Doanh nghiệp phá sản
Năm 2013, dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh” do Mitraco phối hợp với Sở NN-PTNT, Công ty TNHH Finepon (Hồng Công) chuyển giao kỹ thuật theo công nghệ cao Dongshan thực hiện thử nghiệm trên 12ha đất cát hoang hóa bạc màu ở xóm Tân Văn (xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) với vốn đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, doanh nghiệp và liên kết.
Một số loại cây được đưa vào trồng như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, cải các loại... sau một thời gian ngắn đã thành công bước đầu. Dải đất cát trắng ven biển ở xã Thạch Văn trở thành cánh đồng rau củ quả xanh tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, góp phần chống hoang mạc hóa...
Tuy nhiên, đến năm 2017, dự án đã đi vào ngõ cụt, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hư hỏng, hàng chục hécta đất cát trắng bị bỏ hoang không thể trồng rau củ quả, khiến nơi đây có nguy cơ tái hoang mạc hóa.
Có mặt tại khu vực dự án, chúng tôi chứng kiến, cả chục hécta đất cát không còn bóng dáng màu xanh của rau củ quả công nghệ cao, thay vào đó là cát trắng mênh mông, cỏ dại đua nhau mọc um tùm; hệ thống phun tưới nước tự động, bảng chỉ dẫn bị hư hỏng, khu nhà lưới ươm giống, giàn đỡ cây dây leo bị bão số 10 làm đổ sập, khu vực sản xuất, chế biến, cửa hàng bán rau củ quả… cũng xuống cấp, hư hỏng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng Giám đốc Mitraco, cho biết, dự án đến nay chưa mang lại hiệu quả về kinh tế, thậm chí còn phải bù lỗ rất nhiều, nhưng hiệu quả về mặt xã hội bước đầu đã đạt được. Đó là qua mô hình này, người dân đã biết cải tạo và nhân rộng đất cát canh tác.
Trong quá trình khảo nghiệm, Mitraco đã san lấp mặt bằng hơn 50/75ha đất cát để sản xuất trồng hơn 94 loại giống rau củ quả các loại, nhưng trong đó chỉ có 9-10 loại giống thích ứng được với điều kiện tự nhiên ở vùng đất cát ven biển.
Nguyên nhân không tiếp tục trồng rau củ quả là do chất lượng đất cát ở vùng này kém, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất lợi khiến sản phẩm đầu ra tiêu thụ hạn chế... Trước đây khi dự án đang triển khai mạnh, lúc cao điểm có 90 lao động, nhưng nay chỉ còn khoảng 10 lao động...
Hiện chính quyền xã Thạch Văn đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin nhận lại một phần diện tích đất cát để bàn giao cho các hợp tác xã và hộ dân phát triển sản xuất trồng rau củ quả, nhưng chưa thấy tỉnh trả lời. Mitraco cũng muốn bàn giao lại để địa phương chủ động hơn vì diện tích đất cát lớn.
Nông dân tiếp tục thành công
Trong khi dự án của Mitraco đang có nguy cơ thất bại, thì cũng trên dải đất cát hoang hóa bạc màu ven biển liền kề với Mitraco, hàng chục hộ dân ở xã Thạch Văn lại khai thác có hiệu quả mô hình trồng rau củ quả, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Chị Lê Thị Minh (hơn 50 tuổi, ở xã Thạch Văn) cho biết, đến nay gia đình đã có 4 mùa cải tạo trồng rau củ quả thắng lợi trên diện tích hơn 1ha đất cát hoang hóa bạc màu ven biển. Đặc biệt, vụ mùa năm 2016 sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu về trên 80 triệu đồng.
Theo quy hoạch ban đầu của dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha (trong đó, vùng sản xuất rau củ quả trên đất cát ven biển Thạch Hà là 423,5ha…).
Theo đó, sản lượng sẽ đạt 23.000 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 230 tỷ đồng, xuất khẩu đạt khoảng 6 triệu USD/năm; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thu nhập bình quân đạt 5-7 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Thành Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Văn, cho biết, người dân trong xã bắt đầu triển khai cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển để trồng rau củ quả từ năm 2014, theo mô hình liên kết tổ hợp tác và hợp tác xã. Thời gian đầu, tổng diện tích là 3,5ha, chủ yếu trồng rau củ quả thử nghiệm. Nhưng đến nay, tổng diện tích đã tăng lên 13,5ha, với 50 hộ dân trồng và đều mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Riêng năm 2016, sau khi trừ các khoản chi phí, nhiều hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện nay, đây là nguồn thu nhập chính và cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo ông Dung, nguyên nhân người dân trồng rau củ quả trên cát có hiệu quả cao hơn Mitraco là do họ tự bỏ công làm lãi nên không phải tốn chi phí thuê nhân công, vận chuyển; người dân linh hoạt trong đầu tư sản xuất, giá thành sản phẩm rẻ, tham gia liên kết trong các tổ hợp tác và hợp tác xã…
Do hiệu quả kinh tế cao, hiện nay người dân đang muốn có thêm diện tích đất cát để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc Mitraco đang muốn trả lại đất cho chính quyền sẽ là cơ hội để cho người dân hình thành vùng chuyên canh rau củ quả lớn. Vấn đề chống hoang mạc hóa sẽ được đảm bảo.