Mô hình “bệnh viện khách sạn"

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ bệnh viện khách sạn đã trở nên khá quen thuộc với người dân khi ngày càng nhiều bệnh viện tư ra đời với tên gọi này. Tuy nhiên, ngay trong đội ngũ bác sĩ cũng còn những ý kiến trái chiều xung quanh mô hình này.
Mô hình “bệnh viện khách sạn"

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ bệnh viện khách sạn đã trở nên khá quen thuộc với người dân khi ngày càng nhiều bệnh viện tư ra đời với tên gọi này. Tuy nhiên, ngay trong đội ngũ bác sĩ cũng còn những ý kiến trái chiều xung quanh mô hình này.

  • TPHCM tiên phong

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực y tế giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không chỉ dừng lại ở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, mà còn là cuộc chạy đua cải tiến chất lượng phục vụ. Đó là lý do cho sự ra đời của mô hình bệnh viện khách sạn.

Một trong những bệnh viện tiên phong xây dựng theo mô hình này tại TPHCM là Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn tại quận 1, chuyên về lĩnh vực sản phụ khoa, điều trị vô sinh. Bệnh viện được đầu tư gần 16 triệu USD với quy mô 118 giường bệnh và đã được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Tiếp theo là Bệnh viện Đa khoa Vũ Anh tại quận Gò Vấp, cũng theo mô hình bệnh viện khách sạn. Vũ Anh là bệnh viện đầu tiên được Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận dịch vụ đạt hạng 5 sao.

Bệnh viện Triều An cũng đưa vào hoạt động một khu điều trị cao cấp gồm 1 trệt 3 lầu với 42 phòng bệnh, được trang trí như phòng khách sạn, phục vụ theo yêu cầu người bệnh…

Ngoài ra, một số bệnh viện dù không kèm theo chữ “khách sạn” nhưng cũng rất chú ý đến chất lượng phục vụ như An Sinh, Tim Tâm Đức…

Mô hình Bệnh viện khách sạn đang là xu hướng của thế giới.

Mô hình Bệnh viện khách sạn đang là xu hướng của thế giới.

Người bệnh đến những bệnh viện này, ngoài việc điều trị thông thường còn được hưởng thụ tiện nghi, dịch vụ hiện đại. Vì thế đối tượng phục vụ của bệnh viện khách sạn là những bệnh nhân có nhu cầu được chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng, là những người có thu nhập khá trở lên.

Bà Trương Thị Tuyết Nga, Tổng giám đốc Bệnh viện quốc tế Vũ Anh, chia sẻ: “Người bệnh khi đến với Vũ Anh sẽ có cảm giác như đang nghỉ dưỡng ở một khu resort”. Không chỉ hướng đến phục vụ du khách trong nước, các bệnh viện khách sạn còn đặt mục tiêu thu hút khách nước ngoài đến theo mô hình du lịch chữa bệnh.

Sự phát triển này được đánh giá là một xu hướng tất yếu, vì đã đến lúc người bệnh trở thành trung tâm của sự chăm sóc chứ không còn theo kiểu bác sĩ là số một. Song việc cấp sao cũng như tên gọi bệnh viện khách sạn vẫn còn là một vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân, cũng như ngay trong cán bộ ngành y tế.

  • Mập mờ khái niệm

Trước tiên phải nói đến chuyện các bệnh viên được công nhận sao. Đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định công nhận bệnh viện Vũ Anh là “khách sạn bệnh viện 5 sao chứ không phải bệnh viện khách sạn”. Tức Tổng cục Du lịch chỉ xếp hạng dựa trên tiêu chí cơ sở lưu trú của khách, những phòng lưu trú điều dưỡng có chất lượng tốt như khách sạn 5 sao chứ không đánh giá, xếp hạng nơi khám bệnh, nơi phẫu thuật... Điều này dễ gây ngộ nhận cho bệnh nhân.

Lại thêm việc có đồng thời hai đơn vị cùng cấp chứng nhận “sao” cho các bệnh viện khách sạn là Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch với những tiêu chí khác nhau. Theo Bộ Y tế, những bệnh viện được gắn “sao” phải đảm bảo tốt cả 2 tiêu chuẩn cơ bản về cung cấp dịch vụ y tế và cung cấp một số dịch vụ khác. Điều này được minh chứng khi Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn được cấp chứng nhận 4 sao bởi Bộ Y tế.

Chưa kể, khái niệm bệnh viện khách sạn còn gây ra nhiều tranh cãi trong chính đội ngũ y bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, tỏ ra khá gay gắt khi được hỏi về thuật ngữ này.

Ông nói: “Bệnh viện là bệnh viện, khách sạn là khách sạn, vì hai loại hình này có những tiêu chí thẩm định, đánh giá khác nhau. Nếu chỉ nói đơn thuần là bệnh viện đẹp như khách sạn thì được chứ dùng chung thành một thuật ngữ thì không ổn”.

Đồng tình với ý kiến này, không ít bác sĩ cho rằng hiện nay hầu hết bệnh viện tư đều đang hướng tới chất lượng dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân, làm giảm cảm giác sợ bệnh viện bằng những thao tác đơn giản như khử mùi bệnh viện, tăng không gian xanh để người bệnh cảm thấy thoải mái, thêm nụ cười trong giao tiếp giữa người bệnh và cán bộ, nhân viên bệnh viện… nhưng không dùng thuật ngữ bệnh viện khách sạn vì nghe quá thương mại.

Ngay cả trên thế giới người ta cũng chỉ sử dụng khái niệm bệnh viện tiện nghi (hospital facilities) chứ ít dùng bệnh viện khách sạn do tiêu chí có nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn trong khách sạn thường sử dụng thảm trải sàn, nhưng trong bệnh viện thảm lại là vật tối kỵ do là nơi thường có nhiều vi khuẩn nhất. Hay như trong bệnh viện có trang bị hệ thống thở oxy nhưng trong khách sạn không có…

Song dù mang tên gọi gì đi nữa cốt lõi vẫn là chất lượng khám chữa bệnh. Vì người bệnh khi phải đến bệnh viện, mong muốn đầu tiên của họ là được chữa khỏi bệnh trước khi nghĩ đến việc được hưởng những tiện nghi sang trọng, hiện đại ở nơi này.

Thanh Lâm

Tin cùng chuyên mục