Mô hình sản xuất khoai tây bền vững, tăng năng suất, giảm nhập khẩu

Dự án khoai tây bền vững của Syngenta và PepsiCo thực hiện những năm qua giúp hình thành và xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững, góp phần gia tăng giá trị thương phẩm của khoai tây...

Tại Việt Nam, khoai tây là thực phẩm chủ yếu phục vụ ăn tươi, một ít được xuất khẩu sang Indonesia nên sản lượng không nhiều. Trước đây, khoai tây có diện tích cũng khá lớn, khoảng 100.000 ha, nhưng giống khoai tây vốn mẫn cảm với thời tiết và các loài sâu bệnh gây hại, nên hiệu quả kinh tế thấp dần khi biến đổi khí hậu ngày tác động càng rõ nên diện tích trồng khoai tây giảm xuống dưới 20.000 ha. 

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhìn chung, cây khoai tây tại Việt Nam vẫn không ít bất cập, thiếu ổn định. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích khoai tây những năm qua dao động 16.700 - 19.700 ha. Trong đó, năm 2017 đạt 19.700 ha. Năng suất khoai tây từ 13,5 - 15,9 tạ/ha.

Bất cập ở đây là nhu cầu khoai tây nguyên liệu chế biến làm thức ăn nhanh (snack) như khoai tây chiên ngày càng tăng, phải nhập khẩu từ nhiều nước, chủ yếu là Trung Quốc. Theo khảo sát, nhu cầu khoai tây nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoảng 180.000 tấn/năm, trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40%, còn lại phải nhập khẩu.

Mô hình sản xuất khoai tây bền vững, tăng năng suất, giảm nhập khẩu ảnh 1 Người dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch khoai tây

Đứng trước những vấn đề đó, Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) rau quả, do PepsiCo, Syngenta và Cục Trồng trọt đồng chủ trì được thành lập vào năm 2009 bởi Bộ NN-PTNT. Nhóm kết nối doanh nghiệp cùng hợp tác với các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để giúp các hộ sản xuất nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đầu tiên tập trung vào trồng khoai tây tại tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội, tiến tới mở rộng sang các loại rau, quả khác.

Năm 2019, Syngenta và PepsiCo cùng phối hợp triển khai mô hình hợp tác trong sản xuất khoai tây bền vững thông qua việc thành lập nông trại sản xuất khoai tây, thử nghiệm áp dụng công nghệ kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, quản lý an toàn nông dược và đào tạo nông dân…

Theo đó, PepsiCo hỗ trợ về kỹ thuật và cùng đầu tư ứng giống, phân bón với chi phí ước tính khoảng 40% cho một hecta, nông hộ đầu tư 60% cho việc thuê đất, nông dược, nhân công, điện nước; Syngenta xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp canh tác tiên tiến đã được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, sinh trưởng của từng địa phương trong quản lý các sâu bệnh hại tổng hợp trên cây khoai tây. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nông dân về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả... Nhờ vậy, khoai tây thương phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất.

Niên vụ 2018 - 2019 diện tích khoai tây mới đạt 400 ha với gần 600 nông dân tham gia. Đến niên vụ 2021 - 2022, diện tích canh tác tăng gấp 3 lần với 1.269 ha với năng suất trung bình 27-28 tấn/ha, cao nhất 34 tấn/ha. Với sản lượng bình quân 26 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí sản xuất là 90 - 100 triệu/ha trong 4 tháng canh tác. 

Mô hình sản xuất khoai tây bền vững, tăng năng suất, giảm nhập khẩu ảnh 2 Mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
Là chủ nông trại 15 ha tại thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, tham gia mô hình từ năm 2019 và xác nhận mức lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/ha với loại khoai tây trắng dùng để làm snack. Ngoài thời gian trồng khoai tây (cuối năm trước, quý đầu năm sau) sẽ luân canh các loại cây trồng khác như đậu phộng... nên thu nhập trên hecta trong năm còn cao hơn.

Từ năm 2022 - 2025, dự án phát triển nông trại khoai tây kiểu mẫu này tiếp tục triển khai và mở rộng tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai, với mục tiêu sản xuất trên 2.000 ha và hơn 1.000 nông dân tham gia.

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng khoai tây nội địa của PepsiCo lên đến 80%. Đáng nói hơn, công ty đã xuất khẩu lô khoai tây đầu tiên, 6.000 tấn vào thị trường Thái Lan, được đánh giá cao về chất lượng. Cần nói thêm, việc vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu khoai tây là do mỗi năm khoai tây chỉ trồng được 1 vụ, lưu trữ tối đa 6 tháng nên không đủ hàng để chế biến quanh năm trong khi rộ mùa sẽ bị dư.

Theo ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, dự án khoai tây bền vững của Syngenta và PepsiCo thực hiện những năm qua giúp hình thành và xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững, góp phần gia tăng giá trị thương phẩm của khoai tây, từ đó cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.

Từ thành công của mô hình, giai đoạn 2022 - 2025, dự án sẽ nhân rộng các tỉnh Tây Nguyên, như Gia Lai, Đắk Lắk với mục tiêu đạt 2.000 ha và hơn 1.000 nông dân tham gia dự án.

Có thể nói, đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là công cụ quan trọng để thu hút đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm của sản phẩm nông nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục