Mình gọi, nó cũng gọi

Với nhiều người ở thành phố thì chiếc điện thoại di động là vật bất ly thân. Thậm chí ra đường có thể quên ví ở nhà mà không thể quên điện thoại. Chẳng biết từ bao giờ chiếc điện thoại trở nên quan trọng đến thế?
Mình gọi, nó cũng gọi

Với nhiều người ở thành phố thì chiếc điện thoại di động là vật bất ly thân. Thậm chí ra đường có thể quên ví ở nhà mà không thể quên điện thoại. Chẳng biết từ bao giờ chiếc điện thoại trở nên quan trọng đến thế?

Chiếc điện thoại đầu tiên ra đời tại Hội chợ triển lãm Philadelphie - Mỹ vào tháng 6-1876. Nó cũng gần như đã đi vào lịch sử giống như điện tín (morse) dù tuổi đời chưa lấy gì làm cao lắm.

Người Hà Nội biết đến chiếc điện thoại từ hồi đầu thế kỷ XX. Các công chức thuộc địa làm việc với người Pháp được thực hiện cách liên lạc qua dây nói lúc đầu còn rất thô sơ. Đại khái có một ống nghe và một ống nói riêng. Dùng cái hòm vuông như hòm bán lạc rang có cần quay tay gọi đến tổng đài xin nối liên lạc. Nghe nói cô Tư Hồng, doanh nhân nữ Việt Nam hồi ấy là người mắc chiếc điện thoại đầu tiên cho nhà riêng đâu như ở ngõ Hội Vũ bây giờ. Mãi đến quãng 1950 mới có máy điện thoại bàn quay số trực tiếp. Những năm đầu tiếp quản Hà Nội, các cơ quan công sở vẫn dùng song hành hai loại máy này. Âm thanh nhiễu loạn khọt khẹt như vọng lên từ âm phủ. Đợi chờ tổng đài thao tác cắm số rất lâu. Nhưng như thế đã là hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ cơ quan đoàn thể lớn hoặc cán bộ lãnh đạo cấp thứ trưởng trở lên mới được dùng điện thoại này.

Minh họa: P.S.

Những năm 80 thế kỷ trước, người Hà Nội đi xuất khẩu lao động khá nhiều. Nhu cầu gọi điện từ nước ngoài về hoặc ở nhà gọi sang là rất lớn. Cha mẹ anh em hẹn nhau ngày giờ ra Bưu điện Bờ Hồ gọi những cuộc quốc tế khá đắt tiền. Nhiều khi cuộc gọi nửa tiếng thì đã sụt sùi mất hai mươi phút. Người Hà Nội lịch sự lâu đời. Biết chắc hàng xóm có điện thoại cũng chẳng bao giờ sang gọi nhờ.

Rồi thì cuối những năm 80 ấy, Hà Nội bắt đầu phổ cập điện thoại để bàn đến hầu hết các gia đình. Những chiếc điện thoại nhấn phím số hiện đại mua về được người ta bày trên đôn gỗ quí ở phòng khách. Thể nào cũng phải kiếm cho được chiếc khăn thật đẹp phủ lên để tránh bụi. Tiền cước điện thoại khá rẻ. Các bà các chị tha hồ “nấu cháo” cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên cũng bắt đầu có những phiền phức. Điện thoại một đầu số mắc nhiều máy trong các phòng. Vợ nghe trộm chồng và ngược lại. Đã có không ít bát đũa ấm chén là vật tế thần cho các cơn thịnh nộ gia đình.

Giữa những năm 90, điện thoại di động bắt đầu phổ biến ở Hà Nội. Tổng đài Mobifone chỉ có 2.000 số và máy di động Motorola to bằng hòn gạch nặng hơn một cân. Ra đường phải bỏ vào cốp xe máy, không túi quần nào chịu nổi. Thanh niên con nhà khá giả vác chiếc điện thoại ra đường để chứng tỏ đẳng cấp cũng nhiều. Điện thoại rơi vào ngón chân cái tím bầm cả tháng.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, ngành liên lạc viễn thông phát triển thần tốc. Chiếc điện thoại để bàn dần dà lui vào trong phòng ngủ của các cụ già yếu sức ngồi xe lăn. Cũng có vài cụ cố tỏ ra không màng đến những tiện nghi rắc rối. Thực ra là không nắm được tình hình biến chuyển của công nghệ. Nhưng người già luôn đúng. Người bình thường bây giờ dùng điện thoại bàn cơ quan để liên lạc cũng không được người nghe tán thành cho lắm. Rất dễ bị hiểu lầm là chắt bóp.

Máy điện thoại di động bây giờ là đồ dùng, đồ làm việc, đồ chơi, đồ trang sức. Dùng để gọi thì chỉ cần mua máy 200.000 đồng là tròn vành rõ tiếng, pin bền cả tuần mới phải sạc. Loại máy này bây giờ thì trẻ con đánh giày bán báo đứa nào cũng có sẵn trong túi. Máy dùng để làm việc và chơi khá đắt đỏ. Nhiều hãng cạnh tranh cho ra những tính năng cải tiến hàng ngày. Có thể lướt web, lên facebook, chơi điện tử, chụp ảnh, ghi âm…Thanh niên một năm thay vài máy là chuyện thường. Họ thành lập từng nhóm fan máy móc rất rầm rộ trên mạng internet. Nhưng chưa ăn thua gì so với loại máy dùng làm đồ trang sức. Chiếc Vertu nạm kim cương có giá đến mấy tỷ đồng. Chiếc Mobiado còi cọc hơn cũng gần trăm triệu đồng.

Mình gọi, nó cũng gọi. Đó là điều không thể tránh của người dùng điện thoại di động. Văn hóa gọi và nghe điện thoại dù đã có khoảng thời gian hàng chục năm rèn giũa hình như vẫn chưa thành. Thôi thì nửa đêm bấm điện thoại cho bạn chỉ để thủ thỉ hỏi một câu thôi, anh (em) ngủ chưa? Hoặc uống rượu xuyên trưa sang chiều bấm điện thoại bè nhè gọi bạn ra quán nhậu tiếp. Nhiều người gọi nói một thôi một hồi điều mình cần rồi tắt máy. Rất nhiều người gọi những cuộc điện thoại không có nội dung. Cứ như sợ người khác không biết là mình vẫn còn tồn tại trên đời. Vài người có thói quen ngồi đâu chụp ảnh bằng điện thoại đưa lên facebook ngay tức thì. Chụp từ ngón chân cho đến cốc nước đang uống dở. Nguy hiểm nhất là chụp người khác đưa lên facebook trong những tư thế họ không mong muốn. Lại còn vô khối người vừa chạy xe vừa nhắn tin cực kỳ nguy hiểm.

Ước gì không phải nghe chiếc điện thoại nó gọi mình vào những lúc bận bịu!

ĐỖ PHẤN
11-2014

Tin cùng chuyên mục