Mô hình dạy nghề đặc biệt

Năm 2010, ông Nguyễn Văn Hội một mình từ Đức về hẳn Việt Nam sau 33 năm xa quê, với niềm tin rằng, nếu các bạn trẻ có nghề nghiệp bài bản, họ có thể tạo cơ hội và phát triển quê hương Việt Nam. Từ mô hình dạy nghề của ông, 2 năm qua, 72 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi ăn học và tốt nghiệp đủ chuẩn làm việc cho các khách sạn 4, 5 sao.
Mô hình dạy nghề đặc biệt

Năm 2010, ông Nguyễn Văn Hội một mình từ Đức về hẳn Việt Nam sau 33 năm xa quê, với niềm tin rằng, nếu các bạn trẻ có nghề nghiệp bài bản, họ có thể tạo cơ hội và phát triển quê hương Việt Nam. Từ mô hình dạy nghề của ông, 2 năm qua, 72 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi ăn học và tốt nghiệp đủ chuẩn làm việc cho các khách sạn 4, 5 sao.

Vừa là thầy, vừa là bạn của trò

Năm 2013, ở tuổi 61, với kinh nghiệm cả đời làm việc ở nhiều nhà hàng khách sạn Đức, ông Hội mở trung tâm đào tạo ngành khách sạn và nhà hàng An Rê Mai Sen tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng theo hệ thống Dual (Đức), đủ tiêu chuẩn làm việc ở khách sạn 4 sao trở lên. “Đầu ra” cao như vậy, nhưng điều đặc biệt là “đầu vào” - mà ông Hội nhắm tới là những thanh thiếu niên có xuất phát điểm rất thấp - là con em người bán vé số, người nghèo, dân tộc thiểu số... Toàn bộ chi phí từ học tập đến ăn, ở của các em được miễn phí.

Nhiều người đã ngạc nhiên trước sự lột xác của học trò ông Hội. Trên thực tế, ông Hội và 6 thầy giáo người Đức, Anh, Australia kiên nhẫn, gần gũi chỉ cho các em từ con dao, cái nĩa, miếng thịt bò philê. Ông Hội còn “đẩy” các em đứng trước khu nghỉ dưỡng với yêu cầu các em phải thuyết phục để được vào đi dạo. Với học trò, ông vừa là thầy và là bạn. Ông luôn nói tiếng nói của trò để hiểu trò. Nhiều trường hợp cha mẹ buông bỏ, đẩy con đi cho “rảnh nợ”, ông lặng lẽ nhận các em, chăm chút như con của mình. Ông vừa đóng vai thầy, vừa đóng vai cha, vai mẹ. 12 giờ đêm học trò vẫn trao đổi với thầy Hội là chuyện bình thường, vì ông coi đó là giờ tốt đẹp nhất để nói chuyện, khi trò đã tĩnh tâm. Nhiều em cả ngày không đụng tay đụng chân vào việc gì, cả ngày không nói chuyện, không ai hiểu các em đang suy nghĩ gì! Xác định mỗi một con người là một thế giới, ông Hội cố gắng dồn các em vào cái thế, để nội lực các em phải “bật” ra như lò xo. Có khi, ông giao trò tự đi chợ một mình mua đồ. “Như thế thôi là các em biết mình được tin cậy và tự xoay xở xử lý công việc. Chứ giảng cao siêu quá lại chẳng ăn thua gì cả”, ông Hội chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hội (đeo kính) hướng dẫn các học trò của trung tâm

Cùng vun đắp ngôi nhà Việt Nam

Tại trung tâm, mỗi một ngành được đào tạo 3 năm. Chương trình dạy được thiết kế đảo lộn: Thực hành trước, lý thuyết sau. Tiếng Anh vốn là điểm yếu chung và ông Hội có cách giải quyết hiệu quả. Ông phân tích, mỗi một em tốt nghiệp lớp 12, dù dở cũng có khoảng 1.000 từ tiếng Anh, vấn đề là môi trường để các em sử dụng. Và ông Hội đã tạo ra môi trường. Tất cả các môn học được dạy bằng tiếng Anh. Khi chấm thi, trung tâm cũng không chấm bao nhiêu điểm mà chấm các em phát triển được bao nhiêu phần trăm.

Có em nhiều tháng trời trầm lặng, đến một ngày rộn ràng vì “khách đã ăn sạch đĩa do con nấu”. Từ một em ở dưới quê mải chơi, mà giờ nấu một món chuẩn quốc tế, khách ăn khen ngon, trong lòng ông Hội vui không kém trò. Dưới con mắt của người từng trải, ông thấy đó là thời điểm trò bắt đầu “nhập môn”, bắt đầu có cái “nghiệp”, bắt đầu yêu nghề. Ngọn lửa đam mê mà ông nhen nhóm bấy lâu, nay bắt đầu tự cháy.

Chia sẻ về vai trò người thầy, ông Hội nói, làm một người thầy, người cô thì không nghĩ tới giàu có. Người thầy sẽ giàu có bằng tâm hồn, rằng bao nhiêu người tài do mình đào tạo ra, chứ tiền bạc thì không có. Mỗi năm có một em từ quậy phá trở nên hiền lành đã là thành công, vì sau đó em sẽ thành người cộng tác với xã hội chứ không phải là gánh nặng cho xã hội.

 

 Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Viện Sư phạm kỹ thuật (Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM) nhận xét, trong bối cảnh môi trường các trường học của Việt Nam rất khác so với môi trường doanh nghiệp, cử nhân ế việc ngày càng tăng, thì cách làm của ông Nguyễn Văn Hội là rất hiếm, là một gợi mở lời giải về đào tạo nghề nghiệp, đào tạo con người. Cách làm đó cũng cho thấy lời than vãn “đầu vào học nghề kém - chủ yếu là học sinh dở, nên đầu ra đuối” là không thuyết phục. Những em đó cần chúng ta hơn bất cứ ai. Và cái hay, cái giỏi của chúng ta là làm cho những em đó trở thành những con người có giá trị.

 

Chú trọng việc thực hành và coi việc dạy nghề phải dạy thật, chứ không thể dạy “ảo” - dạy phi bối cảnh, ông Hội bỏ 35 triệu đồng/tháng thuê mặt tiền đường để mở nhà hàng có thể phục vụ 250 khách/ngày. Nguồn thu của nhà hàng không nhiều vì các em làm hư nhiều hơn làm bán, nhưng ông Hội luôn duy trì giúp các em được sống với nghề của mình ngay từ trong nhà trường, để tốt nghiệp có thể đi làm luôn. Đầu năm 2016, 29 học viên đợt đầu tiên của trường được các khách sạn lớn như Caravelle, Sheraton, Le Meridien Saigon… tiếp nhận phụ việc có công.

Chăm chút cho học trò như thế nhưng khi có lời cảm ơn của trò, thầy Hội lại chuyển về chính các em: “Hãy cảm ơn chính bản thân mình”! Ông giải thích: “Các con tự tạo tương lai cho các con. Chính các con cố gắng làm cho các con nên người. Thầy chỉ là người giúp. Ai có công lớn nhất sẽ xứng đáng nhận được lời cảm ơn và người đó chính là con”.  Được “cho” nhẹ nhàng, những người “nhận” như Nguyễn Ngọc Như Ý (19 tuổi, quê Rạch Giá, Kiên Giang) đều ý thức được trách nhiệm của mình. Như Ý tự tin: “Với sự giúp đỡ của thầy, chúng em sẽ thành công, sẽ sống tốt”.

Một khi ý thức chia sẻ với cộng đồng, luân chuyển phúc phận tới người khác đang hình thành trong các bạn trẻ như Nguyễn Ngọc Như Ý thì “mỗi người như một viên gạch, Việt Nam sẽ có một ngôi nhà vững bền” như thầy Hội tin tưởng, đang thành hiện thực.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục