Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Bài 1: Hiệu quả còn… “tiềm ẩn”

LTS:
Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Bài 1: Hiệu quả còn… “tiềm ẩn”

LTS: Trên tinh thần xây dựng vì một xã hội học tập, Báo SGGP xin góp một phân tích phản biện về hai mô hình mới TPHCM đang thí điểm trong lĩnh vực giáo dục: Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn và Mô hình không thu tiền tăng tiết của Trường Nguyễn Thái Bình. Sở GD-ĐT TPHCM đang đề nghị xin mở rộng 2 mô hình trên, trong khi HĐND TP với sự thận trọng và cân nhắc đã cho rằng, cần phải họp xem xét rút kinh nghiệm trước khi quyết định có nên mở rộng việc thí điểm hay không.

Từ năm học 2006-2007, Sở GD-ĐT TPHCM đã chọn Trường THPT Lê Quý Đôn làm thí điểm cho mô hình trường công lập tự chủ tài chính chất lượng cao. Mỗi năm trường được ngân sách đầu tư như các trường phổ thông công lập khác, song lại thu học phí 850.000 - 890.000 đồng/HS/tháng. Với mức thu gấp 30 lần trường công, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) vẫn sẵn lòng cho con theo học thí điểm vì tin tưởng ở sự đổi mới.

Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI

Cam kết chỉ mới là... lời nói

Khi thực hiện mô hình thu học phí cao, Sở GD-ĐT TPHCM đã cam kết với PHHS: Trường Lê Quý Đôn (LQĐ) không dạy thêm, học thêm, không thu khoản tiền khác ngoài học phí; bảo đảm dạy tốt chương trình của Bộ GD-ĐT; thực hiện phương pháp dạy học tiên tiến và phát huy năng khiếu của từng học sinh. Ngoài ra, theo khẳng định của lãnh đạo sở, mô hình này phải tiên tiến, khả thi và tiếp cận được với phương pháp giáo dục trong khu vực, quốc tế. Nhưng thực tế ra sao? Liệu có khoảng cách giữa “nói” và “làm”.

Em H.N, cựu học sinh (HS) khối A niên khóa 2006 – 2009 cho biết: Trong lớp thầy cô dạy rất tận tình nhưng kiến thức không truyền tải hết được. Do vậy, hầu hết HS trong lớp phải đi học thêm những môn cơ bản là Toán, Lý, Hóa, Anh văn ở Trường Bồi dưỡng Văn hóa quận 1 hay trung tâm của THPT chuyên Lê Hồng Phong.

“Vì sao HS phải đi học thêm, trong khi trường đã có cam kết, và HS tốt nghiệp xong sẽ có trình độ TOEFL tương đương 550?”. H.N hồn nhiên đáp: “Đúng là năm học lớp 10, tụi em được học nghe theo dạng thức TOEIC, ngữ pháp theo TOEFL nhưng trình độ cao quá, tụi em bị đuối. Sang năm lớp 11, 12, phần nâng cao trên bị bỏ thay bằng những tiết học Anh ngữ nhẹ nhàng hơn. Mỗi tuần đều có giáo viên bản ngữ nhưng 3 tháng lại thay một lần. Mỗi lần thay là phải điều chỉnh để thích nghi. Có thầy giáo người Canada nhưng phát âm theo giọng Scotland khiến tụi em mệt thở”. 

Lý giải việc nhiều HS phải đi học thêm, ngược với cam kết của nhà trường đối với PHHS, ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng THPT LQĐ khẳng định rằng, khi GV thấy HS có điểm dưới 6 là tự động dạy HS. Sự tự động, tự giác này nằm trong tiềm thức. Còn việc HS khá, giỏi muốn đi học thêm là chuyện vô chừng (!?).

Dường như chính bản thân trường cũng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mô hình mới. Về cơ sở vật chất, dù được trang bị xịn nhưng việc cải tạo phòng học đạt chuẩn của trường theo kiểu cuốn chiếu “có HS mới xây phòng” khiến lứa HS đầu tiên phải “sống chung” với cảnh trường mình là… công trường trong suốt 3 năm. Về giáo viên, trường phải phân công GV lớp 12 “cứng” nhất xuống dạy lớp 10. Nhưng theo phản ánh của HS, năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện đại trà chương trình phân ban nên ngay chính thầy cô phải vừa dạy, vừa… học.

Khác biệt chưa thấy rõ

3 năm qua, PHHS muốn biết sự khác biệt thật sự giữa một Trường LQĐ trước và sau khi thí điểm là gì? Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT cho rằng: Nét khác biệt đó là mô hình quốc tế, sĩ số lớp chỉ 30 HS, học ngày 2 buổi, trang thiết bị được ưu tiên trang bị “xịn” nhất. Mỗi phòng học có một máy vi tính nối mạng ADSL, 1 máy chiếu projector, 1 màn hình, 1 máy in, 2 máy lạnh. Nhưng trên thực tế nhà trường rất tiết kiệm điện, chỉ mở máy ở tiết học thứ 2 và cuối tiết 4 là có nhân viên đi… tắt máy lạnh, bất kể có khối lớp học 5 tiết buổi sáng. Bộ điều khiển máy lạnh không giao cho lớp mà do nhân viên trường giữ.

