Mô hình trường chất lượng cao-Dạy theo kiểu “chép là chính”

Học sinh giỏi làm... bài mẫu
Mô hình trường chất lượng cao-Dạy theo kiểu “chép là chính”

Nói đến mô hình mới, người ta thường liên tưởng đến cụm từ “chất lượng cao” (CLC) khi thực hiện mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3 TPHCM). Song, thực tế còn nhiều điều phải bàn, đặc biệt sau loạt bài “Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn – Hiệu quả còn tiềm ẩn” (Báo SGGP số ra ngày 11 và 12-8). Học sinh (HS) khối 12 năm học 2008-2009 của trường này đã được dạy như thế nào? Một bạn đọc “đại diện PHHS” vừa email đến Báo SGGP bài viết nói về cách dạy CLC – chép là chính – như góp thêm tiếng nói phản biện khi bàn về mô hình trên…

Phụ huynh học sinh xem kết quả trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2009-2010 tại Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3. Ảnh: MAI HẢI

Phụ huynh học sinh xem kết quả trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2009-2010 tại Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh giỏi làm... bài mẫu

Từ tháng 4-2009, hàng ngày từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng, HS phải vào trường làm bài kiểm 6 môn thi tốt nghiệp, sau đó các em học 5 tiết (từ 7 giờ đến 11 giờ 30). Từ 12 giờ 30 đến 13 giờ 30, HS nào làm các bài buổi sáng chưa đạt 6 điểm, sẽ phải làm bài lại (đề y như đề đã làm buổi sáng hoặc ngày hôm trước) và sau đó lại học buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Mỗi ngày, buổi sáng cũng như chiều luôn có cảnh HS ngủ trong lớp, giáo viên phải thường xuyên cho các em ra ngoài rửa mặt để chống ngủ. HS lớp 12 bắt buộc phải đi học cho đến ngày cuối cùng là 30-5-2009, nếu không sẽ không được phát phiếu báo danh.

Sau ngày thi tốt nghiệp, HS lại vào trường luyện thi đại học, mỗi ngày từ 7 giờ đến 11 giờ 30, sau đó giờ giải đề do ban giám hiệu phụ trách. Kết quả là HS đi học rất ít, chỉ có khoảng 3-5 lớp/13 lớp, dù nhà trường tuyên bố là các em đi học “miễn phí”. Nhưng trớ trêu thay, trên bảng thông báo của nhà trường dán hẳn một bản báo cáo chi tiêu quỹ PHHS khối 12 đóng góp với số tiền là 176.600.000 đồng thu từ 364 HS khối 12, vị chi cha mẹ các em đã phải đóng góp gần 500.000 đồng cho cái gọi là “miễn phí” này; đó là chưa kể các khoản thu khác trong năm học.

Học phí cao nên HS cũng được… chiều chuộng với một quy định miệng: nếu HS làm bài có điểm dưới trung bình, giáo viên (GV) phải cho HS làm bài lại để gỡ điểm. GV nào không tuân thủ sẽ được nhắc nhở: “Phụ huynh người ta đóng gần 1 triệu đồng cho con vào học, không phải để nhìn thấy điểm này”.

Gần đến ngày làm bài kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết, nhà trường chỉ thị các tổ bộ môn biên soạn một đề cương gồm 40 câu và HS sẽ đóng tiền photo để mỗi em có 1 đề cương và hướng dẫn hoặc giải cho các em. Đề kiểm tra sẽ là 20 câu giống hệt trong đề cương hoặc chỉ thay đổi con số. Chưa hết, giáo viên còn “nhờ” HS soạn bài, thuyết trình trên máy tính, kể cả môn học thực hành và làm bài trắc nghiệm; HS cũng được yêu cầu tự soạn đề kiểm tra cho cả lớp và thu bài của bạn, chấm điểm! Chúng ta từng đau lòng vì đã có những thế hệ HS chỉ biết học thuộc bài mẫu, thì nay ở nhà trường này, các em được huấn luyện “nhai” lại kiến thức. Kết quả điểm cao chẳng khác để “mị PHHS”, làm hài lòng các “thượng đế” để họ yên tâm khi chọn trường này cho con.

Không có chỗ cho học sinh nghèo?

Dù đã đóng học phí gấp hơn 20 lần so với HS các trường khác, nhưng HS ở đây vẫn phải đóng thêm nhiều khoản tiền, chính xác như Báo SGGP đã nêu. GV soạn thêm kiến thức hỗ trợ cho HS hay phục vụ các hoạt động học tập lên lớp? Xin mời gửi bài ở phòng photo. GV muốn cho học sinh làm bài tập ư? Học sinh đóng tiền photo. GV muốn ôn tập cho học sinh? Cứ gửi ở phòng photo, học sinh sẽ xuống lấy và đóng tiền. Nếu phụ huynh muốn có thêm hoạt động gì cứ tự tổ chức lấy, tự lo chi phí! Vậy, tiền học phí gần 1 triệu đồng/tháng đi đâu và hỗ trợ cho ai? Câu hỏi này xin để ngành giáo dục và nhà trường trả lời.

Trường đã từng hứa: vào cuối năm lớp 12, HS sẽ đạt trình độ tương đương 550 điểm thi TOEFL. Chỉ tiêu này được thực hiện như sau: GV nước ngoài dạy thì thay đổi từ người Mỹ (năm học 2006-2007) đến người Philippines (năm học 2008-2009), còn bằng cấp của họ chắc chỉ có ban giám hiệu biết rõ. Kết quả: nhà trường “đổ thừa” vì trình độ HS yếu nên… khó đạt chỉ tiêu. Điều này mâu thuẫn với việc khẳng định HS sẽ được vào học các trường ĐH quốc tế, trong khi bản thân trường không có một kế hoạch nào cụ thể, ngoài 1-2 tiết/tuần học với người nước ngoài.

Cơ sở vật chất cho giáo dục còn nhiều khó khăn, hàng năm không đủ trường cho tất cả học sinh vào học lớp 10. Lẽ ra với một trường có 50 phòng (khoảng 2.500 HS), hàng năm Trường Lê Quý Đôn có thể đủ chỗ cho thêm 750 HS là con em nhân dân lao động vào học trường công lập. Nhưng đến năm lớp 12, số HS chỉ còn 360 em. Nếu đây là một mô hình tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, chắc chắn HS không bỏ trường mà học nơi khác…

Đại diện cựu PHHS trường Lê Quý Đôn

Tin cùng chuyên mục