Ngày 22-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cùng phối hợp tổ chức hội thảo về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sở dĩ có sự thay đổi ở biểu giá điện bắt nguồn từ phản ứng của người dân nhiều nơi khi mà những bất cập của biểu giá điện theo lũy tiến hiện hành buộc họ phải trả tiền điện tăng cao bất thường.
Trong các phương án mà công ty tư vấn xây dựng cho EVN thì phương án 3 nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia. Bởi lẽ, phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành là không phù hợp bởi đó là nguồn cơn của việc tính toán thay đổi. Phương án 2 là đồng nhất một mức giá điện cũng không ổn vì như vậy là đánh đồng giá cả người dùng ít và người dùng nhiều điện, trong khi sử dụng điện đang hướng tới mục tiêu tiết kiệm. Còn phương án 3 là cũng tính theo bậc lũy tiến hiện nay nhưng rút từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc. Ưu điểm của phương án 3 là sẽ giúp cho quản lý, kiểm tra, giám sát đơn giản hơn và góp phần thực hiện chính sách xã hội đối với người sử dụng ít điện cũng như khả năng chi trả thấp.
Giá điện từ năm 2009 đến nay đã qua 7 lần điều chỉnh nhưng không lần nào tạo được sự đồng thuận của người tiêu dùng. Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia giá cả, việc định giá điện trên thế giới dựa trên nguyên tắc: điện là loại năng lượng không tái tạo nên sử dụng phải tiết kiệm, dựa trên quan hệ cung cầu.
Thực trạng thị trường điện hiện nay của Việt Nam là độc quyền: truyền tải, phát điện (hiện đang tiến tới thị trường cạnh tranh). Nếu nói giá điện hiện nay chưa theo thị trường là chưa hoàn toàn đúng bản chất vấn đề. Bởi nếu cạnh tranh thì giá do thị trường quyết định còn với thị trường độc quyền thì giá chỉ xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ và lãi hợp lý. Và, EVN đã được thực hiện như vậy. Do đó, việc xây dựng giá điện phải làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng. Cũng theo ông Long, trong bối cảnh phân tầng thu nhập giàu, nghèo lớn thì EVN cần có chiến lược giá phân khúc sao cho người có thu nhập ra sao dùng bậc đó và cần có giãn bậc hơn, như có thể các bậc cách nhau 150 kWh, bậc cao nhất nên là 600 kWh thay vì 400 kWh.
Theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh biểu giá điện lần này phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, dễ giám sát, người dùng nhiều phải trả nhiều tiền, người nghèo, đối tượng chính sách thì được hỗ trợ... Do đó, phương án thu gọn từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc cũng là cách tương đối hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, đó cũng chỉ là những đòi hỏi đơn giản từ người sử dụng hàng hóa. Điều quan trọng khác mà người tiêu dùng đòi hỏi là sự minh bạch của ngành điện để người tiêu dùng không phải chịu cảnh ấm ức trả tiền vì sự thiếu minh bạch.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), người tiêu dùng vẫn suy nghĩ EVN kinh doanh ngoài ngành, thất thoát nhưng lại đưa vào giá điện. Đó là suy nghĩ thực tế hiện nay và rất khó thay đổi. Do đó, câu chuyện đặt ra là bên cạnh cách thay đổi biểu giá thì EVN phải làm sao quản lý hiệu quả ngay chính ngành mình và minh bạch hơn nữa hoạt động của mình.
Điện là mặt hàng nhạy cảm bậc nhất do động vào túi tiền của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Một giải pháp đưa ra không thể làm hài lòng mọi đối tượng chịu tác động. Thế nên, nhiều chuyên gia đều cho rằng, điều người tiêu dùng quan tâm hơn cả chính là câu chuyện công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch trong các chi phí tạo nên giá thành điện lẫn trong thực hiện, có sự giám sát của người tiêu dùng vẫn là tiếng nói đáng được lắng nghe trong rất nhiều phản ứng của dư luận thời gian qua. Như vậy mới thực sự sòng phẳng giữa người mua - bán mà ở đây là người tiêu dùng và EVN. Như chính lời ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Người tiêu dùng đòi hỏi sự công bằng, minh bạch, trả giá cho sản phẩm mua một cách thỏa đáng”.
HÀ MY