Tuy cam kết không thu thêm khoản tiền nào, ngoài tiền học phí, nhưng đầu năm, HS của trường phải đóng cả chục khoản như tiền nước, tiền giấy thi, tiền photocopy đề, đề thi… Đó là chưa kể mỗi học kỳ, cha mẹ HS phải có nghĩa vụ đóng tiền quỹ trường 200.000 đồng và quỹ lớp tương đương. Và 2 năm liên tục, PHHS được vận động đóng 80.000 - 120.000 đồng mua máy trắc nghiệm (2007 – 2008). Sang năm học 2008 – 2009, PHHS lại thấy bất bình khi phải đóng 600.000 đồng cho 3 công trình của trường. HS của trường kể: “Mỗi lần thông báo cho mẹ em đi họp PHHS ở trường là mẹ than: Lại đóng tiền nữa”.

Hiệu quả rõ ràng nhất của mô hình Trường LQĐ tiếp cận chuẩn quốc tế qua sĩ số lý tưởng 30 HS/lớp. HS Trường LQĐ niên khóa 2006 – 2009 hài lòng nhất chính là việc được học theo hướng tích cực, rèn luyện học theo nhóm. Phương pháp học này giúp các em biết truy cập tài liệu từ sách báo, Internet để làm thuyết trình...

Nhưng, ngoài mức học phí đóng cao hơn trường công lập khác 30 lần, HS vẫn còn phải bỏ bình quân 1 triệu đồng/tháng đi học thêm thì điều đó không thể không gây thất vọng cho nhiều PHHS. Nỗi thất vọng thứ 2 sau một chu kỳ 3 năm thí điểm là thành tích nổi trội nhất chỉ có con số 100% HS đậu tốt nghiệp giống… như lúc chưa thí điểm. (Năm học 2008 – 2009, TPHCM có đến 17 trường đậu tốt nghiệp 100%).

Một cựu lãnh đạo của Trường LQĐ cho chúng tôi biết: Trước khi thí điểm, tỷ lệ đậu ĐH, CĐ hàng năm của trường dao động 82% - 85%. Mỗi năm ước tính có khoảng 50 HS đi du học tự túc. Năm 2008, lứa HS lớp 12 cuối cùng của “tiền thí điểm” đã làm rạng danh nhà trường khi được Bộ GD – ĐT xếp hạng 154 trong danh sách 200 trường có điểm trung bình 3 môn thi đại học 2008 cao nhất nước. Theo ước đoán, tỷ lệ đậu ĐH, CĐ năm nay sẽ xấp xỉ 80%. Như vậy, sự chờ đợi của xã hội vào lời khẳng định “kết quả thi tốt nghiệp, ĐH sắp tới sẽ là thước đo hiệu quả của mô hình chất lượng cao tại Trường LQĐ” vẫn còn tiềm ẩn.

Học phí cao phải tương xứng với chất lượng tốt

Không cầu toàn để đòi hỏi trong một thời gian ngắn, Trường LQĐ sẽ làm nên một “bước ngoặt trong lịch sử ngành giáo dục TP”. Vì thật sự muốn làm được điều này đòi hỏi phải có một quá trình. Anh K.B, PHHS ở quận 3, nói: “Giá như nhà trường làm đúng với cam kết học phí cao – chất lượng tốt thì mô hình Trường LQĐ sẽ rất hay. Tôi nghĩ cần phải có thêm thời gian cho mô hình này”.

Trong khi đó, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM đã nhiều lần đề nghị xem xét lại mô hình Trường LQĐ thu học phí quá cao so với thu nhập của công nhân viên là không hợp lý. Giáo dục công lập phải tạo điều kiện công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân, ai có nhiều tiền hơn thì cứ chọn trường ngoài công lập.

Thế nhưng, ngành GD-ĐT vẫn nhất mực cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để nhân rộng mô hình Trường LQĐ với lập luận “công bằng không có nghĩa là cào bằng”. Đúng, sự cào bằng sẽ giết chết tiềm năng phát triển nhưng công bằng cũng phải bao hàm tính khách quan và phải xem xét ở mức độ nào là phù hợp.

Theo bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thu tiền cao là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục đúng nghĩa. Nhưng, “cao” đến đâu cũng là chuyện cần cân nhắc kỹ: cái nào Nhà nước và nhân dân cùng làm; cái nào Nhà nước phải lo.

Theo Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: Để mở rộng nguồn đầu tư, có thể TP sẽ đồng ý cơ chế cho loại hình dịch vụ giáo dục. Như vậy, ngân sách ở những trường thực hiện dịch vụ sẽ điều chuyển ngân sách cho vùng ven, ngoại thành. Bà khẳng định, phải đặt mục tiêu công bằng hơn nữa trong giáo dục và tăng thêm thu nhập cho người thầy. Như vậy, việc cấp 100% ngân sách cho Trường LQĐ và cả những trường khác nếu mở rộng thí điểm loại hình thu học phí cao cũng cần phải xem xét lại.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục