LTS: Cách đây 50 năm, sau khi thực hiện thành công các chuyến vượt biển mang tính thăm dò từ miền Nam ra miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định tổ chức đoàn tàu vận tải quân sự trên biển để chi viện người và vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cho tiền tuyến lớn miền Nam. Với hơn 100 chuyến ra Bắc - vào Nam, những đoàn tàu không số đã vượt qua muôn trùng gian khổ, ác liệt, vận chuyển người và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Đã có nhiều con tàu và cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam mặc thường phục đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Cùng với tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên bộ, tuyến đường vận tải quân sự trên biển đã trở thành con đường huyền thoại góp phần mang đến chiến thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011), bắt đầu từ hôm nay, Báo SGGP khởi đăng loạt bài về chiến công của các chiến sĩ QĐND Việt Nam anh hùng trên con đường huyền thoại ấy. Đó là những ký ức về những chuyến hải trình oai hùng xuyên qua làn tên lửa đạn của kẻ thù, những tư liệu lịch sử về các đoàn tàu không số. Hoặc là các chuyến đi thực tế về nguồn, trở lại những cứ điểm cách mạng theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, ghi nhận quá trình gìn giữ, phát huy truyền thống, đóng góp vào sự toàn vẹn lãnh thổ và những đổi thay của đất nước hôm nay. Loạt bài cũng sẽ đề cập đến việc thực hiện chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hướng ra biển Đông theo phương châm “Giàu từ biển và mạnh lên từ biển” của Bộ Chính trị. |
Ngày 21-6-1961, cấp trên điều tôi công tác mới, chúng tôi bắt đầu học tập mục đích, yêu cầu và thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên do tôi làm Bí thư chi bộ. Khi chuẩn bị xong mọi việc, cấp trên xuống tận ghe giao nhiệm vụ và căn dặn tỉ mỉ mọi việc. Chiều 31-7-1961, chúng tôi cho xuống ghe hơn 2 tấn gạo trắng và rời khỏi bến, đến địa điểm khác. Đêm 1-8-1961, ghe chúng tôi rời mũi Cà Mau để đi ra Bắc. Đến tối 7-8, ghe chúng tôi vào tới cửa sông Nhật Lệ thuộc tỉnh Quảng Bình, ghé lại đồn Công an Vàm Nhật Lệ, coi như công an bắt giữ tại đây. 2 giờ sau đồng chí Tám Bội (người tỉnh Bến Tre tập kết), Công an trưởng tỉnh Quảng Bình đến gặp tôi. Khoảng 10 giờ ngày 11-8, xe hơi đến đồn Công an Vàm Nhật Lệ đón tôi tới gặp đồng chí Lê Duẩn tại nhà giao tế Quảng Bình để báo cáo tình hình và trình bày yêu cầu của Khu ủy xin Trung ương chi viện thật nhiều súng, đạn để trang bị cho bộ đội. Khoảng cuối tháng 2-1962, Trung ương quyết định chọn chúng tôi trở về miền Nam làm công tác mới.
Thay mặt Quân ủy, đồng chí Trung tướng Trần Văn Trà và Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh giao nhiệm vụ cho tôi trở vào Nam làm mấy việc sau: Báo cáo với Khu ủy đi thăm dò các đảo ngoài khơi như: Hòn Chuối, hòn Nam Dạ, đảo Thổ Chu, hòn Ông, hòn Bà… xem đảo nào thanh vắng nhất, không có địch tới lui, ít hoặc không có dân chúng cư trú để cất giữ vũ khí, hàng hóa từ Bắc chuyển vào Nam rồi đem vào đất liền (mũi Cà Mau) để phân phối cho các khu… và chỉ thị cho tôi phải học thuộc lòng một số mật danh, để liên lạc bằng điện đài xin chỉ thị thi hành kế hoạch.
Ngày 5-4-1962, đoàn chúng tôi từ Hà Nội về Quảng Bình và đêm 10-4 rời Quảng Bình nhắm hướng về Nam. Đến 7 giờ sáng ngày 15-4-1962, chúng tôi thấy được cù lao 7 xã (cù lao Thu), từ đó mới xác định được hướng tương đối chính xác, cứ nhắm hướng như vậy chạy đến chiều 18-4 mới về tới vùng cửa Bồ Đề (xã Thuận Tân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), hỏi dò nhân dân tình hình địch thì thấy không có gì “găng” lắm. Đến đây chúng tôi mới chắc chắn đạt 100% và bí mật gặp đồng chí Phan Văn Nhờ, tức Tư Mau. Đồng chí Tư Mau đưa tôi đi gặp Khu ủy (đồng chí Bí thư Khu ủy Ba Bường và các đồng chí: Mười Khẩn, Tư Bình (Vũ Đình Liệu), Bảy Thụng, Mười Kỷ và một số đồng chí Khu ủy viên) báo cáo tình hình đi đường, báo cáo các ý kiến của Trung ương và đề nghị Khu ủy cấp cho chúng tôi phương tiện nghi trang, dụng cụ làm việc để chúng tôi tiến hành thăm dò các đảo ngoài khơi như chỉ thị của Trung ương. Khi chuẩn bị xong, Khu ủy cử 4 người gồm: tôi, đồng chí Tư Mau, Hai Tranh và một thợ máy người gốc Thái Lan tên là Sà Vĩnh đi thăm dò các đảo ngoài khơi.
Ngày 19-5-1962, chúng tôi rời mũi Cà Mau và hòn Chuối, đảo Thổ Chu, tới đây nhờ gặp người quen chuyên đi làm ăn ở các đảo khơi cho biết, trên hòn Nam Du có xóm làng, dân chúng làm ăn rất đông, còn hòn Ông, hòn Bà… cũng không đáp ứng yêu cầu bí mật nên thế là chúng tôi trở về. Sau đó, tôi nhớ lại khoảng năm 1955-1956 khi làm tự túc cho khu, thấy Vàm Lũng (rạch Kiến Vàng) có độ sâu có thể tàu chở trên 30 tấn vào được, vậy là chúng tôi trở về đó thăm dò, đo đạc lại độ sâu, thấy đảm bảo, chúng tôi trở về Rạch Gốc báo cáo lại với Khu ủy và đề nghị cho dời tất cả các bộ phận về Rạch Gốc để chuẩn bị khu vực Vàm Lũng, Khu ủy nhất trí đồng thời báo cáo với Trung ương. Bộ phận này khi dời về Rạch Gốc thì Khu ủy rút đồng chí Sáu Toàn, Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau và đồng chí Nguyễn Văn Phán đi tập kết về xuống phụ trách thay cho đồng chí Ba Hòa trở về Khu ủy.
Đồng chí Sáu Toàn và đồng chí Nguyễn Văn Phán (Tư Đức) cho biết lệnh của Trung ương bảo Khu ủy kêu đích danh tôi ra gặp Trung ương để bàn thêm việc vận chuyển. Chấp hành lệnh, ngày 26-7-1962 tôi rời Vàm Lũng lên đường. Đến đêm 1-8 chúng tôi tới Nam Định, sáng 2-8 bị dân quân Nam Định bắt giao cho công an. Công an nghi chúng tôi là biệt kích của ngụy ở miền Nam ra. Chiều 2-8-1962, lúc 19 giờ công an dẫn tôi đi lấy lời khai, vừa đến chỗ làm việc của công an thì có đồng chí Đoàn Phước (Đoàn 125) đem giấy tờ đến lãnh chúng tôi và rước về Hà Nội. Sau vài ngày nghỉ ngơi, đồng chí Đoàn Phước đưa tôi đi gặp đồng chí Lê Duẩn và Quân ủy (đồng chí Trần Văn Trà). Đồng chí Lê Duẩn và Quân ủy hỏi tôi: “Đồng chí chắc chắn tàu cỡ hơn 30 tấn vào được phải không? Nếu vào được thì sẽ giao cho đồng chí đi đầu kẻ đường cho tàu đi để thông qua Quân ủy”.
