Theo đó, sữa học đường phải bảm đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, góp phần cải thiện tình trạng thiếu vi chất tại Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường và giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Tuy nhiên, để có thời gian nghiên cứu cũng như cũng cố cơ sở khoa học cho vấn đề này, trong thời gian qua, Bộ Y tế chỉ ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn sữa học đường. Điều này đã gây khó cho các địa phương khi triển khai thực hiện.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã từ chối hoặc trì hoãn thực hiện chương trình sữa học đường do “quy định tạm thời” trên. Hiện cả nước chỉ có 17/63 tỉnh thành triển khai chương trình sữa học đường. Các địa phương còn lại chưa thực hiện dù các cơ quan chức năng đã làm việc nhiều lần và thống nhất triển khai.
Với Thông tư 31/2019/TT/BYT, điều này đã được quy định rõ ràng, chính thức. Theo đó, đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường, Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể: Vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, axit folic, vitamin K1, kẽm, đồng, i-ốt, selen, phospho, magie. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, với mức quy định về vi chất trong sản phẩm cho chương trình Sữa học đường theo thông tư của Bộ Y tế thì có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các em.
Có thể thấy, hiện nay, chiều cao người Việt Nam đang bị xếp vào hàng thấp thứ 4 thế giới, cụ thể chiều cao trung bình đối với nam là 162,1cm và nữ giới là 152,2cm. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%. Đây là một hiện trạng đáng lo ngại vì phần lớn trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới (trên 50cm), nhưng từ 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần và dần bị trẻ em thế giới bỏ xa.
Không những thế, tại Việt Nam chỉ mới có khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa và lượng tiêu thụ trung bình vẫn còn rất thấp. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%, thấp hơn rất nhiều so với các nước đang triển khai chương trình sữa học đường như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…
Do đó, với việc công bố tiêu chuẩn chung cho sữa học đường sẽ tạo điều kiện để các địa phương vốn còn “chần chừ” trong việc thực hiện Chương trình sữa học đường có thể tích cực triển khai để học sinh địa phương được uống sữa, giúp tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em, góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ.