Mô hình kinh tế tự lực được tận dụng

Thành công của Australia trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19 đang cho phép nước này giảm dần một số hạn chế, nhưng Australia vẫn đóng cửa với phần còn lại của thế giới, đưa nền kinh tế trở lại thời kỳ tiền toàn cầu hóa. Ấn Độ cũng có bước đi tương tự với chính sách kinh tế tự lực. Tuy nhiên, điều này không mâu thuẫn với tiến trình toàn cầu hóa.
Trung tâm mua sắm Myer ở Melbourne, Australia mở cửa trở lại sau Covid-19
Trung tâm mua sắm Myer ở Melbourne, Australia mở cửa trở lại sau Covid-19

Hướng về tiêu dùng trong nước

Theo Bloomberg, khai thác khoáng sản và nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu và được Chính phủ Australia tài trợ để khôi phục. Dòng khách du lịch, sinh viên và người nhập cư nước ngoài tiếp tục bị từ chối, tạo ra hy vọng cho sự phục hồi của tiêu dùng địa phương. Biên giới khép kín là mô hình nền kinh tế bắt đầu từ những năm 1980 ở Australia, trước khi dỡ bỏ thuế quan mở cửa. Điều đó cho thấy kinh tế Australia sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước, phụ thuộc vào tâm trạng của các hộ gia đình khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Gần 1 triệu người Australia mỗi tháng đi du lịch nước ngoài vào năm 2019. Giờ đây, họ sẽ phải thay đổi điểm đến, hướng về du lịch trong nước. Tiêu dùng hộ gia đình chiếm khoảng 55% nền kinh tế Australia, càng được thúc đẩy thông qua việc thu gom tích trữ nhu yếu phẩm trong quá trình phong tỏa do Covid-19. Các cửa hàng và nhà hàng đang dần mở cửa trở lại, nhưng để tiêu dùng thúc đẩy bất kỳ sự phục hồi nào, các hộ gia đình phải đặt sang một bên những lo ngại về thất nghiệp và nợ để thúc đẩy chi tiêu. Điều đó không phải dễ.

Ngay cả trước Covid-19, các hộ gia đình Australia là một trong những người mắc nợ nhiều nhất ở các nước phát triển, với khoản nợ gần gấp đôi thu nhập khả dụng. Nguy cơ thất nghiệp đối với người dân và khả năng thanh toán các khoản nợ của họ hiện là bài toán với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Australia. Tỷ lệ thất nghiệp hiện là 6,2% và dự báo đạt đỉnh ở mức khoảng 10%.

Ấn Độ tự lực kinh tế

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa đọc thông điệp quốc gia về tình hình kinh tế Ấn Độ và các bước đi sắp tới của chính phủ nước này sau tác động của đại dịch Covid-19. Thủ tướng Modi tiết lộ gói kích thích kinh tế trị giá 266 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP Ấn Độ, một trong những gói kích thích lớn nhất từ trước đến nay của bất kỳ quốc gia nào, để đáp ứng với tác động của Covid-19. Gói kích thích kinh tế, như Thủ tướng Modi nói, sẽ mang lại một Ấn Độ tự lực, tự cường. Tự lực là một ý tưởng cũ ở Ấn Độ và là một trong những nguyên tắc chính trị nổi bật nhất trong nhiều thế hệ chính trị hậu thuộc địa.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhấn mạnh, gói kích thích bao gồm cả việc các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng các nguồn cứu trợ mới mà không cần thế chấp đến cuối tháng 10. Theo The Diplomat, có thể nói sự tự lực của Ấn Độ chỉ đơn giản là xây dựng thương hiệu về khả năng tự phục hồi kinh tế của Ấn Độ sau Covid-19. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, lời kêu gọi tự lực của Thủ tướng Modi rất khác với những người theo xu hướng bảo hộ như kiểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc để gây áp lực cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đưa công việc về nước. Theo báo cáo của Fitch, các nhà sản xuất ở Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc 60% linh kiện điện tử.

Các cơ quan quản lý thuốc Ấn Độ cho biết, hơn một nửa các hoạt chất cần thiết để sản xuất kháng sinh, vitamin, hormone và steroid đến từ Trung Quốc. Rõ ràng, ông Modi lựa chọn tự lực nhưng không từ chối lợi ích của nền kinh tế toàn cầu. May mắn thay, Ấn Độ có thế mạnh về nguồn nhân lực. Theo Times of India, chính phủ của ông Modi hiện đang hy vọng nó có thể lôi kéo cả các doanh nghiệp địa phương và những doanh nghiệp trải rộng trên toàn cầu đến với nhau khởi nghiệp trên đất Ấn Độ.

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 tại 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai vào ngày 21-5. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Nhóm đặc trách về ứng phó với dịch Covid-19 vào ngày 21-5 sau khi tham vấn nhóm chuyên gia y tế cố vấn. Tại Singapore, các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch Covid-19 đang được áp dụng sẽ chính thức kết thúc vào ngày 1-6 và nước này sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó.

Tin cùng chuyên mục