Đến đầu tháng 10-1962, Đoàn 125 đưa hết chúng tôi ra Đồ Sơn và giao cho một tàu cây trọng tải 30 tấn để chuẩn bị chở hàng về Nam. Đêm 12-10-1962, chúng tôi chở hàng và vũ khí xuống tàu tại bến Đồ Sơn, đêm 13 lại xuống tiếp, tất cả là 35 tấn. 8 giờ đêm 14-10-1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn đi theo đường kẻ (đường vạch sẵn theo bản đồ) đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa Đông Bắc thổi mạnh nên phải đi theo đường kẻ số 2. Đi đến hòn Đồ ở phía Tây Nam cù lao Thu thì máy bị trục trặc, chúng tôi phải thả trôi một đêm để sửa máy, nhưng vẫn không chạy nhanh được như cũ. Đến 6 giờ sáng ngày 20-10-1962, tàu chúng tôi vào Vàm Lũng, gặp đoàn xuồng của đồng chí Tư Đức trong vàm cửa mừng rỡ. Khi tàu vào tới Vàm Lũng (rạch Kiến Vàng, Rạch Gốc, Cà Mau), tôi lập tức báo cho Đoàn 125 và Trung ương biết là chúng tôi đã đến nơi an toàn.
Khi tàu chúng tôi vào tới nơi quy định thì lập tức cho các ghe, xuồng bốc hàng, vũ khí dời đi nơi khác. Suốt trong 3 ngày đêm chuyển tải mới hết số hàng và vũ khí. Tiếp đó chúng tôi đón 3 tàu sau cũng được an toàn. Vào đầu năm 1963, chúng tôi tiếp tục cho đoàn tàu trở ra Bắc làm nhiệm vụ vận chuyển nữa.
Khi đoàn tàu ra đến miền Bắc, Đoàn 125 tổ chức kiểm điểm, bình công, riêng tôi vì đoàn trong Nam (HN75) giữ lại nên vắng mặt. Qua bình công, tàu đơn vị tôi được Hồ Chủ tịch ký thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, riêng tôi được Hồ Chủ tịch ký thưởng Huân chương Quân công hạng ba.
Sau chuyến đi mở đường Bắc – Nam, Nam – Bắc thành công tốt đẹp, tôi được Khu ủy và Trung ương quyết định cho ở lại miền Nam, cùng với các đồng chí khác như: Tư Đức, Sáu Toàn, Tư Mau thành lập Đoàn 962. Đồng chí Tư Đức làm Đoàn trưởng, đồng chí Sáu Toàn làm Chính ủy, với một số đồng chí làm đoàn phó, trong đó có đồng chí Tư Mau và tôi. Nhiệm vụ của đoàn lúc này chủ yếu là tổ chức triển khai bến bãi, tiếp nhận và bảo quản kho tàng, hàng hóa, vũ khí. Sau này vì hàng hóa vào ngày càng nhiều và cũng nhiều bến tiếp thu nên đoàn được giao là “Tiếp nhận hàng hóa vũ khí, cất giữ chuyển giao theo lệnh phân phối của Trung ương”. Tôi là đoàn phó phụ trách tổ chức kho tàng trữ hàng hóa, vũ khí lâu dài và tổ chức đường đưa hàng hóa vũ khí về Trà Vinh bằng đường biển, để ở đó phân phối cho các nơi kịp thời chiến đấu, vì số hàng khá lớn nên vận chuyển bằng đường bộ không kịp thời phục vụ chiến đấu.
(Trích bản thảo hồi ký chuyện kể của Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa do tác giả Nguyễn Thị Vân, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, chấp bút ngày 2-10-1980)