên), than: “Tân An như lòng chảo của khô hạn và xâm nhập mặn. Ruộng đồng ở đây trồng lúa năng suất cao, nhưng phải bỏ hoang hơn 1 tháng qua. Bà con nóng ruột lắm nhưng không có nước thì đành chịu thôi. Không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt của 675 nhân khẩu làng Tân An đều thiếu trước hụt sau. Cả làng dùng chung một vài giếng nước, nhưng cũng sắp cạn. Ở đây cứ đến mùa khô đều phải đi mua hoặc xin nước về uống, rất khổ”. 

Có mặt tại cánh đồng xứ Đồng Mít và Cửa Đìa (thôn 2, xã Hương Thủy, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến nhiều ruộng lúa đang khô cháy. Ông Ngô Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, cho biết, vụ lúa hè thu năm nay toàn xã chỉ sản xuất được hơn 1/3 diện tích (90/250ha) vì không tìm được nguồn nước tưới. 

Còn tại ốc đảo Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), bà con cũng đang vật lộn dưới cái nắng nóng gay gắt, từng ngày tìm nguồn nước để sinh hoạt. Cả thôn chỉ có 1 giếng nước ngọt nhưng sắp kiệt, không đủ khỏa lấp cơn khát của hơn 100 hộ dân, nhiều người phải thuê ghe đò đi vài cây số để xin hoặc mua nước rất vất vả, tốn kém…

Loay hoay tìm cách chống hạn

Đề cập thực trạng, giải pháp “hóa giải” khô hạn dai dẳng khu vực phía Nam đầm Ô Loan, ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), cho rằng, để giải được bài toán trên cần nguồn kinh phí rất lớn, phải tầm tỉnh hoặc trung ương mới quyết được. Nhiều năm trước, UBND huyện đã có nhiều kiến nghị, lập dự án đề xuất kinh phí đầu tư dẫn nước về giải quyết khô hạn cho người dân nhưng đến nay kinh phí rót về vẫn rất hạn chế. 

Vừa qua, hàng ngàn hécta lúa hè thu của người dân ở hạ du sông Ba (Phú Yên) bị khô cháy. Theo Chi cục Thủy lợi Phú Yên, nguyên nhân do các thủy điện đầu nguồn sông Ba và sông Hinh vận hành xả nước “chập chờn” khiến nguồn nước ở hệ thống thủy nông Đồng Cam thiếu hụt. Trước tình trạng này, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã có chỉ đạo khẩn, đề nghị các thủy điện cần duy trì vận hành xả nước liên tục 50m3/giây để cung ứng đủ nước cho đập thủy nông Đồng Cam điều tiết chống hạn, đảm bảo vụ mùa cho người dân. 

Tại tỉnh Bình Định đang có nhiều vùng liên tục bị khô hạn, như: huyện Vân Canh, Phù Mỹ và một số xã huyện Tây Sơn. Ông Bùi Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh, cho biết: “Huyện nằm ở thế rất khó giữ được nguồn nước. Mùa mưa thì xối xả, nhưng tất cả các nguồn nước đều chảy theo sông Hà Thanh về TP Quy Nhơn và đổ ra biển.

Thiếu nguồn nước, nhiều chương trình phát triển về kinh tế - xã hội của huyện đều bị ảnh hưởng, ngưng trệ. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu mở 2 dự án đập dâng ở sông Hà Thanh và hồ chứa Suối Lớn (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng nhằm từng bước giải quyết khô hạn cho huyện này. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ. Trước mắt, người dân phải chịu cảnh thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hàng ngày”.

Bàn đến giải pháp ứng phó lâu dài với khô hạn, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nhìn nhận, việc đổ vốn vào đầu tư các công trình, dự án, hồ chứa chống hạn là giải pháp được hầu hết các địa phương ưu tiên, nhưng lại thiếu bền vững. Đặc biệt, nguồn tiền cho công tác chống hạn, ứng phó thiên tai ở miền Trung thời gian qua rất lớn, đè nặng lên ngân sách nhà nước.

“Theo tôi, để đảm bảo việc sử dụng nước ổn định, bền vững cần tính toán đến câu chuyện phục hồi rừng, nâng cao chất lượng những cánh rừng đầu nguồn, kể cả rừng trồng hiện nay bằng dự án trồng cây gỗ lớn. Đặc biệt, nguồn nước để sử dụng bền vững cũng nên áp dụng chế tài, thu phí để người dân có trách nhiệm hơn, tránh lãng phí”, ông Chương nói.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, ngày 5-7, nắng nóng đã lan rộng ra nhiều nơi ở Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hòa Bình (cửa ngõ Tây Bắc bộ) và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Trưa và chiều 5-7, tại Trạm khí tượng Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nền nhiệt đo được lên tới 39,1°C; còn Trạm khí tượng Tây Hiếu (Nghệ An) nhiệt độ đo được là 39,4°C… Nhiều khu vực có nhiệt độ trên dưới 38°C, không khí oi nồng do độ ẩm sụt giảm còn 45%-50%.

Trung tâm nhận định, ngày 6 và 7-7, Trung bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nhiều nơi trên 39°C. Từ ngày 8-7, nắng nóng ở Trung bộ tạm thu hẹp, chỉ còn xuất hiện ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; còn ở miền Bắc, từ ngày 6-7, đợt nắng nóng này sẽ kết thúc, bước vào đợt mưa lũ. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục